Đo nồng độ cồn phải đúng quy trình, thao tác
Trên thế giới và tại Việt Nam chưa có bằng chứng cho thấy sự khác biệt về nguy cơ lây nhiễm giữa bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona với các bệnh lây truyền qua đường hô hấp tương tự
Thời gian qua, có nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại về việc sử dụng phương tiện kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với người tham gia giao thông có thể lây bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là virus corona chủng mới (nCoV).
Có nguy cơ
Thừa lệnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Y tế khẩn trương có ý kiến chính thức bằng văn bản về việc này để công khai cho người dân được biết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 4-2.
Ngày 5-2, Bộ Y tế đã có Văn bản 463-BYT/DP báo cáo Văn phòng Chính phủ về việc sử dụng phương tiện kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với người tham gia giao thông.
Theo Bộ Y tế, việc kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với người tham gia giao thông có nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường hô hấp tương tự đối với các hoạt động, công việc giao tiếp thông thường khác của người dân. Đến nay, trên thế giới và tại Việt Nam chưa có bằng chứng cho thấy sự khác biệt về nguy cơ lây nhiễm của các loại hình giao tiếp nêu trên.
Việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như dùng riêng ống thổi cho từng người, sát khuẩn thiết bị đo, lực lượng làm nhiệm vụ tuân thủ đúng quy trình thao tác và người dân tuân thủ hướng dẫn của CSGT thì sẽ giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
Chủ động phòng chống
Trước đó, Cục CSGT (Bộ Công an) ngày 1-2 đã có công điện chỉ đạo lực lượng CSGT các địa phương chủ động phòng chống, ngăn chặn dịch nCoV lây lan. Theo đó, Cục CSGT yêu cầu lực lượng CSGT quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, khuyến cáo của Bộ Y tế trong việc phòng chống dịch nCoV.
Cục CSGT yêu cầu lực lượng CSGT cả nước thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn gây nguy hiểm trực tiếp đến an toàn giao thông. Quá trình kiểm tra, xử lý phải tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông và cán bộ thi hành công vụ. Bảo đảm vệ sinh tiệt trùng cho thiết bị đo, mỗi ống thổi chỉ sử dụng 1 lần, sau khi sử dụng phải thu gom, xử lý theo quy định của Bộ Y tế.
Tại TP HCM, theo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP, trong việc kiểm tra nồng độ cồn hiện vẫn đang thực hiện và áp dụng theo các yêu cầu, hướng dẫn từ Bộ Y tế. Tuy nhiên, trước tình hình dịch nCoV diễn biến phức tạp, đơn vị đã ngưng kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế (đưa máy gắn phễu để kiểm tra hơi thở tài xế có cồn hay không, gọi là định tính). Hình thức đo định tính có nguy cơ làm bệnh lây lan nên hiện CSGT chỉ thực hiện kiểm tra theo hình thức định lượng bằng việc cho tài xế thổi vào máy đo. Ở các ống thổi, sau khi kiểm tra xong, CSGT sẽ dùng cồn để vệ sinh máy và lắp ống mới. Ống thổi xong sẽ được cho vào bao y tế xử lý theo quy định của Bộ Y tế.
Tất cả CSGT khi xử lý vi phạm hoặc thực hiện các nhiệm vụ có tiếp xúc với người dân thì được phép đeo khẩu trang để phòng bệnh cho bản thân cũng như với người làm việc.
Sáng kiến của CSGT tỉnh Sóc Trăng
Thượng tá Đinh Thanh Phong, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Sóc Trăng, cho biết trước tình hình dịch nCoV, để bảo đảm an toàn và góp phần hạn chế tình trạng lây nhiễm bệnh, lực lượng CSGT của tỉnh đã sáng kiến ra cách kiểm tra nồng độ cồn mới.
Theo đó, kể từ đêm 4-2, Trạm CSGT Mỹ Xuyên thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Sóc Trăng tổ chức đo nồng độ cồn trước UBND TP Sóc Trăng. Sau khi kiểm tra giấy tờ tài xế, CSGT yêu cầu người bị kiểm tra thổi hơi vào một cái bong bóng, sau đó lực lượng làm nhiệm vụ chuyển sang thiết bị đo nồng độ cồn. Ống dùng để thổi hơi và đưa khí thở vào máy đo là dụng cụ bằng nhựa dùng trong y tế (đã tiệt trùng). Mỗi ống nhựa và bong bóng chỉ sử dụng một lần. Việc áp dụng sáng kiến này tuy chậm vài phút so với cách làm cũ nhưng theo thượng tá Đinh Thanh Phong, cách đo gián tiếp này kết quả tương tự như cách đo trực tiếp đã áp dụng và an toàn cho người kiểm tra lẫn người bị kiểm tra.
Cũng theo vị lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Sóc Trăng, qua việc thí điểm này, đơn vị sẽ đánh giá ưu, khuyết điểm để rút kinh nghiệm; sau đó sẽ áp dụng rộng rãi cách đo này nếu nhận được sự đồng thuận cao từ người dân và các cơ quan chức năng. C.Tuấn - T.Sang