Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương

PTĐT - Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, sáng ngày 25/10, trước khi thảo luận toàn thể tại Hội trường, Quốc hội nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, để có cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật, Tổng thư ký Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các vấn đề như: Mô hình tổ chức chính quyền địa phương; số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh và Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II; bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương…

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Cao Đình Thưởng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương nên giữ nguyên như quy định hiện hành, có mở rộng đến các mô hình đặc thù nhưng phải giữ nguyên khẳng định “Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Theo đại biểu, quy định này phù hợp với khoản 2, Điều 111- Hiến pháp 2013.

Về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng tình với phương án “Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh gồm: Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân tỉnh. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách thì có một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách thì có hai Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách”, đại biểu Cao Đình Thưởng cho biết, phương án này sẽ tạo sự linh hoạt cho địa phương trong việc bố trí lãnh đạo Hội đồng nhân dân; đối với quy định các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu đề nghị “Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh gồm có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định. Trường hợp Trưởng ban của Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách thì Ban có một Phó Trưởng ban; trường hợp Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách thì Ban có hai Phó Trưởng ban. Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách”…

Đối với cơ cấu tổ chức và số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân. Đồng tình với việc giảm số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp từ 10-15% như dự thảo luật. Đại biểu Cao Đình Thưởng đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu để giảm số lượng đại biểu kiêm nhiệm, tăng số đại biểu hoạt động chuyên trách. Theo đại biểu nếu không có quy định theo hướng trên sẽ dẫn tới đại biểu Hội đồng nhân dân đa số kiêm nhiệm, không đảm bảo tính đại diện, tính phản biện trong hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

Nội dung cũng nhận được sự quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội là quy định bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương. Theo các đại biểu, Văn phòng HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH đều có chức năng tham mưu, giúp việc và phục vụ; nếu sáp nhập 3 văn phòng, chức năng phục vụ, giúp việc có thể đảm bảo tốt nhưng chức năng tham mưu là rất khó khăn. Đề cập nội dung này, đại biểu Cao Đình Thưởng cho biết: Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực, Ủy ban nhân dân là cơ quan hành pháp. Vì vậy, giữa 3 văn phòng cấp tỉnh thì hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân có nhiều nét tương đồng. Đại biểu đề nghị chỉ nên có hai văn phòng cấp tỉnh (Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh) là phù hợp và thuận lợi cho hoạt động của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị phải tổng kết thí điểm việc sáp nhập 3 văn phòng ở 12 tỉnh đang thực hiện thí điểm để có cơ sở khẳng định.

Khổng Thủy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/thoi-su/201910/doan-dbqh-tinh-thao-luanluat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-167438