Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tổ
Theo chương trình kỳ họp, chiều 8-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về các nội dung: Báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang tham gia thảo luận tại tổ 7 gồm các đoàn: Thái Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận và Tuyên Quang. Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì thảo luận.
Góp ý vào Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị việc việc xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 là yêu cầu bức thiết và khách quan. Đại biểu Ma Thị Thúy góp ý cụ thể vào một số nội dung như: cần bổ sung một số chỉ tiêu tối thiểu cần đạt được về việc giảm tỷ lệ các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; tỷ lệ người dân tộc thiểu số được tham gia bảo hiểm y tế; đề nghị Chính phủ giao các bộ, ngành Trung ương căn cứ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, rà soát điều chỉnh mục tiêu, phạm vi, nhiệm vụ và nội dung đầu tư của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030 cho phù hợp, không trùng lặp với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo.
Đối với quy định về địa bàn, đối tượng, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Chính phủ có thể xem xét, bổ sung thêm đối tượng “là hộ người Kinh sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn đã thoát nghèo từ 1-3 năm nhưng còn nằm trong nhóm có nguy cơ tái nghèo cao” thì được thụ hưởng một số chính sách hỗ trợ nhất định nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tại khu vực này. Cần ưu tiên bố trí nguồn lực cho các xã, thôn bản thuộc vùng đặc biệt khó khăn, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sinh sống. Đồng thời, nghiên cứu nên có cơ chế phân cấp cho địa phương được thực hiện việc ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các vùng còn khó khăn trên địa bàn của địa phương đó.
Đại biểu Âu Thị Mai góp ý thêm về nguồn lực để thực hiện chương trình. Đại biểu cho rằng cần tính toán, bố trí nguồn lực để bảo đảm thực hiện chương trình đạt được mục tiêu đặt ra; Chương trình cần thể hiện rõ cơ chế, tỷ lệ bố trí ngân sách và hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương đối với từng địa phương cho phù hợp, nhất là những tỉnh nghèo, có tỷ lệ tự cân đối dưới 30% ngân sách.
Đại biểu Hoàng Bình Quân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương tán thành với báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ. Tuy nhiên, liên quan đến hai vấn đề xuất khẩu và GDP báo cáo cần làm rõ sâu hơn về sự nỗ lực của các bộ ngành. Nhìn lại năm 2019, đại biểu cho rằng còn những hạn chế và thách thức, đặc biệt là vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, quý I chỉ được hơn 20%. Để giải ngân được trong năm nay là thách thức lớn cần sự nỗ lực và hành động quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành.
Làm rõ các vấn đề được đại biểu quan tâm, đại biểu Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng sẽ không thể giải quyết được hết trong một nghị quyết. Tuy nhiên, khi thực hiện chương trình này sẽ giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên một bước nữa. Bên cạnh đó, chương trình cũng góp phần thay đổi bản chất của việc ứng xử với vùng đồng bằng dân tộc thiểu số từ việc thoát nghèo sang đầu tư cho phát triển bền vững. Do vậy, Chính phủ thống nhất giải pháp kỹ thuật, hàng năm cân đối để bố trí thêm nguồn, các mức tiêu chuẩn. Theo khoản 5 điều 70 của Hiến pháp quy định Quốc hội quyết định chính sách dân tộc, do đó, Chính phủ sẽ thực hiện theo các quyết nghị của Quốc hội.