Đoàn giám sát Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội làm việc với tỉnh Lào Cai

Sáng 23/7, Đoàn giám sát Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã có buổi làm việc với tỉnh Lào Cai trong thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) mà Việt Nam là thành viên.

Đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội làm Trưởng đoàn.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Làm việc với Đoàn công tác, về phía tỉnh Lào Cai có các đồng chí: Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Xuân Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Xuân Cường, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy đã thông tin khái quát về tình hình phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2019 của tỉnh. Trong đó nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 10,02%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 60% dự toán Trung ương giao; tỷ lệ giảm nghèo đạt gần 60% kế hoạch năm…

Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc.

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn đặc biệt quan tâm thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với BĐKH bằng nhiều việc làm thiết thực. Nổi bật là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức thực hiện các điều ước quốc tế về BĐKH cho cán bộ, người dân trong tỉnh. Chủ động xây dựng nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai bằng nhiều giải pháp khác nhau. Trong đó có việc đầu tư lắp đặt 33 trạm đo mưa tự động, 2 hệ thống cảnh báo sớm thiên tai gồm 4 cụm loa cảnh báo, 4 điểm đo mưa, 4 điểm đo lưu lượng nước. Đáng chú ý, từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh đã bố trí sắp xếp ổn định được 7.434 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai; hoàn thành 32 dự án kè sông, suối biên giới có tổng chiều dài hơn 31 km, tổng kinh phí đầu tư 1.569 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh Lào Cai luôn duy trì lực lượng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn lên đến 10.000 người/năm ở tất cả các cấp, đảm bảo đủ lực lượng ứng cứu khi có sự cố thiên tai xảy ra…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Tiềm năng phát triển kinh tế của Lào Cai là rất lớn, đặc biệt là kinh tế cửa khẩu và du lịch. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, BĐKH khiến Lào Cai liên tiếp phải hứng chịu nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Lào Cai mong muốn tiếp tục được bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ sắp xếp dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, trồng và bảo vệ rừng, xây dựng, lắp đặt các hệ thống dự báo thiên tai. Đặc biệt, hỗ trợ tỉnh Lào Cai tăng cường hợp tác quốc tế với các tổ chức bảo vệ môi trường để học hỏi kinh nghiệm, kiến thức…

Tại hội nghị, các đại biểu đã tiến hành thảo luận làm rõ một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh Lào Cai đối với các bộ, ngành Trung ương.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khẳng định: Tỉnh Lào Cai đã và đang thực hiện bài bản, có hiệu quả đối với các điều ước quốc tế về BĐKH mà Việt Nam là thành viên. Đồng chí nhấn mạnh, tỉnh Lào Cai là tuyến đầu của Tổ quốc nên các công trình đầu tư cho việc chống BĐKH cần được ưu tiên, đặc biệt là những công trình kè sông, suối trên khu vực biên giới là hết sức quan trọng trong việc chống xói mòn, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia…

Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Lào Cai, Đoàn công tác sẽ tổng hợp đầy đủ và báo cáo lên Quốc hội, Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Phạm Khánh

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/chinh-tri/doan-giam-sat-uy-ban-doi-ngoai-cua-quoc-hoi-lam-viec-voi-tinh-lao-cai-z1n2019072315403405.htm