Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang đồng tình việc sớm đưa Luật Đất đai và 3 luật khác vào thi hành

BHG - Sáng 20.6, Kỳ họp thứ 7 tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội chia tổ thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Tham gia thảo luận tại tổ 6, các đại biểu Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang đóng góp nhiều ý kiến vào dự án Luật trên.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh phát biểu tại phiên họp tổ. Ảnh: CTV

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh phát biểu tại phiên họp tổ. Ảnh: CTV

Tham gia góp ý vào dự án Luật trên, đại biểu Lý Thị Lan, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ về việc đẩy nhanh xây dựng các nghị định để triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng.

Theo đại biểu Lý Thị Lan, Luật Đất đai 2024 có 260 Điều, trong đó có 97 Điều giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 19 nội dung giao thẩm quyền cho cấp tỉnh. Trong đó có nhiều quy định thuận lợi cho người dân, đặc biệt là quy định cho phép người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp được nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa và được thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất để làm nhà ở thương mại.

Tuy nhiên đại biểu cũng băn khoăn, khi các Nghị định triển khai Luật được ban hành, các địa phương phải gấp rút chuẩn bị các nội dung được giao trong Luật để có thể đưa vào thực thi. Vì vậy, đại biểu cho rằng cần tăng cương tuyên truyền về quá trình triển khai Luật để tạo được sự đồng thuận từ T.Ư đến địa phương. Để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương khi triển khai Luật, các nghị định, thông tư rất cần hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng thời cần đồng bộ thông tin ở cơ sở, dữ liệu đất đai...

Đại biểu Phạm Thúy Chinh thảo luận tại tổ. Ảnh: CTV

Đại biểu Phạm Thúy Chinh thảo luận tại tổ. Ảnh: CTV

Đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng, việc Quốc hội xem xét cho hiệu lực sớm hơn đối với Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản là điều rất đặc biệt. Theo đại biểu, nhiều quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, đặc biệt là khối lượng các văn bản mà Chính phủ phải quy định chi tiết đối với Luật Đất đai là lớn, tới 97 Điều. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, quy trình, các bước để xây dựng các văn bản dưới luật đã được triển khai theo đúng quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Đại biểu đề nghị cần lưu ý đánh giá đầy đủ các rủi ro, những yếu tố có tác động bất lợi khi triển khai sớm các Luật. Bởi khi đánh giá đầy đủ các khó khăn, rủi ro thì sẽ có giải pháp, nhiệm vụ đi theo phù hợp.

Phát biểu thảo luận tại Tổ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Luật Đất đai 2024 trải qua 4 kỳ họp và cũng là luật được lấy ý kiến nhân dân rộng rãi sau Hiến pháp với 12 triệu lượt ý kiến đóng góp của nhân dân.

Bộ trưởng cho biết, Luật Đất đai 2024 là một bộ luật đáp ứng được mong mỏi của người dân, doanh nghiệp. Từ thời điểm Luật được thông qua đến nay, người dân, doanh nghiệp, cộng đồng, các địa phương… đều rất mong muốn luật có hiệu lực sớm vì có rất nhiều chính sách có lợi cho người dân, doanh nghiệp, khơi dậy nguồn lực đất đai để phục vụ phát triển của đất nước.

Đối với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, thông thường những luật được thông qua vào tháng 10.2023 thì thường có hiệu lực vào 1.7.2024, để đảm bảo đồng bộ, đảm bảo cả ba luật có nhiều mối liên quan với nhau cùng có một thời hạn hiệu lực, nên hai Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản phải đợi Luật Đất đai. Thực tế các văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết của hai luật này cũng đã được Bộ Xây dựng chuẩn bị sẵn sàng, kể cả trong trường hợp thời điểm có hiệu lực của hai luật là từ 1.7.2024.

Về các văn bản hướng dẫn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, quá trình xây dựng luật, cơ quan soạn thảo đã dự thảo các nghị định và thông tư. Đến thời điểm khi Luật Đất đai có hiệu lực thì Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan yêu cầu bắt tay vào làm việc ngay. Đến thời điểm này, các nghị định đã được tiến hành lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Có nhiều Nghị định đã tiến hành lấy ý kiến các thành viên Chính phủ lần thứ 2. Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã họp trực tiếp với các địa phương về các văn bản hướng dẫn của địa phương. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép riêng về mặt thời gian nghị định, thông tư có thể dùng thủ tục rút gọn. Ngay khi ký ban hành xong thì sẽ có hiệu lực ngay, nhưng quy trình thì làm rất bài bản, được đánh giá tác động.

Về nội dung đánh giá tác động, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, cơ quan được giao là Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Bộ Xây dựng đã có các hồ sơ đánh giá tác động đầy đủ, tác động tốt, hiệu quả nếu luật có hiệu lực sớm. Vì luật có hiệu lực sớm sẽ giải quyết các tồn đọng, vướng mắc.

Về phía các địa phương, theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, khi Luật có hiệu lực sớm, các địa phương song song triển khai các hướng dẫn, nhưng vẫn mang tính kế thừa nhiều. Ngoài ra, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết thêm, hiện nay cơ quan soạn thảo đã và đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành để tổ chức trong công tác tuyên truyền, phổ biến luật cho các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài nắm và hiểu rõ hơn về những điểm mới của Luật.

Duy Tuấn (tổng hợp)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202406/doan-dbqh-khoa-xv-don-vi-tinh-ha-giang-dong-tinh-viec-som-dua-luat-dat-dai-va-3-luat-khac-vao-thi-hanh-0e56c21/