Đoàn kết là động lực phát triển

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng, củng cố, giữ gìn khối đoàn kết thống nhất trong Đảng và dân tộc, coi đó là sinh mệnh, là vấn đề sống còn của Đảng, là nền tảng cho đại đoàn kết toàn dân tộc, là nhân tố tạo nên sức mạnh, quy luật tồn tại, phát triển của Đảng.

Bác căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân tộc ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”... Tuy nhiên, Bác cũng lưu ý: Đoàn kết, thống nhất trong Đảng không phải là “đoàn kết một chiều”, “dĩ hòa vi quý”, “cánh hẩu, phe cánh”, “bằng mặt mà không bằng lòng”... mà phải có lý, có tình, bằng tình thương yêu đồng chí, đồng bào; mỗi đảng viên phải gương mẫu thực hiện nói đi đôi với làm, đầu tầu gương mẫu trong mọi hành động, lời nói, việc làm...

Như vậy, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết thống nhất trong Đảng là cội nguồn tạo nên sức mạnh của Đảng, là nhân tố để phát huy cao độ trí tuệ và khả năng sáng tạo của những chiến sĩ tiền phong; là tiền đề để đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh to lớn, là động lực để phát triển. Muốn thực hiện được nhiệm vụ này, phải bắt đầu từ chi bộ và bắt đầu từ mỗi cán bộ, đảng viên, phải thực hành dân chủ rộng rãi; mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện, tự phê bình và phê bình để tiến bộ, tích cực phòng chống bệnh chủ nghĩa cá nhân... Do đó, muốn phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, lấy đoàn kết là động lực cho sự phát triển cần thiết phải xác định “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Luôn nêu gương, xây dựng đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, tương thân, tương ái, tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, về ý chí và hành động.

Bên cạnh đó, mỗi đảng viên phải luôn xác định bản thân là một nhân tố quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đảng viên, xây dựng chi bộ đoàn kết, trong sạch, vững mạnh. Trong học tập, làm theo và nêu gương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chi bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, tiên phong, làm gương trong việc làm, hành động.

Phải nhận thức rằng: Sức mạnh đoàn kết của chi bộ, cơ quan, đoàn thể được tạo nên bởi các thành viên biết bảo vệ, giúp đỡ, tương trợ, tôn trọng lẫn nhau, đoàn kết với nhau, tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển. Luôn đề cao tinh thần công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, công tâm, khách quan - những cơ sở quan trọng nhất bảo đảm sự đoàn kết. Thực tiễn đã chứng minh, chỉ có công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, công tâm, khách quan mới tạo ra và đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất. Nếu không, chỉ có đoàn kết xuôi chiều, bằng mặt nhưng không bằng lòng, nảy sinh tư tưởng, mâu thuẫn, nghi kị, mất niềm tin... phá hoại sự đoàn kết trong mỗi chi bộ, cơ quan, đơn vị, làm mất lòng tin của cán bộ, đảng viên vào tổ chức...

Việc xây dựng, giữ gìn, phát huy sức mạnh của đoàn kết trong chi bộ, cơ quan, đơn vị có ý nghĩa quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiếu đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, là cơ sở, tiền đề, điều kiện để chi bộ, cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải nỗ lực đoàn kết, dưới sự lãnh đạo của chi ủy, chi bộ, lãnh đạo cơ quan để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị đã đề ra. Việc này, từng chi bộ, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn quan tâm, rèn luyện và thực hành cho tốt!

Minh Tự

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/doan-ket-la-dong-luc-phat-trien-219356.htm