Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến tham gia vào các Dự án luật

PTĐT - Ngày 14/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh do đồng chí Cao Đình Thưởng – TUV, Phó trưởng Đoàn ĐBQH làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Công an tỉnh để lấy ý kiến tham gia vào các Dự án: Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, Luật Cư trú (sửa đổi) và Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi).

Đồng chí Cao Đình Thưởng – TUV, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Đồng chí Cao Đình Thưởng – TUV, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Làm việc với đoàn có Đại tá Phạm Trường Giang - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, cùng lãnh đạo các phòng chức năng của Công an tỉnh.Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung phân tích những kết quả đạt được và những điểm còn bất cập của các dự án Luật đồng thời cho ý kiến vào từng dự án.Hầu hết các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, một số quy định về chức năng tại 2 văn bản luật có nội dung gần giống nhau, có nhiều từ ngữ chưa chính xác, cần điều chỉnh phù hợp hơn với thực tiễn. Ngoài ra, các ý kiến cũng tập trung vào một số nội dung như: Các hành vi bị nghiêm cấm khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; quy định về an toàn đối với trẻ em trên xe ô tô; quy định về người khuyết tật, người yếu thế tham gia giao thông; công tác phối hợp nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch… Về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, các đại biểu tập trung đóng góp các vấn đề liên quan đến việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chưa quy định cụ thể thành phần, độ tuổi tham gia; việc áp dụng quá nhiều nhiệm vụ, quyền hạn với lực lượng này là không phù hợp vì đây không phải là lực lượng chuyên trách để thực thi nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở địa bàn cơ sở. Ngoài ra, các đại biểu cũng góp ý về việc quy định mẫu trang phục, trang thiết bị phục vụ cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; quy định cụ thể về bồi dưỡng, hỗ trợ kinh phí cho những cá nhân tham gia lực lượng này...Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) gồm 7 chương, 39 điều quy định về quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú. Góp ý vào Dự án Luật Cư trú (sửa đổi), các đại biểu nhất trí với sự cần thiết, nội dung, bố cục của dự án luật, nhất là về chủ trương thay đổi phương thức quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang hình thức quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Tuy nhiên, một số câu từ, thuật ngữ và quy định trong dự thảo luật cần được làm rõ, thay đổi, bổ sung, hoàn thiện. Nên bỏ phương thức quản lý bằng sổ hộ khẩu, sớm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia đảm bảo việc khai thác, cung cấp thông tin cho các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác quản lý hiệu quả; làm rõ khái niệm “chỗ ở hợp pháp” và “phương tiện khác”; làm rõ quy định về các địa điểm không được đăng ký thường trú mới, lưu trú và thông báo lưu trú, điều kiện đăng ký thường trú...; bổ sung thêm “nghiêm cấm chủ hộ lợi dụng cản trở gây khó khăn cho công dân”, “xóa đăng ký tạm trú đối với cá nhân đang chấp hành án phạt tù giam”... Đối với Dự án Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi), các ý kiến đều cho rằng với các nội dung điều chỉnh mới, hoàn thiện Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) sẽ là công cụ hiệu quả hơn đối với công tác phòng, chống ma túy trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo Luật tiếp tục rà soát, bổ sung thêm quy định cụ thể về kiểm soát các hoạt động liên quan đến ma túy như: Các biện pháp phòng, chống việc sản xuất ma túy trong nước; các biện pháp quản lý chặt chẽ cơ sở sản xuất, buôn bán các loại hóa chất (đặc biệt là các loại hóa chất liên quan đến chất gây nghiện, chất để điều chế ma túy tổng hợp); quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của mỗi cơ quan trong công tác phòng, chống ma túy, xác định và quản lý người nghiện, hay công tác cai nghiện; bổ sung danh mục các chất ma túy mới xuất hiện, đồng thời có các chế tài xử lý, quản lý để Luật có tính khả khi cao khi được ban hành.Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Cao Đình Thưởng- Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao các ý kiến đóng góp và cho biết tại kỳ họp thứ 10 tới, Quốc hội sẽ cho ý kiến nhiều dự án luật mới được nhiều cử tri, đại biểu quan tâm như dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của đại biểu, Đoàn ghi nhận và sẽ tổng hợp để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến làm cơ sở pháp lý để các dự án luật được thông qua thực thi có hiệu quả.

Huy Thắng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/quoc-hoi-khoa-xiv/202010/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-lay-y-kien-tham-gia-vao-cac-du-an-luat-173442