Dinh Tỉnh trưởng: Cần bảo tồn và kết nối di sản chứ không phải 'đóng hộp' nó!

Dinh Tỉnh trưởng là di tích lịch sử nên việc bảo tồn không gian vốn có của nó cần phải quan tâm đặc biệt. Phải tính tới phương án kết nối chứ không phải 'bao vây' nó.

Mỗi vùng đất đều có địa hình tự nhiên khác nhau, nó là một trong những yếu tố tạo nên bản sắc riêng cho mỗi đô thị. Đối với Đà Lạt, địa hình có lẽ là yếu tố quan trọng nhất tạo nên diện mạo kiến trúc, cảnh quan. Và vì vậy, người làm quy hoạch, kiến trúc trên nền đô thị này phải đặc biệt quan tâm đến yếu tố địa hình tự nhiên.

Tốc độ đô thị hóa nhanh là áp lực rất lớn lên các thành phố hôm nay mà Đà Lạt cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Việc đô thị hóa một phần đem lại lợi ích phát triển kinh tế hạ tầng cho đô thị, cho đời sống nhân dân, song cũng để lại nhiều hệ lụy cho đô thị Đà Lạt. Để tăng diện tích sử dụng đất, người dân và cả chính quyền đã chấp nhận bạt đồi, núi dẫn đến sạt lở làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, giảm bề mặt thoát nước trong đô thị. Sự xuống cấp hình ảnh đô thị còn gây hậu quả: làm mất đi tính riêng có của đô thị này.

Việc bảo tồn là để đưa công trình di sản đến với cộng đồng nhằm phát huy giá trị của nó, không phải để đem đi giấu hay "bảo tàng hóa" nó. Trong ảnh: 03 phương án kiến trúc công trình khu vực đồi Dinh (bên trái) và Dinh Tỉnh trưởng hiện hữu. Ảnh: TL

Đà Lạt được mệnh danh là “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố” – nay danh xưng đó có còn không khi mà các không gian rừng thông ngày càng bị co nhỏ, đồi cù bị tư nhân hóa, không còn không gian cho rừng và cảnh quan thiên nhiên nữa. Các công trình ngày càng xây lên cao tầng và dày đặc toàn bộ khu trung tâm, cao hơn ngọn thông trong khu vực nên cây xanh bị che khuất, làm sao còn yếu tố “rừng trong thành phố”??.

Cảnh quan đô thị bao gồm cảnh quan tự nhiên, cảnh quan nhân tạo và các hoạt động trong đô thị hình thành nên. Trong đó cảnh quan tự nhiên là cái có trước được hình thành từ rất lâu. Nó là yếu tố vật chất quyết định nên cảnh quan nhân tạo và các hoạt động của con người trong đô thị. Cảnh quan nhân tạo chỉ điểm xuyết góp phần làm tô đẹp cho cảnh quan thiên nhiên. Nếu con người can thiệp quá lớn vào cảnh quan thiên nhiên, làm thay đổi trên diện rộng, đô thị đó sẽ không còn nét riêng của nó nữa.

Đà lạt có một lợi thế rất lớn để làm nên một đô thị bản sắc: rất nhiều đỉnh đồi (99 đỉnh), bờ suối, bờ hồ uốn lượn tạo nên những không gian thay đổi. Những điểm nhấn tạo nên diện mạo cho đô thị là các đồi, những sườn dốc, bờ hồ... những điểm nhấn này làm cơ sở tính toán quy hoạch cho các khu vực còn lại. Trong quy hoạch và thiết kế đô thị, nếu biết bảo tồn và vận dụng các điều kiện này của tự nhiên, chắc chắn Đà Lạt sẽ tạo được bộ mặt đô thị đẹp hài hòa và có bản sắc.

Nếu thiết kế đô thị đối với khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng mà không xem xét đến địa hình, độ dốc, hướng thoát nước, hướng tiếp cận thì không thể bàn đến các yếu tố công năng độ cao hay thẩm mỹ công trình. Cả ba phương án, việc phân tích địa hình cảnh quan thiên nhiên và các yếu tố tác động đến cảnh quan đều rất ít, gần như không có. Đối với khu vực đồi Dinh có địa hình dốc rất lớn không phù hợp cho việc xây dựng công trình nhưng có phương án bạt đồi làm công trình giật cấp theo kiểu ruộng bậc thang, chắc chắn chi phí đầu tư rất lớn và không tránh khỏi những ảnh hưởng xấu đến môi trường khu vực trung tâm.

Xét về yếu tố bảo tồn thì cả ba phương án đều không đáp ứng, cả ba phương án xem Dinh Tỉnh trưởng như cái hộp cần phải giữ lại, không tính tới các yếu tố xung quanh công trình. Dinh Tỉnh trưởng là di tích lịch sử nên việc bảo tồn không gian vốn có của nó cần phải quan tâm đặc biệt. Phải tính tới phương án kết nối chứ không phải phương án “bao vây” nó. Có phương án còn nâng công trình lên cao 38m như các nhà thờ trên các cao ốc bên Trung Quốc. Việc bảo tồn là để đưa công trình di sản đến với cộng đồng nhằm phát huy giá trị của nó, không phải để đem đi giấu hay "bảo tàng hóa" nó.

Nhìn cả ba phương án được thiết kế bởi những kiến trúc sư nổi tiếng, không ai không ngỡ ngàng, không ai không đặt câu hỏi: “Liệu đề bài của dự án đồi Dinh là như thế nào?, có đúng tiêu chí và phù hợp với khu đất hay không?”.

Người ta ví von việc xây dựng các công trình mới ở bảo tàng Louvre, hay trường hợp tháp Eiffel (Pháp) gây tranh cãi nhưng cuối cùng trở thành điểm nhấn thu hút nhiều khách du lịch... Tuy nhiên sự so sánh trường hợp đồi Dinh với những dự án trên là không hợp lý. Các công trình xây mới đó rất nhỏ, còn tô điểm cho không gian xung quanh và nó rất khiêm tốn, không làm mất đi giá trị cảnh quan kiến trúc, thiên nhiên xung quanh của nó, công trình mới không lấn át công trình cổ. Còn trường hợp của đồi Dinh, dự kiến xây công trình 10 tầng với khối tích đồ sộ, quây lấy công trình di tích bé nhỏ, lọt thỏm đến mức không còn nhận ra, cũng không có sự chuyển tiếp hay kết nối giữa công trình cũ và mới.

Không thể sửa sai bằng việc tiếp tục làm cho cái sai ngày càng trầm trọng hơn. Bộ mặt đô thị khu trung tâm nhếch nhác thì đánh giá nhếch nhác ở điểm nào, cần chỉnh trang thiết kế cải tạo dựa trên cái đẹp, cái vốn có, chứ không thể bằng mọi giá đổi đất lấy hạ tầng như thế này được. Sao có thể xây dựng trên đỉnh đồi cao nhất của khu trung tâm Đà Lạt (1525m) một công trình 10 tầng với hình thức kiến trúc như một khối bê tông quấn lấy công trình di tích cao hai tầng nằm kế bên được?

KTS Cao Thành Nghiệp

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/dinh-tinh-truong-can-bao-ton-va-ket-noi-di-san-chu-khong-phai-dong-hop-no-24958.html