Đỉnh Thằm Tạo vít đầu 'Thần Sấm'

Năm mươi năm trước, trên đỉnh núi Thằm Tạo (khu Sinh Tàn, xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn), lực lượng phòng không, không quân (PKKQ) cùng quân và dân Đất Tổ đã lập nên chiến công hiển hách: Bắn rơi tại chỗ máy bay chiến đấu phản lực mệnh danh 'Thần sấm' F-105 của không lực Hoa Kỳ, bắt sống giặc lái.

Qua thời gian, chiến trường xưa giờ đã phủ xanh cây lá, tư liệu về trận không chiến cũng thất lạc nhiều, nhưng tàn tích của cỗ máy chiến tranh từng gieo rắc kinh hoàng, tàn phá cuộc sống thanh bình đang được lưu giữ trong các bảo tàng và ký ức về thời khắc luồn rừng truy tìm phi công Mỹ của người dân trên bản Sinh Tàn vẫn sống động, minh chứng cho tinh thần, ý chí quyết chiến quyết thắng của thế hệ cha ông trong những thời khắc lịch sử gian truân mà hào hùng của dân tộc…

Hiện vật xác máy bay F-105 của Mỹ bị bắn rơi tại núi Thằm Tạo (xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn) trong sự kiện ngày 20/5/1972 được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 2.

Dùng nỏ… bắn máy bay!

Bước sang tuổi 64, ông Bàn Văn Chiêu vẫn giữ được sức vóc dẻo dai, nhanh nhẹn của người dành cả đời leo rừng, lội suối. Có mặt trong bốn gia đình đồng bào dân tộc Dao đầu tiên về khai sơn phá thạch, lập nên bản Sinh Tàn, ông Chiêu cũng là đảng viên đầu tiên, nhiều năm liền được tín nhiệm bầu làm trưởng khu hành chính. Thế nên mọi chuyện của bản, ông nắm vững như lòng bàn tay.

Theo lời kể của ông, đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, không chịu nổi cuộc sống thiếu đói quanh năm trên đỉnh núi cao, mấy gia đình người Dao bàn nhau dọn nhà xuống thung lũng chân núi Thằm Tạo vỡ đất khai hoang. Tiếng là dọn nhà chứ thực ra mỗi gia đình chỉ có gùi quần áo vá chằng vá đụp, đùm hạt giống và con dao, cái cuốc dắt díu nhau về vùng đất mới.

Đầu những năm 1972, Sinh Tàn vẫn chưa thành bản mà chỉ có bốn, năm nóc nhà dựng tạm dưới bóng cây rừng ven bờ suối. Vất vả, lam lũ từ nhỏ nên mới hơn chục tuổi, ông Chiêu đã ra dáng thanh niên vạm vỡ, xốc vác, cả ngày vỡ đất khai hoang, lên rừng đặt bẫy thú… Rắn rết, lợn rừng, chồn cáo ông chẳng coi vào đâu nhưng mỗi khi nghe tiếng gào rú của những chiếc máy bay phản lực như rạch ngang trời và những tiếng bom nổ chát chúa chấn động không gian, ù tai, tức ngực, ông cứ thấy chân tay bủn rủn, mồ hôi vã ra như tắm.

Chắc do cắt ngang đường bay nên bọn giặc trời trên đường đi gây tội ác về trút bừa bom xuống cho nhẹ chứ nơi núi rừng heo hút này làm gì có mục tiêu để chúng đánh phá… Tiếng là thành viên đội dân quân nhưng ông Chiêu chưa một lần được cầm đến khẩu súng trường chứ nói gì đến các khí tài phòng không. Vũ khí quen thuộc được ông sử dụng hàng ngày để săn thú là chiếc nỏ và ống tên luôn thường trực bên người.

Ông Bàn Văn Chiêu (bên trái) và ông Đặng Văn Chăn trở lại khu vực xác máy bay F-105 của Mỹ bị bắn rơi trên núi Thằm Tạo 50 năm trước.

Nhiều lần thấy máy bay Mỹ rà thấp các ngọn cây như muốn bốc mái lá nhà mình lên, chúng bay thấp đến mức nhìn rõ cả dòng chữ trên thân máy bay, rõ cả cái đầu thằng giặc lái ngồi trong lồng kính phía trước, ông Chiêu giận lắm. Ngồi thu mình trên chạc cây đại thụ “rình” máy bay Mỹ, mãi cũng có hôm ông gặp được chiếc máy bay hạ độ cao, không kịp ngắm, ông lên dây bắn hú họa mấy phát rồi leo vội xuống.

Anh em kéo đến hỏi chuyện, ông khoát tay: “Biết là không làm gì được nó, nhưng phải bắn để chúng nó thấy mình không sợ”. Miệng nói thế chứ trong bụng, ông cứ thấy… tiếc tiếc, giá như bình tĩnh, ngắm kỹ tý khéo lại… ngon ăn. Về sau, chuyện ông Chiêu dùng nỏ bắn… máy bay lan rộng ra cả xã. Có cán bộ quân đội về bản biết chuyện đã chụp tặng ông tấm ảnh, kèm theo dòng chữ: “Tặng ông Bàn Văn Chiêu- Người dùng nỏ bắn máy bay”. Tấm hình được ông giữ như báu vật suốt mấy chục năm, thế mà đợt vừa rồi làm nhà mới chẳng biết thất lạc đi đâu, ông tiếc ngẩn ngơ cả tháng trời…

Máy bay F-105 được Đế quốc Mỹ sử dụng trong chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam.

Trận không chiến lịch sử!

Căm giận trong bất lực máy bay Mỹ quấy phá nên khi chứng kiến “Thần sấm” F-105 Hoa Kỳ bị “hạ đo ván” trong trận không chiến với không quân Việt Nam ngay trên bầu trời của bản, ông Bàn Văn Chiêu và dân làng phấn khởi, tự hào lắm. 50 năm đã qua, nhưng ký ức về thời khắc nguy hiểm mà hào hùng ấy vẫn vẹn nguyên trong tâm trí họ.

Trạc tuổi ông Chiêu, năm 1972, ông Đặng Văn Chăn mới bước sang tuổi 14 nhưng đã được giao nhiệm vụ Đội trưởng Đội Dân quân, Đội trưởng Đội sản xuất, phụ trách đoàn thanh niên khu Sinh Tàn. Với ông, buổi sáng 20/5/1972 lịch sử vẫn rõ ràng, sống động như vừa mới xảy ra.

Sáng hôm ấy là đầu mùa Hè, khoảng 9h, trời trong vắt, oi bức, ông cùng đội sản xuất đang đánh trâu bừa thửa ruộng khai hoang thì bất chợt nghe tiếng động cơ máy bay phản lực như xé toạc không gian. Mấy anh em dừng tay ngẩng đầu quan sát thì thấy hai máy bay đang hạ độ cao rượt đuổi nhau. Cánh chiếc phía sau chớp sáng, một tiếng động chói tai vang lên. Chiếc bay trước bốc khói đen, lảo đảo rơi xuống phía núi Thằm Tạo. Trên nền trời trong vắt bỗng xuất hiện hai vật thể hình tròn màu xám, to dần như những chiếc nấm độc khổng lồ.

“Máy bay Mỹ cháy rồi. Phi công Mỹ nhảy dù bà con ơi…”, ông Chăn, ông Chiêu cùng mấy thanh niên bỏ trâu, bỏ bừa, bắc tay làm loa vừa chạy vừa kêu váng rừng. Hai thanh niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn được cử cắt rừng chạy ngay xuống báo với xã, những người còn lại chuẩn bị tinh thần bắt phi công Mỹ. Lúc này, từ phía núi Thằm Tạo, ba quả pháo hiệu bắn vọt lên trời. Biết bọn giặc lái đã nhảy dù an toàn đang gọi đồng bọn giải cứu, bà con càng bồn chồn, sốt ruột…

Cách trung tâm xã cả chục cây số đường rừng, đến khi mặt trời đứng bóng, Tổ dân quân xóm Cảy gồm chín đồng chí cùng 11 dân quân xã do ông Hà Văn Phú (Xã đội trưởng) và ông Hà Văn Nghiêm (Bí thư Đảng ủy) lúc bấy giờ dẫn đầu mới lên đến nơi và chia làm ba mũi tiến công vào vị trí dự đoán phi công Mỹ nhảy dù quanh khu vực máy bay bị bắn rơi. Bất ngờ ba chiếc trực thăng xuất hiện, xà xuống sát ngọn cây, bắn như đổ đạn. Rừng bốc cháy ngùn ngụt, nhiên liệu từ chiếc máy bay rơi tràn ra suối, cả đoạn suối rực lửa, nước sôi sùng sục…

Chỉ có mấy khẩu súng trường, dẫu chống trả quyết liệt, tổ dân quân đành bất lực nhìn trực thăng Mỹ thả thang dây giải cứu một tên phi công ngay trước mắt... Quyết tâm bắt bằng được tên còn lại, ông Hà Văn Nghiêm dẫn theo mấy dân quân gan dạ vượt qua đoạn rừng mịt mờ khói đạn, tiến về đồi Dứa (vị trí được dự đoán là nơi ẩn nấp của phi công Mỹ) lùng sục từng bụi cây, ngọn cỏ.

Đến khoảng năm giờ chiều, dân quân Thượng Cửu đã phát giác vị trí ẩn náu của tên giặc trời và nhanh chóng khống chế, dùng dây bẫy lợn rừng trói chặt, giải về xã. Mặc dù rất căm phẫn quân xâm lược, nhưng trong suốt quá trình bắt và áp giải phi công Mỹ về xã ông Hà Văn Nghiêm luôn nhắc nhở các thành viên trong đội dân quân phải giữ vững lập trường, quan điểm, không đánh đập, giết kẻ thù. Đến khoảng 0 giờ ngày 21/ 5/1972, cán bộ Huyện đội Thanh Sơn đã có mặt tại trung tâm xã Thượng Cửu áp giải phi công về huyện…

“Quà tặng” của không lực Hoa Kỳ

F-105 Thunderchief (Thần Sấm) là máy bay chiến đấu phản lực đa nhiệm đầu tiên, được thiết kế cho cả nhiệm vụ tiêm kích (đánh chặn) và cường kích (tiến công mặt đất). Được trang bị tất cả những công nghệ được cho là tiên tiến nhất lúc bấy giờ (năm 1970) như radar quan sát cả trên không và dưới mặt đất, thiết bị tác chiến điện tử, các cảm biến…, những nhà quân sự Mỹ hy vọng, F-105 sẽ có khả năng tác chiến độc lập, tạo thế áp đảo trước đối phương trên chiến trường miền Bắc Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế chiếc máy bay có giá trị hơn hai triệu USD thời điểm bấy giờ đã chôn xác trong vạt rừng heo hút núi Thằm Tạo suốt mấy chục năm trời. Người dân quanh vùng mỗi khi đi làm nương vẫn ghé lại tìm kiếm các vật dụng có thể dùng được. Đến giờ nhiều người vẫn nắc nỏm khen nhôm máy bay Mỹ thích thật, đổ… nồi dùng bao năm vẫn tốt và ít có loại dây nào bền, chắc như dây… phanh máy bay Mỹ. Giá ngày ấy bộ đội bắn rơi thêm vài cái cho bà con có thêm đồ dùng…

Tư trang của phi công Mỹ bị bắt vào sự kiện ngày 20/5/1972 tại Thượng Cửu trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương (thành phố Việt Trì).

Mãi đến năm 2003, ông Hà Văn Nghiêm bấy giờ đã 82 tuổi, nhiều thành viên đội dân quân Thượng Cửu từng tham gia sự kiện bắt phi công Mỹ đã về với tổ tiên, Bảo tàng Quân khu 2 mới về thu giữ hiện vật xác máy bay rơi. Sau mấy buổi dùng trâu kéo, ông Bàn Văn Chiêu cùng người dân trong bản mới đưa được những mảnh xác máy bay F-105 còn sót lại cho Bảo tàng Quân khu 2 bảo quản và cất giữ.

Cùng với hiện vật xác máy bay, ông Hà Văn Nghiêm cũng trao tặng chiếc mũ cối - kỷ vật quý giá ông đã dùng trong sự kiện ngày 20/5/1972 cho Bảo tàng Quân khu 2. Trước đó, vào tháng 9/1998, tư trang của phi công Mỹ bị bắt vào sự kiện ngày 20/5/1972 tại Thượng Cửu gồm một bộ quần áo phi công, một mũ phi công, một đài, một tập tranh cũng được bàn giao lại cho Bảo tàng Hùng Vương (thành phố Việt Trì).

“Thần sấm” từng là niềm tự hào của không lực Hoa Kỳ, gây bao kinh hoàng, đau thương cho người dân giờ là đống sắt vụn trên sân bảo tàng, minh chứng cho ý chí, quyết tâm bảo vệ độc lập tự do, yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt.

Bản làng Thượng Cửu ngày mới.

Sau hơn nửa thập niên, bản Sinh Tàn, nơi diễn ra trận không chiến hào hùng giờ đã vươn mình trong diện mạo mới. Đường bê tông nối liền trung tâm xã, điện lưới quốc gia thắp sáng từng nhà, internet phủ sóng kết nối vùng miền, các ngôi nhà khang trang, kiên cố xuất hiện ngày càng nhiều. Cuộc sống mới đã và đang hiện hữu trên mảnh đất ghi dấu ấn chiến công lịch sử, trường tồn cùng thời gian…

Ngày 20/5/1972, trên vùng trời Hòa Bình, Mỹ điều động tám máy bay tiến vào đánh phá. Khi chiến sĩ lái số 1 vào công kích phát hiện hai chiếc F4 của địch bám đuôi. Trung đội trưởng Đỗ Văn Lanh thuộc Đại đội 7 máy bay tiêm kích MIG 21 Trung đoàn 921, Sư đoàn 371 Bộ Tư lệnh Phòng không- Không quân kịp thời báo cho chiến sĩ lái số 1 tránh tên lửa, đồng thời chủ động lao vào công kích. Với một quả tên lửa anh đã bắn hạ một chiếc, số máy bay địch còn lại bỏ chạy”. (Trích tài liệu lưu trữ của Bảo tàng Quân khu 2).

Cao Khôi - Mai Bích

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//phong-su-ghi-chep/dinh-tham-tao-vit-dau-than-sam/187640.htm