Đoạn cuối một dòng sông

Từ khu vực chợ Kênh thuộc xã Trung Sơn, đi về xã Trung Hải cũng thuộc huyện Gio Linh. Địa bàn xã này cách huyện Vĩnh Linh về phía bắc bởi con sông Bến Hải và ở phía Đông thì có con sông Cánh Hòm. Xã này nằm ở Đông Bắc huyện Gio Linh cũng là địa bàn nông nghiệp chủ yếu với văn minh lúa nước. Dấu vết con sông Cánh Hòm ở nhiều đoạn vòng vèo là những con nước quen thuộc gắn bó với người dân quê từ bao đời nay chảy quanh co theo những cánh đồng chân quê lấm láp.

 Ngã ba, nơi sông Cánh Hòm đổ ra sông Bến Hải

Ngã ba, nơi sông Cánh Hòm đổ ra sông Bến Hải

Trong 6 xã phía Đông huyện Gio Linh nằm dọc hành lang con sông Cánh Hòm là Gio Mai, Gio Thành, Gio Mỹ, Gio Phong, Trung Giang và Trung Hải thì Trung Hải là xã cuối cùng và có một vị trí địa lí đặc biệt bởi nằm giữa hai con sông Cánh Hòm và Bến Hải. Trong dải đồng bằng ven biển phía Đông huyện Gio Linh, Trung Hải cũng là một vùng quê lâu đời, với một truyền thống lịch sử-văn hóa đáng kể mà các sinh hoạt tín ngưỡng và đời thường phần lớn dựa vào hai dòng sông đã nói ở trên. Người Việt đến đây theo những cuộc di dân dưới thời phong kiến đã tiếp thu và dung hợp văn hóa của Chăm Pa để tạo nên bản sắc mới ở một vùng đất cổ, hình thành nên những cộng đồng dân cư thích nghi với lối sống linh hoạt của đồng bằng gần sông và gần biển trên dải đất Gio Linh trong suốt nhiều thế kỉ.

Trung tâm xã Trung Hải nằm ở thôn Hải Chữ, ở đây cũng có một chiếc cầu bắc ngang dòng sông Cánh Hòm cắt địa hình Trung Hải theo hướng Bắc - Nam băng qua những cánh đồng, làng xóm của tận cùng huyện Gio Linh ở phía Bắc. Thôn Hải Chữ và nhiều làng xóm nơi đây đích thực là làng cổ, điều này không chỉ dựa vào các hương ước hay câu chuyện truyền khẩu mà còn căn cứ vào sử sách. Theo thư tịch cổ để lại thì những xã này, theo cách gọi của người xưa ra đời cách đây gần cả ngàn năm, xuất hiện sau cuộc nam tiến của người Việt vào năm 1075 khi nhà Lý phạt Chiêm lần thứ nhất. Trong danh sách các xã sau này gọi là làng có tên Hải Chữ như sách “Ô Châu cận lục” của tác giả Dương Văn An. Chỉ tính riêng huyện Gio Linh sau này đã có gần 40 xã như thế. Hải Chữ có nghĩa là cồn biển nhưng tên cũ trước nữa lại là Thủy Chữ lại có nghĩa là cồn sông.

Ngay cạnh thôn Hải Chữ là thôn Xuân Long. Theo “Đồng Khánh dư địa chí” vào thế kỉ 19, đơn vị hành chính của một tổng thuộc huyện Gio Linh bây giờ gồm có như sau: Tổng Xuân Hòa có 14 xã, thôn, phường: An Xuân (phường), Bảo Lộc (phường), Cát Sơn (phường), Cẩm Phổ, Cao Xá, Cương Gián, Hải Chữ, Kênh Môn, Thủy Bạn, Thủy Khê, Vũ Xá, Xuân Hòa, Xuân Mỵ, Xuân Long. Những người dân làng Xuân Long như ông Hoàng Xuân Lương và cả quanh vùng từ huyện Vĩnh Linh cũng vào đây câu cá, đánh bắt thủy sản, coi đó vừa là thú vui truyền thống dân dã vốn quen thuộc ở những địa bàn sông nước, lại góp phần cải thiện bữa ăn hay thu nhập gia đình. Có thể nói đây là hình ảnh đặc trưng của những cư dân sống gần gũi với dòng sông đầy ắp kỉ niệm trong mỗi đời người hôm sớm, để lại vô vàn những cảm xúc vui buồn qua thời gian năm tháng như con nước vơi đầy của tận cùng Gio Linh-Quảng Trị mà thấy như có bóng dáng của kênh rạch, sông nước phương Nam. Câu chuyện có thể không đầu không cuối nhưng bao giờ cũng rất đáng nhớ và sinh động bởi nó luôn cựa quậy trong đời sống thường nhật, kể cả với những người tuổi tác đã gần đất xa trời.

Nhưng nếu nhắc lại sau lưng làng quê này là dòng sông Bến Hải và trước mặt là dòng sông Cánh Hòm thì lịch sử sẽ là cuốn phim quay chậm khi ngược lại thời gian về những tháng năm chinh chiến trường kì vừa qua để thống nhất non sông. Chính những người dân ở đây đã tiếp lương, tải đạn, chở thương binh theo dòng sông Cánh Hòm từ Vĩnh Linh, Gio Linh vào với chiến trường ác liệt, trong đó có Thành Cổ Quảng Trị. Câu chuyện từ khoảng nửa thế kỉ trước lại kết nối với hôm nay ngay giữa làng quê duyên nợ với dòng sông Cánh Hòm từ hàng trăm năm trước. Bà Hoàng Thị Chẩm, một cựu nữ dân quân du kích trong kháng chiến chống Mỹ kể cho chúng tôi những tháng ngày gian khổ, ác liệt mà hào hùng của gần nửa thế kỉ trước. Những kí ức vàng son như không thể phai mờ.

Ở địa bàn xã Trung Hải còn giữ nguyên vẹn một làng chài có tên là Bách Lộc, nằm bên cạnh sông Cánh Hòm từ nhiều đời nay. Bách Lộc còn có tên trước kia là Bạch Lộc, tên chính thức bây giờ được khai sinh từ năm 1910, nghĩa là cách đây hơn một thế kỉ. Một làng quê sông nước đã từng tồn tại và nương tựa dòng sông trải qua những vật đổi sao dời nhưng vẫn gần như vẹn nguyên cho đến hôm nay. Những người dân ở đây vẫn thủy chung với nghề chài lưới, với những con thuyền nhỏ bé nhưng bền bỉ theo thời gian như những vật gia truyền từ đời này sang đời khác. Mỗi lần họ ra sông với con thuyền là mỗi lần họ được tắm mình trong không gian thoáng đãng, là mỗi lần họ được quyền gieo hi vọng trên những vật dụng đánh bắt cá tôm cho cuộc mưu sinh của những cư dân vạn chài chân chất như chính đất và nước của quê nhà.

Theo chân người dân Bách Lộc trên những con thuyền, bạn sẽ thấy cuộc đời vừa quen, vừa lạ và nhiều điều thú vị của sông nước Cánh Hòm mở ra trước mắt, giúp cho những trải nghiệm có vẻ bình thường nhưng ẩn chứa bao điều sâu sắc, có giá trị như nhưng bài học nhân sinh mà không có sách vở nào nói hết được. Ông thầy thiên nhiên dân dã vẫn là vị sư phụ đạt đạo nhưng rất ít lời, thậm chí vô ngôn. Theo con thuyền Bách Lộc, bạn sẽ ra đến ngã ba sông Cánh Hòm gặp sông Bến Hải, để Gio Linh chạm được Vĩnh Linh giữa trời nước mênh mang, mở ra những tầm nhìn để xóa đi những hữu hạn thường ràng buộc nhân sinh như những niêm luật sống hằng ngày. Thì ra sông gặp được sông cứ như người gặp được người, bạn bè thâm giao lại có dịp cầm tay tri kỉ. Thiên nhiên cũng có những mối tình bền chặt, không ồn ào nhưng chính nó đã tạo đà cho mỗi con người, cho nhiều con người được có dịp khám phá chính mình và người khác, được sống và cảm nhận đầy đủ hơn hạnh phúc và cả những khổ đau của mỗi phận người, nhìn thấy những góc khuất và cả những điều mới lạ từ bà mẹ tạo hóa vĩ đại mà khiêm nhường vô tận.

Rời xã Trung Hải, chúng tôi đi vòng ra huyện Vĩnh Linh để có thể quan sát đoạn cuối của dòng sông Cánh Hòm gặp sông Bến Hải từ một hướng khác. Vì như vậy sẽ có cái nhìn đa diện, đa chiều về hành trình của một dòng sông có số phận khá lạ kì trên vùng quê Quảng Trị. Từ phía bắc con sông Bến Hải nổi tiếng cả thế giới có thể nhìn thấy ngã ba, nơi mà con sông Cánh Hòm gặp con sông Bến Hải, để rồi hòa chung dòng nước chạy ra biển Cửa Tùng, gặp Biển Đông mênh mông. Cả một vùng trời nước, đất đai trải dài trong tầm mắt con người như thể muốn gởi một thông điệp thiên nhiên đến với con người. Rằng hãy yêu quý, giữ gìn những dòng sông như bảo vật truyền đời vô giá để có thể chung sống hòa thuận với thiên nhiên. Đó cũng là đạo lí trên thuận lẽ trời, dưới hợp lòng người mà cuộc sống hối hả hôm nay, nhiều khi nhân danh văn minh mà con người lãng quên ngoại vật quanh mình. Bài học từ câu chuyện dòng sông Cánh Hòm chắc chắn còn nhiều trang chưa viết hết lên trên mặt đất quê nhà nhưng sẽ vô cùng hữu ích nếu chúng ta biết cách lắng nghe và cảm nhận.

Phạm Xuân Dũng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=141577