'Đỏ mắt' săn thuốc điều trị răng

Dung dịch thuốc tiêm gây tê trong điều trị nha khoa đang đứt hàng ở Việt Nam khiến cho các bác sĩ ở hệ thống bệnh viện có khoa răng hàm mặt và phòng khám nha khoa khắp cả nước phải đi săn tìm.

Trung tâm chuyên bán thuốc lớn nhất cả nước là Central Pharmacy hầu như không thiếu các loại thuốc nào, kể cả quý hiếm nhưng khi phóng viên hỏi mua dung dịch thuốc tiêm gây tê Lignospan Standard đều thông báo đã đứt hàng. “Hơn 1 tháng nay thuốc này đã không còn”- một nhân viên của Trung tâm nói và cho biết “chưa biết bao giờ có thuốc trở lại”.

Một tháng nay, các bác sĩ của phòng khám nha khoa C.K ở quận 1, TPHCM không còn thuốc gây tê Lignospan Standard trong điều trị nha khoa. Để xử lý các phẫu thuật liên quan răng miệng, các bác sĩ phải sử dụng một loại thuốc thay thế nhập từ Hàn Quốc. “Chúng tôi chẳng đặng đừng mới sử dụng loại thuốc khác vì sợ tính an toàn không được đảm bảo”, bác sĩ Phục, giám đốc phòng khám C.K, chia sẻ.

Thuốc tê Lignospan đang cháy hàng khiến việc điều trị các bệnh liên quan nha khoa gặp không ít khó khăn ảnh: L.N

Thuốc tê Lignospan đang cháy hàng khiến việc điều trị các bệnh liên quan nha khoa gặp không ít khó khăn ảnh: L.N

Hàng loạt bệnh viện tại các tỉnh thành có khoa răng hàm mặt và hệ thống phòng khám chuyên khoa nha trên cả nước mới đây nhận được thông báo từ Công ty Septodont của Pháp (sở hữu Lignospan Standard) với nội dung “thuốc chưa được nhập về Việt Nam do chưa được gia hạn cấp phép lưu hành bởi Bộ Y tế”. Trên các trang mạng bán thuốc, loại thuốc này được đẩy giá lên 850.000 đồng/hộp nhưng thực tế khi hỏi mua đều nhận được thông báo không còn hàng.

Bác sĩ Lê Trung Chánh, Giám đốc BV Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM, cho biết, do đã có kế hoạch đấu thầu từ trước nên hiện tại Lignospan Standard không bị đứt hàng. Tuy nhiên, với các phòng khám nha khoa và bệnh viện nhỏ, hiện thuốc này rất khan hàng, phải đi mượn. Bác sĩ Hoàng Hà, phòng khám nha khoa T.L ở Bình Dương, cho biết, mỗi tháng phòng khám dùng từ 1-2 hộp nhưng nhiều tuần nay đang “tiết kiệm” vì chỉ còn được 5 ống. “Với những ca nhẹ, phòng khám phải dùng thuốc tê của Hàn Quốc để thay thế. Còn ca nặng và khó trong xử lý răng thì phải dùng thuốc tê của Pháp”, bác sĩ Hà chia sẻ. Trong khi đó, một bác sĩ công tác tại Khoa Nha, BV Hóc Môn, cho biết, một tháng qua đã phải đi mượn tạm thuốc gây tê này của BV Răng Hàm Mặt TPHCM để điều trị.

Không chỉ tại khu vực phía Nam, nhiều phòng khám và bệnh viện ở phía Bắc cũng trong tình trạng tương tự. Một bác sĩ ở phòng khám nha khoa- thẩm mỹ V.U ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết, theo thông báo của nhà phân phối Lignospan Standard đến tháng 10 hoặc cuối năm mới có lại.

Gian nan xin gia hạn “visa” thuốc

Lignospan đã được Cục Quản lý Dược cấp phép lưu hành tại Việt Nam từ năm 2012 và hiệu lực đến năm 2017. Sau khi hết hạn, Cục này tiếp tục duy trì hiệu lực giấy phép lưu hành từng năm. Lần gia hạn cuối, giấy phép lưu hành thuốc này có thời hạn đến 2/3/2022.

Nhiều tháng nay, Công ty Septodont đã nộp hồ sơ xin gia hạn giấy phép lưu hành Lignospan lên Cục Quản lý Dược. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, đến nay, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.

Công ty Septodont mới đây đề nghị Cục Quản lý Dược đồng ý xem xét gia hạn số lưu hành của thuốc Lignospan trong đợt xem xét thứ 3 vào cuối tháng 8 này. Phóng viên Tiền Phong đã liên lạc với lãnh đạo Cục Quản lý Dược nhưng chưa nhận được phản hồi về vấn đề này.

Ngọc Lâm

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/do-mat-san-thuoc-dieu-tri-rang-post1461229.tpo