Đoàn kết để bám biển

Nhằm tạo sự đoàn kết, gắn bó hỗ trợ nhau trong khai thác thủy sản trên biển, thời gian qua, ngành chức năng và các địa phương ven biển đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng các tổ, đội hợp tác sản xuất trên biển. Qua đó giúp ngư dân yên tâm trong việc vươn khơi khai thác thủy sản; tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp hoạn nạn hiệu quả hơn.

 Các thành viên trong cùng tổ, đội hỗ trợ nhau bốc dỡ hải sản - Ảnh: L.A

Các thành viên trong cùng tổ, đội hỗ trợ nhau bốc dỡ hải sản - Ảnh: L.A

Từ lâu, ngư dân đã ý thức được việc hoạt động đơn độc, riêng lẻ trên biển gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn trong đánh bắt khi không được chia sẻ thông tin về ngư trường, luồng cá; khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm khi tàu phải chạy vào bờ bán cá rồi chạy ra lại, thời gian “chết” nhiều, bình quân phải mất từ 3 - 5 ngày chạy vào bờ rồi quay trở lại ngư trường, đó là chưa nói đến việc tiêu hao nhiều nhiên liệu. Quan trọng hơn là mỗi khi tàu gặp sự cố hư hỏng trên biển sẽ rất nguy hiểm nếu không có tàu bạn cứu hộ kịp thời. Do vậy, khi được sự vận động, hỗ trợ của cơ quan chuyên môn và các địa phương, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia xây dựng các mô hình tổ, đội hợp tác sản xuất trên biển. Từ vài ba tổ được hình thành ban đầu, đến nay toàn tỉnh đã có 111 tổ, đội hợp tác sản xuất trên biển với khoảng 2.600 lao động. Hầu hết các tàu cá tham gia tổ, đội hợp tác sản xuất trên biển đều có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, có khả năng hoạt động dài ngày. Các tàu tham gia đã phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ thông tin về ngư trường, thời tiết, kinh nghiệm sản xuất, nâng cao hiệu quả đánh bắt; hỗ trợ nhau xử lý rủi ro, tổ chức dịch vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm; tương trợ, giúp đỡ gia đình các tổ viên. Đồng thời, tạo tâm lý an tâm cho ngư dân cùng vươn khơi khai thác thủy sản và phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề biển, ông Bùi Đình Thủy, chủ tàu cá QT 90709TS ở xã Gio Hải, huyện Gio Linh hiểu rất rõ những khó khăn, bất lợi khi khai thác hải sản riêng lẻ trên biển. Chính vì vậy, khi địa phương phát động thành lập tổ hợp tác sản xuất trên biển, ông đã đăng ký tham gia ngay. Theo ông Thủy, từ khi tham gia vào tổ hợp tác sản xuất trên biển, ông và các bạn thuyền rất yên tâm khi đánh bắt xa bờ, dài ngày trên biển. Trong quá trình đánh bắt, các tàu chia sẻ thông tin về ngư trường, luồng cá để cùng đánh bắt và giúp nhau vận chuyển hải sản vào bờ hay những lúc gặp khó khăn trên biển. Khi phát hiện tàu lạ hoặc có những trường hợp bất thường trên biển, các tàu trong tổ sẽ thông tin kịp thời về đất liền để cơ quan chức năng có biện pháp xử lý. “Cái lợi lớn nhất trong quá trình hoạt động trên biển là các tàu cá trong cùng tổ, đội luôn sẵn sàng hỗ trợ nhau về tìm kiếm ngư trường, thường xuyên liên lạc để thông tin về thời tiết, cứu hộ cứu nạn và phân công đưa sản phẩm về đất liền, góp phần giảm chi phí nhiên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất”, ông Thủy chia sẻ.

Còn đối với ngư dân Đoạn Văn Dũng, thuyền trưởng tàu cá QT 90999TS, trong câu chuyện với chúng tôi, anh luôn nhắc đến việc tàu cá của mình được các tàu trong cùng tổ đội ứng cứu khi không may gặp sự cố trên biển. Anh Dũng kể, trong khi đang hành nghề khai thác bằng lưới vây tại ngư trường quần đảo Hoàng Sa, cách bờ hơn 130 hải lý thì tàu cá của tôi bất ngờ bị hỏng máy. Rất may mắn là sau nhiều giờ trôi dạt, thông qua hệ thống thông tin liên lạc, tàu của anh đã được tàu cá QT 92819TS ở trong cùng tổ đội do ông Nguyễn Văn Trọng làm thuyền trưởng ứng cứu, hỗ trợ thu lưới và lai dắt về bờ an toàn. Theo anh Dũng, do vùng biển tàu cá của anh bị hỏng máy có độ sâu quá lớn nên không thả neo được, phao dù cũng bị đứt do trọng lượng của vàng lưới vây và tàu cá quá lớn. Nếu không được cứu hộ kịp thời thì không những phải chặt bỏ vàng lưới vây trị giá nhiều tỉ đồng mà còn khiến tàu cá gặp nguy hiểm.

Theo Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh Nguyễn Xuân Phương, từ khi các tổ hợp tác khai thác hải sản trên biển ở địa phương phát triển mạnh mẽ, ngư dân có thêm điều kiện liên kết làm ăn, nâng cao thu nhập trên từng chuyến biển, góp phần tăng sản lượng khai thác hải sản của địa phương. Bên cạnh đó, mô hình này còn giúp ngư dân xích lại gần nhau hơn, hỗ trợ chia sẻ với nhau những ngư trường mới giàu tiềm năng và cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho cơ quan chức năng, góp phần đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trên biển, gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Hoài Nam cho biết: Những năm gần đây, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng mô hình khai thác thủy sản trên biển theo hình thức tổ, đội hợp tác sản xuất trên biển với phương châm “4 cùng” (cùng ngư trường, cùng ngành nghề, cùng địa phương và cùng họ hàng thân thích) để hỗ trợ nhau trong sản xuất và tương trợ nhau khi có tình huống xấu xảy ra, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Qua đánh giá cho thấy, các tổ, đội hợp tác sản xuất trên biển đã giúp các đội tàu phát huy được sức mạnh tập thể trong khai thác hải sản, khắc phục được tình trạng sản xuất riêng lẻ như trước đây. Trong công tác cứu hộ, cứu nạn, các tổ, đội cũng phản ứng rất nhanh chóng do nắm vững ngư trường, có tần số liên lạc chung, thống nhất từ trước các quy ước, dấu hiệu để các tàu cá trong cùng tổ, đội có cách hỗ trợ, ứng cứu hiệu quả nhất.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=166807&title=doan-ket-de-bam-bien