Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc vào ngày 21/10 và dự kiến bế mạc vào ngày 30/11/2024. Đây được cho là kỳ họp có khối lượng công việc lớn nhất và thời gian họp dài nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Với tinh thần trách nhiệm cao, đoàn ĐBQH tỉnh đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm tham gia một cách tích cực, chủ động, hiệu quả tại kỳ họp.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XV tiếp xúc cử tri tại thành phố Tam Điệp (30/9/2024). Ảnh: Trần Đức

Các đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XV tiếp xúc cử tri tại thành phố Tam Điệp (30/9/2024). Ảnh: Trần Đức

Theo chương trình, kỳ họp sẽ tổ chức tại Nhà Quốc hội, theo 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 21/10-13/11/2024; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11/2024. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác lập pháp với dự kiến xem xét, thông qua 16 dự án luật và xem xét, cho ý kiến lần đầu đối với 12 dự án; Quốc hội sẽ xem xét thông qua 2 nghị quyết quy phạm pháp luật. Cũng tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định: Chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; chủ trương đầu tư vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB); công tác nhân sự thuộc thẩm quyền và một số vấn đề quan trọng khác.

Đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Chuẩn bị cho kỳ họp, căn cứ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục hợp đồng với chuyên gia và cộng tác viên nhằm tập hợp trí tuệ của những người có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm, am hiểu thực tiễn quản lý đóng góp ý kiến với Đoàn trong công tác xây dựng pháp luật.

Bên cạnh đó, các ĐBQH theo sự phân công của Đoàn đã chủ động thu thập ý kiến của cử tri, các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia để tổng hợp, nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến tham gia thảo luận vào các dự án luật tại kỳ họp. Bên cạnh đó, khi có dự án luật Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi về, Đoàn đã tổ chức lấy ý kiến tham gia bằng văn bản của các cơ quan có liên quan đến phạm vi điều chỉnh của luật; đồng thời, để có thông tin và những lập luận về những nội dung còn ý kiến khác nhau, ngoài việc lấy ý kiến góp ý của các cơ quan bằng văn bản, đối với dự án luật quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng rộng, còn nhiều ý kiến khác nhau được cử tri và các tầng lớp nhân dân quan tâm, Đoàn đã khảo sát việc thi hành luật và tổ chức các hội nghị lấy ý kiến vào một số dự thảo luật.

Trên cơ sở góp ý của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, cộng tác viên pháp luật và các vị ĐBQH, Đoàn đã tổng hợp các ý kiến góp ý, tập hợp thành tư liệu phục vụ đại biểu nghiên cứu tham gia thảo luận tại kỳ họp thứ 8, góp phần xây dựng pháp luật theo hướng vừa đồng bộ, thống nhất, nhân văn, khả thi, hiệu quả và hội nhập quốc tế, vừa bảo đảm tính ổn định, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Để chuẩn bị cho kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri tại cụm xã của các địa phương: huyện Kim Sơn, thành phố Tam Điệp và tiếp xúc chuyên đề với công nhân, người lao động. Trong các hội nghị tiếp xúc, ngoài việc báo cáo với cử tri về nội dung, chương trình, kết quả các kỳ họp Quốc hội, Đoàn đã thực hiện tốt việc tuyên truyền chính sách, pháp luật, những chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, để nhân dân hiểu, đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp đầy đủ, trung thực, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, trả lời theo quy định.

Với tinh thần thẳng thắn, các cuộc tiếp xúc không đơn thuần là lắng nghe mà trở thành cuộc đối thoại hai chiều giữa ĐBQH và những người trong cuộc. Nhiều vấn đề bất cập được đông đảo cử tri đặt vấn đề, thảo luận sôi nổi và đi đến thống nhất kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, có phương án điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế và sự phát triển của đất nước. Cụ thể như vấn đề ổn định giá cả thị trường, nhất là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khi tăng mức lương cơ sở; vấn đề đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; hỗ trợ cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế đối với các hội viên cựu chiến binh nhập ngũ sau 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ; chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ đối với hộ có mức sống trung bình giúp các hộ thoát nghèo bền vững…

Đồng chí Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Hồng Thanh cho biết thêm: Để việc giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị cử tri đạt kết quả, Đoàn đã chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh thường xuyên đề nghị các cơ quan có liên quan rà soát, cập nhật báo cáo kết quả trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhất là các nội dung cử tri kiến nghị qua nhiều năm, chưa được giải quyết dứt điểm. Đồng thời, đăng tải đầy đủ, kịp thời, công khai các văn bản trả lời kiến nghị cử tri của các bộ, ngành trên Trang thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh để cử tri theo dõi, nắm bắt.

Thực hiện chương trình công tác năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức thành công 3 cuộc giám sát chuyên đề theo chương trình của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội: "Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; " Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023"; "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023". Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đánh giá sát tình hình thực hiện, những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương. Đồng thời, chỉ ra những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan chức năng ở địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, các ĐBQH thông qua hoạt động thực tiễn đã chủ động khảo sát, nắm bắt tình hình kinh tế-xã hội, nhất là những vấn đề thực tiễn cuộc sống đang đặt ra hiện nay, cùng với kết quả khảo sát của Đoàn, Đoàn tập hợp những vấn đề còn bất cập, tồn tại trong cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm tư liệu phục vụ việc tham gia thảo luận góp ý vào các nội dung tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Ông Đoàn Văn Tuấn, cử tri phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) bày tỏ tin tưởng: Theo dõi các kỳ họp, tôi thấy các vị ĐBQH tỉnh đã có nhiều phát biểu tham gia ý kiến có chất lượng tại các phiên thảo luận tổ, tham luận tại hội trường, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Quốc hội, đất nước. Tại kỳ họp thứ 8, tôi mong muốn Quốc hội xem xét để Ninh Bình sớm được hưởng các chính sách đặc thù về đô thị di sản, qua đó giúp Ninh Bình có thêm các nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Hướng về kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, cử tri Ninh Bình bày tỏ tin tưởng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cùng tinh thần trách nhiệm cao, các vị ĐBQH tỉnh tiếp tục có những đóng góp tích cực tại kỳ họp và những ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành sẽ sớm được giải quyết, đáp ứng được nguyện vọng, niềm tin của cử tri và Nhân dân.

Đinh Ngọc

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-chuan-bi-cho-ky-hop-thu-8-quoc/d2024102021150943.htm