Đo bằng thực tế

Năm nay, cho tới giờ số thí sinh không đăng ký xét tuyển vào đại học lên tới gần 300.000 em. Nhưng điều này không mới vì vài năm qua xu hướng này đã trở thành điều quen thuộc.

- Nếu không vô đại học thì các em, các cháu đi đâu?

- Cuộc đời rộng mà, đủ dung chứa mọi con đường. Nguyên do phổ biến để các bạn trẻ lắc đầu với việc vào bậc đại học là gia đình thu nhập thấp. Sinh kế trở ngại, học lên nữa sẽ là gánh nặng quá sức. Phần đông họ chọn lựa vào trường nghề để nhanh đi làm kiếm sống hoặc trực tiếp làm công nhân ở các nhà máy, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp trong khu vực đầu tư nước ngoài… Một số ít khác có điều kiện thì du học.

- Vậy nghĩa là quan niệm “không vào được đại học đồng nghĩa với thất bại” không còn chi phối số đông nữa?

- Thiệt tình là nếu người ta đủ khả năng, được đi học lên nữa cũng ngon lành mà. Ai cũng phải thích ứng với hoàn cảnh của chính mình. Mai này gánh nặng cơm áo nhẹ đi, trở lại trường học cũng đâu có trễ. Dĩ nhiên, học đại học trở lại sau thời gian dài gián đoạn chỉ là lựa chọn của một số ít.

- Khi nhiều thí sinh không chọn bậc đại học, điều này sẽ dẫn đến cạnh tranh và gia tăng chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn lao động. Mọi cải thiện đều đáng tin khi được thúc đẩy và đo sát sườn bằng thực tế.

TƯ QUÉO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/do-bang-thuc-te-post699921.html