DNA làm thay đổi cách truy dấu trong thiên nhiên
Trong quá trình tìm kiếm cá heo hồng nước ngọt, các nhà nghiên cứu ở Amazon, Peru đã thu thập vật liệu di truyền từ nước sông với hy vọng có thể tìm ra những sinh vật khó phát hiện này.
DNA thu thập từ môi trường cung cấp cho họ thông tin về 675 loài, bao gồm hàng chục loài động vật có vú trên cạn như hươu, nai, báo đốm, thú ăn kiến khổng lồ, khỉ và 25 loài dơi.
Kat Bruce, người sáng lập công ty eDNA NatureMetrics, nơi thực hiện nghiên cứu cho tổ chức từ thiện về động vật hoang dã WWF cho biết: “Đây là một kết quả bất ngờ”. Bruce hy vọng eDNA sẽ giúp cách mạng hóa cách thế giới đo lường và giám sát thiên nhiên.
Công nghệ đang là trọng tâm của một dự án trị giá 15 triệu đô la với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) nhằm thu thập và phân tích 30.000 mẫu nước ngọt trong vòng 3 năm từ các hệ thống sông lớn - bao gồm Amazon, sông Hằng và Đồng bằng sông Cửu Long.
Với việc số lượng các loài đang bị suy giảm nhanh chóng và những lời kêu gọi ngày càng gia tăng đối với việc hoàn thành các mục tiêu quốc tế về bảo vệ đa dạng sinh học, các nhà tổ chức cho biết “eBioAtlas” có thể giúp cung cấp thông tin về chính sách và việc tập trung các nguồn lực bảo tồn khan hiếm.
Công nghệ cung cấp một cách “đơn giản và chính xác nơi ở của các loài”, Paola Geremicca, người lãnh đạo sự tham gia của IUCN cho biết. Phương pháp dựa trên thực tế là các sinh vật sống liên tục rụng tế bào và dấu vết di truyền chúng để lại như da, chất nhờn, nước bọt bị cuốn theo các hệ thống sông.
Nhưng phần lớn, “đó là từ chất thải bị bài tiết”, cả từ cá và động vật trên sông và những con vật đi ngang qua, Kat Bruce trao đổi với AFP.
Bruce bắt đầu sử dụng kỹ thuật này trong quá trình học tiến sĩ, trộn các loại côn trùng vào một bát hỗn hợp và tìm ra những sinh vật bên trong là gì bằng cách sử dụng giải trình tự gen. Điều đó dẫn đến việc cô thành lập NatureMetrics, công ty tập trung vào việc tìm kiếm “dấu vết” DNA trong nước ngọt.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances vào năm 2018, các nhà khoa học đã lấy 20 mẫu nước ven biển ở New Caledonia để giải trình tự eDNA và tìm thấy nhiều loài cá mập hơn họ đã xác định trước đó trong hai thập kỷ khảo sát bằng hình ảnh và camera.
“Ngay cả khi người dân ở Noumea không bao giờ nhìn thấy cá mập khi họ đi lặn thì chúng vẫn luôn ở đó”, David Mouillot từ Đại học Montpellier và đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết tại đại hội IUCN.
Điểm mù đối với công nghệ là thực vật, vì chúng khó xác định hơn ở cấp độ loài. Các nhà phát triển eBioAtlas, những người có kế hoạch tạo cơ sở dữ liệu mã nguồn mở, hy vọng sẽ mở rộng mạng lưới của họ ra ngoài vùng nước ngọt - với các kế hoạch khảo sát eDNA trên biển và đất.
Sau đó, họ có thể sẽ lấy mẫu từ không khí loãng. “Đối với những thứ như hang động, hang dơi và hang hốc, công nghệ này có thể là một yếu tố thay đổi cuộc chơi” - Kat Bruce nhấn mạnh.