Đinh La Thăng tự bào chữa cho bản thân: 'Bị cáo không úp mở gì cả'

Trong phần tự bào chữa sau khi VKS đề nghị mức án 18-19 năm tù, ông Đinh La Thăng cầm trên tay tập giấy đã chuẩn bị từ trước đưa ra nhiều lý lẽ để đối đáp cáo buộc cố ý làm trái.

Sáng nay (22/3), sau khi VKSND Hà Nội lần lượt đề nghị các mức án với 7 bị cáo do có sai phạm xảy ra tại Tập đoàn PVN, là người đầu tiên tự bào chữa sau khi VKS luận tội, bị cáo Thăng mặc áo sơ mi sáng màu cầm trên tay tập giấy đã chuẩn bị từ trước điềm tĩnh trình bày.

Đinh La Thăng nói gì trong phần tự bào chữa? Bị cáo Thăng mặc áo sơ mi sáng màu cầm trên tay tập giấy đã chuẩn bị từ trước điềm tĩnh tự bào chữa. Ông nói không che giấu, không úp mở cũng như né tránh, chối tội.

Bị cáo Thăng khẳng định không che giấu, không úp mở

Theo cựu Chủ tịch HĐTV PVN chủ trương góp vốn vào Oceanbank là để giải quyết hệ lụy của chủ trương thực hiện thí điểm đề án thành lập ngân hàng Hồng Việt. Do năm 2008, kinh tế có nhiều biến động nên Chính phủ ra chủ trương dừng thành lập ngân hàng mới.

Khi đó, PVN là đầu tàu của nền kinh tế, đã báo cáo về việc dừng triển khai đề án Ngân hàng Hồng Việt. Nhưng để giải quyết hệ lụy đã chuẩn bị cho việc lập ngân hàng riêng của ngành dầu khí, PVN đã xin phép góp phần vốn đầu tư vào một ngân hàng cổ phẩn khác.

Ông Đinh La Thăng nói, qua những lần đàm phán với nhiều đối tác, các ngân hàng không thống nhất được điều kiện PVN đưa ra, đó là phải tiếp nhận toàn bộ con người, cơ sở vật chất của Hồng Việt. Sau đó, với cương vị là Chủ tịch HĐTV, ông đã chỉ đạo cấp dưới đi tìm đối tác và thỏa thuận với một số ngân hàng. Lúc đó, chỉ có Ngân hàng Đại Dương chấp nhận các điều kiện mà tập đoàn đưa ra.

Về việc ký thỏa thuận hợp tác với Oceanbank, ông Thăng cho rằng đây là chủ trương mà HĐQT biết và thống nhất. Nghĩa là, việc xử lý hệ lụy của Hồng Việt, tất cả thành viên HĐQT đều biết.

"Đầu năm 2017, bị cáo gọi điện cho các thành viên HĐTV để nói về chủ trương trên. Các anh chị của HĐTV đã đồng ý xác nhận. Tuy nhiên, sau khi làm việc với cơ quan điều tra, các thành viên đã không đồng tình, nói do cả nể”, ông Thăng phân trần.

Ông Thăng đề cập đến cáo trạng nêu, việc gọi điện ký xác nhận là hành vi che giấu. Theo bị cáo, đây chỉ là đề nghị xác nhận theo từng người, không có ép buộc. Biên bản này chỉ là căn cứ để bị cáo báo cáo HĐQT. Do đó, trước HĐXX, ông Thăng khẳng định trước khi ký biên bản thỏa thuận với Oceanbank, ông đã họp và thông báo với HĐQT. “Việc này không liên quan gì đến hành vi che giấu, bị cáo không úp mở gì cả”, cựu Chủ tịch PVN nói.

Bị cáo Đinh La Thăng trong phần tự bào chữa sáng 22/3. Ảnh: Chụp màn hình.

Bị cáo Đinh La Thăng trong phần tự bào chữa sáng 22/3. Ảnh: Chụp màn hình.

Ông Đinh La Thăng nói không né tránh, chối tội

Về việc ký nghị quyết góp vốn, bị cáo sinh năm 1960 khẳng định không có quy định pháp luật nào nói việc ký nghị quyết phải có văn bản của HĐQT hay của của Thủ tướng thì mới được ký.

Bị cáo tự bào chữa, việc đầu tư vào Oceanbank lúc đó cần phải có 2 điều kiện cần và đủ: Một là được Thủ tướng đồng ý bằng văn bản, hai là phải có sự thống nhất 100% của HĐQT. Ông Thăng viện dẫn, trên thực tế, PVN không có nghị quyết nào là không có sự thống nhất của HĐQT.

"Chỉ cần một người không đồng ý, bị cáo sẽ cho dừng lại", bị cáo Thăng quả quyết và cho rằng, việc PVN đầu tư vào Ngân hàng Đại Dương là đúng pháp luật.

“Khi Thủ tướng đồng ý thì PVN mới đầu tư. Đó là sự thật, bị cáo không né tránh, không chối tội”, bị cáo tiếp tục khẳng định.

Nói về đợt góp vốn lần 3 (100 tỷ) của PVN vào Oceanbank, ông Đinh La Thăng khai lúc đó, ông đi công tác nên đã ủy quyền điều hành tập đoàn cho Nguyễn Xuân Thắng. Sau khi vụ án bị khởi tố, ông Thăng nhận thấy chủ trương góp vốn chưa phù hợp Luật tín dụng năm 2010 (bắt đầu có hiệu lực).

Tuy nhiên, ông Thăng cho rằng người ủy quyền cùng các thành viên HĐTV đã ký nghị quyết đồng ý góp vốn. Sau đó, các cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt bằng văn bản mà không có công văn “thổi còi”.

Bị cáo Thăng lý giải, trong các quyết định chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đều ghi rõ, cổ đông là Tập đoàn dầu khí góp 800 tỷ đồng, bằng 20% vốn điều lệ của Oceanbank. Chứng tỏ việc này đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

“Theo nhận thức của bị cáo, việc góp vốn 100 tỷ lần 3, các cá nhân có liên không vi phạm vì đã được phép”, ông Đinh La Thăng trình bày và mong HĐXX xem xét, bởi ông cho rằng những bị cáo đã ký nghị quyết trong giai đoạn chuyển đổi giữa Luật tín dụng cũ và luật mới. Do HĐQT không cập nhật kịp thời chứ không phải hành vi cố ý làm trái.

7 bị cáo vụ PVN mất 800 tỷ khi góp vốn vào Oceanbank. Ảnh: P.D.

7 bị cáo vụ PVN mất 800 tỷ khi góp vốn vào Oceanbank. Ảnh: P.D.

Kiến nghị chuyện Ngân hàng Nhà nước mua lại Oceanbank giá 0 đồng

Bào chữa về cáo buộc liên quan việc chỉ đạo PVN thoái vốn khỏi Oceanbank, bị cáo Đinh La Thăng tiếp tục khẳng định việc thoái vốn của Oceanbank cần được sự đồng ý của Thủ tướng và các cơ quan liên quan và phải có lộ trình.

Từ 2012, tập đoàn đã xây dựng lộ trình thoái vốn để báo cáo Thủ tướng và được Thủ tướng cho phép từ 2013 - 2015, PVN được thoái vốn 100% khỏi Oceanbank. Trước năm 2015, hai công ty đã đăng ký mua 5% và 15% vốn của PVN. Sau đó, PVN đã báo cáo Thủ tướng và được đồng ý. Tuy nhiên 2 tuần sau, Ngân hàng Nhà nước đề nghị PVN chuyển phần vốn về đơn vị này, không bán ra ngoài.

Ông Thăng khẳng định, nếu PVN được thoái vốn thì sẽ không mất khoản tiền 800 tỷ, càng không có chuyện Oceanbank bị mua 0 đồng.

Cũng trong nội dung tự bào chữa, ông Đinh La Thăng đã kiến nghị HĐXX xem xét việc Ngân hàng Nhà nước mua lại Oceanbank giá 0 đồng. Theo bị cáo, việc Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng là không phù hợp quy định của pháp luật. Bởi lẽ, nếu việc mua 0 đồng là do OceanBank thua lỗ, Ngân hàng Nhà nước phải bỏ tiền để bù khoản lỗ 14.000 tỷ đồng và 4.000 tỷ khác để cấp lại vốn điều lệ cho Oceanbank hoạt động.

Nói về cáo buộc của VKS cho rằng, bản thân là người chịu trách nhiệm lớn khi PVN mất 800 tỷ, ông Đinh La Thăng trình bày, tháng 8/2011, ông đã chuyển công tác khỏi PVN. Nhiều năm sau đó, Oceanbank vẫn có lãi và chia cổ tức đều. Do đó, ông Thăng cho rằng chỉ chịu trách nhiệm đến thời điểm này. Thời gian sau đó, bị cáo đã chuyển khỏi PVN nên mọi quyền hạn và nghĩa vụ đối với ông không còn.

"Mong HĐXX với bản lĩnh, trí tuệ, thực hiện sự công bằng, khách quan, đúng bản chất, đúng hiện tượng, đúng sự việc và bối cảnh để có phán quyết bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật nhưng đúng thực tiễn”, ông Thăng nói và kết thúc tự bào chữa.

Theo cáo trạng, năm 2008, ông Đinh La Thăng đã gặp Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank) và đồng ý góp vốn vào nhà băng này khi chưa thông qua HĐTV PVN.

Các thành viên HĐTV Tập đoàn dầu khí chỉ biết được thỏa thuận góp vốn khi việc ký kết đã hoàn thành. Lúc đó, để hợp thức hóa các tài liệu, ông Thăng bị cáo buộc đã nhờ các thành viên của tập đoàn ký giấy xác nhận việc ông đã thống nhất chủ trương với HĐQT để PVN góp vốn vào Oceanbank.

Liên quan đến việc PVN mất 800 tỷ, cáo buộc của VKS cho rằng bị cáo Đinh La Thăng có vai trò lớn nhất. Do đó, ông Thăng cùng 6 bị cáo bị truy tố tội Cố ý làm trái. Riêng bị cáo Ninh Văn Quỳnh bị truy tố thêm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Đinh La Thăng và 6 đồng phạm bị VKS đề nghị mức án thế nào? Trong 7 bị cáo liên quan đến vụ án PVN mất 800 tỷ khi đầu tư vào Oceanbank, nguyên Kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh bị VKS đề nghị mức án cao nhất là 24-26 năm tù với 2 tội danh.

Bá Chiêm - Hoàng Lam

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dinh-la-thang-tu-bao-chua-cho-ban-than-bi-cao-khong-up-mo-gi-ca-post827489.html