'Độ vênh' giữa các quy phạm pháp luật về nồng độ cồn

Như đã thông tin trong chương trình trước, đã có khá nhiều chủ phương tiện bị từ chối chi trả bảo hiểm trách nhiệm dân sự do xét nghiệm trong máu có nồng độ cồn, dù không sử dụng rượu bia.

Các kết quả nghiên cứu khoa học sinh hóa cũng đều cho thấy, một người, dù không uống rượu bia, nhưng trong cơ thể vẫn có hàm lượng ethanol nhất định. Điều này được quy định tại danh mục Quy trình kỹ thuật chuyên ngành hóa sinh về định lượng cồn trong máu, ban hành kèm theo Quyết định 320 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành thì cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn, điều này đang tạo ra những xung đột trong quy phạm pháp luật.

Theo quy định tại Luật Phòng chống chống tác hại của rượu, bia; và luật GTĐB 2008 sửa đổi bổ sung, điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có cồn là hành vi bị cấm.

Tuy nhiên, theo "Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Hóa sinh" được ban hành kèm theo Quyết định 320/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế thì: Hàm lượng Ethanol trong máu dưới 10.9 mmol/L (tương đương 50 mg/100 ml) là trị số bình thường, và trên ngưỡng này, con người bắt đầu có biểu hiện đỏ mặt, nôn mửa, phản xạ chậm chạp, giảm nhạy bén.

- Trị số Ethanol <10.9 mmol/L: Trị số bình thường

- Trị số Ethanol từ 10.9-21.7 mmol/l: Biểu hiện đỏ mặt, nôn mửa, phản xạ chậm chạp,
giảm nhạy bén.

- Trị số 21.7 mmol/l: Biểu hiện ức chế thần kinh trung ương.

- Trị số 86.8 mmol/l: Có thể gây nguy hại cho tính mạng.

Bằng việc cấm tuyệt đối hành vi điều khiển phương tiện mà có nồng độ cồn trong cơ thể trên ngưỡng 0% đối với cả ô tô, xe máy lẫn xe đạp, Việt Nam đã chính thức gia nhập vào nhóm các quốc gia “không khoan nhượng” với việc sử dụng rượu, bia khi lái xe. Tuy nhiên, quy định nồng độ cồn tuyệt đối bằng 0 đang tạo ra nhiều bất cập, và xuất hiện độ vênh giữa quy định của pháp luật và tính thực tiễn của khoa học.

Trước đó, Luật Giao thông đường bộ quy định người điều khiển xe môtô, xe gắn máy khi tham gia giao thông khi nồng độ cồn trong máu không vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở… Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thiếu nghiêm khắc với xử lý vi phạm nồng độ cồn, dẫn tới việc các vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia ước tính chiếm 36,2% ở nam giới và 0,7% ở nữ giới.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Thực hiện : Kiều Minh Hoàng Minh Việt Hà

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/do-venh-giua-cac-quy-pham-phap-luat-ve-nong-do-con