Đoàn kết, bình đẳng, kỷ luật để xây dựng một Việt Nam vững mạnh

Đoàn kết là mục tiêu, cũng đồng thời là thành quả cách mạng. Muốn đoàn kết bền vững phải bình đẳng. Để bình đẳng phải giữ vững kỷ luật, kỷ cương. Mối quan hệ chặt chẽ giữa ĐOÀN KẾT - BÌNH ĐẲNG - KỶ LUẬT dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo động lực cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế quốc tế như ngày hôm nay. Tuy nhiên, các thế lực thù địch luôn tìm cách chia rẽ mối quan hệ đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa Đảng với Nhân dân. Một trong những chiêu bài chia rẽ đoàn kết hiện nay là tuyên truyền rằng phòng chống tham nhũng, tiêu cực là đấu đá, thanh trừng nội bộ. Vì vậy, cần thiết phải làm sáng tỏ mối quan hệ biện chứng giữa ĐOÀN KẾT - BÌNH ĐẲNG - KỶ LUẬT để đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch.

BÀI 1:

BÌNH ĐẲNG, ĐOÀN KẾT LÀ CỘI NGUỒN SỨC MẠNH

Đại đoàn kết toàn dân tộc vừa là động lực cách mạng, vừa là mục tiêu cách mạng. Theo từng giai đoạn cách mạng cụ thể mà yếu tố bình đẳng xã hội hay kỷ luật, kỷ cương được nhấn mạnh trong mối quan hệ ĐOÀN KẾT - BÌNH ĐẲNG - KỶ LUẬT. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thể hiện tư tưởng này xuyên suốt trong lịch sử lãnh đạo nhân dân đấu tranh đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đường lối đúng đắn đó đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế quốc tế như ngày hôm nay.

Đoàn kết để thành công

Chủ nghĩa Mác - Lênin xem xét đoàn kết là điều kiện cần thiết để cách mạng thành công, càng khó khăn càng cần phải đoàn kết lại. Ngay sau khi tuyên bố Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản năm 1847, C.Mác và Ăng-ghen đã kêu gọi: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”[1]. Tháng 6-1851, khi phân tích Những mưu đồ của Na-pô-lê-ông, C.Mác đã dự báo về cuộc chiến giữa quân đội và giai cấp tư sản chống lại nhân dân: “Kết cục sẽ phụ thuộc vào sự dũng cảm, lòng giác ngộ và tinh thần đoàn kết của nhân dân”[2].

Trong tư tưởng của Lê-nin: “Khi hàng triệu nhân dân lao động đoàn kết muôn người như một và tiến theo bộ phận ưu tú của giai cấp mình, thì như vậy thắng lợi sẽ được bảo đảm”[3]. Hay “đương đầu với mặt trận rộng lớn của các cường quốc đế quốc chủ nghĩa, chúng ta, những người đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, là một khối liên minh đòi hỏi có sự đoàn kết chặt chẽ về mặt quân sự...”[4].

Tại Đại hội I toàn Nga của những người lao động Cô-dắc ngày 1-3-1930, Lê-nin đã nhấn mạnh: “Chúng ta sở dĩ đã dành được thắng lợi là vì chúng ta đã và có thể đoàn kết nhất trí với nhau, vì chúng ta đã có thể tranh thủ được những bạn đồng minh từ trong hàng ngũ kẻ thù của chúng ta”[5].

Khi rời quê hương tìm được đường lối cứu nước, Nguyễn Ái Quốc quyết định: “trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”[6].

Nhằm tập hợp và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, ngày 18-11-1930 Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh, tiền thân của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Trong Chỉ thị nêu rõ: “công nhân phải liên minh chặt chẽ với nông dân thì cách mạng mới thắng lợi, nếu giai cấp công nhân không tổ chức được toàn dân thành một lực lượng thật rộng, thật vững thì cách mạng cũng khó thành công”[7].

Sau thành công vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam: “Một phần là vì tình hình quốc tế thuận tiện cho ta. Nhất là vì lực lượng của cuộc toàn dân đoàn kết”[8]; “Nhờ dân ta đoàn kết một lòng và Chính phủ lãnh đạo khôn khéo, mà chúng ta bẻ gẫy xiềng xích nô lệ, tranh được độc lập tự do”[9]; “Chính là sự đoàn kết, đoàn kết hoàn toàn và không gì phá vỡ nổi của toàn thể nhân dân chúng ta đã khai sinh ra nước Cộng hòa của mình”[10].

Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ V đã tổng kết: Đảng ta có tất cả sức mạnh cần thiết để chiến thắng mọi khó khǎn, hoàn thành mọi nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới. Đó là sức mạnh của khối đoàn kết, nhất trí có truyền thống trong toàn Đảng, là sức mạnh của khối thống nhất không gì lay chuyển nổi giữa Đảng với Nhân dân, với các đảng cách mạng trên thế giới…

Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW ngày 27-3-1990, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân khẳng định: “Quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân đã trở thành nguồn sức mạnh và truyền thống vô cùng quý báu của cách mạng Việt Nam”[11]. Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quần chúng, giữ vững mối liên hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và toàn bộ sự nghiệp cách mạng.

Ngày 17-11-1993, Bộ Chính trị khóa VII ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất, khẳng định chủ trương: Đoàn kết mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, bao gồm các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, người trong nước và người định cư ở nước ngoài.

Phương châm chỉ đạo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng là: Tăng cường hơn nữa khối đoàn kết toàn dân, động viên được lực lượng của mọi tầng lớp nhân dân vào việc thực hiện mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giữ vững đoàn kết trong Đảng, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: Đoàn kết các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay đang định cư ở nước ngoài.

Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng định hướng: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn Dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới. Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Bình đẳng để đoàn kết

Trên tinh thần “Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ”[12], Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên với chế độ phổ thông đầu phiếu. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, “tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống…”[13].

Tinh thần đoàn kết trên cơ sở bình đẳng trở thành một trong những nguyên tắc xây dựng Hiến pháp 1946: “Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo”[14].

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nước ta là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ”[15]. Đảng và Chính phủ ta luôn luôn kêu gọi các dân tộc “cùng nhau đoàn kết chặt chẽ trên cơ sở bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ”[16].

Quyết tâm xây dựng đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở bình đẳng, giữ kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước được Hồ Chủ tịch khẳng định qua việc kiên quyết bác đơn xin ân giảm án tử hình Đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu tội danh: “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”; thống nhất với Tòa án Nhân dân tối cao tuyên án tử hình đối với cán bộ cấp cao là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trương Việt Hùng vì phạm tội nghiêm trọng.

Trong quan hệ quốc tế, Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam (1951) chủ trương: “Mở rộng ngoại giao nhân dân; giao thiệp thân thiện với chính phủ nước nào tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, đặt quan hệ ngoại giao với các nước đó theo nguyên tắc tự do, bình đẳng và có lợi cho cả hai bên”[17].

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) xác định một trong những đặc điểm đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là: “Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau”[18].

Đại hội XIII của Đảng chủ trương: “Phát triển vì con người, tạo điều kiện cho mọi người, nhất là trẻ em, nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, người di cư hòa nhập, tiếp cận bình đẳng nguồn lực, cơ hội phát triển và hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện các chính sách dân tộc bình đẳng, đoàn kết, cùng phát triển”[19].

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24-11-2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết số 42-NQ/TW của Đảng đề ra là: “Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội, người dân và giữa các nhóm dân cư, bảo đảm bền vững và công bằng xã hội”[20].

Kỷ luật để bình đẳng, đoàn kết

Điều 40 Điều lệ Đảng do Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ I thông qua năm 1935 đã quy định: “Muốn giữ cho Đảng được thống nhất phải kịch liệt công kích những sự lo toan lập bè phái và chia rẽ trong Đảng, cần có kỷ luật nghiêm khắc, đấy là những nghĩa vụ của toàn đảng viên và tất cả các đảng bộ. Muốn thực hiện được kỷ luật tối nghiêm khắc trong Đảng và muốn bảo chứng sự hoàn toàn thống nhất về các phương diện, Ban Trung ương có quyền thực hành hết thảy các điều kỷ luật cho tới sự khai trừ để đối phó với những sự phá kỷ luật hay lập bè phái trong Đảng”[21].

Năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với báo Nhân dân, Người tiếp tục nhắc nhở: “Đoàn kết là sức mạnh của Đảng. Đoàn kết chặt chẽ và kỷ luật nghiêm khắc, hai điều đó không thể rời nhau. Kỷ luật nghiêm, để bảo đảm tư tưởng nhất trí và hành động thống nhất của toàn Đảng, toàn dân”[22].

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam kết luận: “Về mặt tư tưởng, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin thể hiện trong đường lối của Đảng, trên cơ sở sự giác ngộ của toàn thể đảng viên về lý tưởng của Đảng. Sự thống nhất về tư tưởng phải được bảo đảm bằng sự thống nhất về tổ chức. Nhờ đó mới có được sự thống nhất trong hành động. Phải nghiêm chỉnh thực hiện chế độ tập trung dân chủ, bảo đảm vững chắc về mặt tổ chức sự thống nhất của Đảng”[23].

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX và thứ X của Đảng có dành một mục riêng trong báo cáo chính trị về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Đại hội IX nhấn mạnh: “Chính sách và pháp luật của Nhà nước là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện đại đoàn kết toàn dân và sinh hoạt dân chủ trong xã hội”[24].

Ngày 12-3-2003, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Quan điểm của Đảng nêu trong Nghị quyết một lần nữa nhấn mạnh vai trò quyết định của đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xem bảo đảm công bằng và bình đẳng xã hội là một trong những yếu tố quan trọng để củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ X (2006), Đảng lấy đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng làm nguyên tắc tổ chức. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), chủ trương đoàn kết trên cơ sở công bằng, luật pháp được đề cập tới từng gia đình, đơn vị công tác, các tầng lớp dân cư, các giai cấp, các dân tộc, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài và các nước trên thế giới cho thấy rõ quyết tâm của Đảng xây dựng nước Việt Nam thật sự đoàn kết, vững mạnh, hướng tới tương lai.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển... Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Phương châm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển. Tinh thần đại đoàn kết trong Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII tiếp tục được nhấn mạnh ở Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-11-2023, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng; nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Đại đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Giải quyết tốt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao cuộc sống của nhân dân; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các dân tộc, các giai tầng xã hội và của mỗi người dân trong tiếp cận cơ hội, đóng góp cho đất nước và thụ hưởng thành quả phát triển”[25].

Chủ trương, đường lối của Đảng trong mọi giai đoạn cách mạng đều khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc vừa là động lực cách mạng, vừa là mục tiêu cách mạng. Trong đó, theo từng giai đoạn cụ thể mà các yếu tố bình đẳng, kỷ luật, đoàn kết được Đảng, Nhà nước ta khẳng định vai trò khác nhau trong mối quan hệ đoàn kết - bình đẳng - kỷ luật. Trong bối cảnh hiện nay, Đảng ta tiếp tục khẳng định “Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của Đảng và cả hệ thống chính trị. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết trong hệ thống chính trị, đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế”.

(Còn nữa)

[1] C.Mác và Ăng ghen: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2017, tr.133.

[2] C.Mác và Ăng ghen toàn tập: NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2004, tập 7, tr.706.

[3] Lênin toàn tập: NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2005, tập 40, tr.269.

[4] Sách đã dẫn, tập 40, tr.113.

[5] Sách đã dẫn, tập 40, tr.194.

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.2021, tập 1, tr.209.

[7] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/book/lich-su-dang/lich-su-bien-nien-dang-cong-san-viet-nam-tap-2-175

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.2021, tập 4, tr.18.

[9] Sách đã dẫn, tập 4, tr.64.

[10] Sách đã dẫn, tập 4, tr 327.

[11] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-vi/nghi-quyet-so-08b-nqhntw-ngay-2731990-hoi-nghi-lan-thu-tam-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-vi-ve-doi-moi-cong-tac-quan-1110

[12] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.2021, tập 4, tr.166.

[13] Sách đã dẫn, tập 4, tr.7.

[14] https://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=536

[15] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia. H.2021, tập 12, tr.371.

[16] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia. H.2021, tập 12, tr.371.

[17] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/Uploads/2018/6/3/13/Cuonglinh.pdf

[18] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/Uploads/2018/6/3/14/cuonglinhcachmang.pdf

[19] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. NXB Chính trị quốc gia, H.2021, tập 1, tr.264.

[20] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/home/chu-truong-chinh-sach-moi/nghi-quyet-so-42-nqtw-ngay-24112023-hoi-nghi-lan-thu-tam-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-ve-tiep-tuc-doi-moi-nang-4024

[21] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/dieu-le-dang/dieu-le-dang-do-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-i-cua-dang-thong-qua-3433

[22] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.2021, tập 9, tr.31.

[23] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-iv/nghi-quyet-cua-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-iv-cua-dang-1522

[24] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-ix/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-viii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-ix-cua-dang-1545

[25] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/home/chu-truong-chinh-sach-moi/nghi-quyet-so-43-nqtw-ngay-24112023-hoi-nghi-lan-thu-tam-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-ve-tiep-tuc-phat-huy-truyen-4025

TS. Đỗ Thị Thanh Mai / Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/ly-luan-thuc-tien/doan-ket-binh-dang-ky-luat-de-xay-dung-mot-viet-nam-vung-manh-21822