Đoàn kết xây dựng Lào Cai sớm trở thành tỉnh phát triển của khu vực phía Bắc Tổ quốc

Cách đây đúng 90 năm, ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Đây là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam đã đoàn kết toàn dân tộc, lãnh đạo cách mạng nước ta vượt qua bao thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngày nay đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Thực tiễn 90 năm qua đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy trò chuyện với bà con xã Bản Phố (Bắc Hà).

Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy trò chuyện với bà con xã Bản Phố (Bắc Hà).

Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai nêu cao tinh thần yêu nước, xây dựng và bảo vệ quê hương, góp phần giữ vững chủ quyền biên giới của Tổ quốc. Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn dắt, phong trào cách mạng ở địa phương đã chuyển sang giai đoạn mới. Ngày 5/3/1947, Đảng bộ tỉnh Lào Cai được thành lập. Từ đây, nhân dân Lào Cai, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh ra sức phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng cơ sở cách mạng, tiến hành cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt giải phóng quê hương. Ngày 1/11/1950 Lào Cai được giải phóng. Từ năm 1950 đến năm 1955, Tỉnh ủy Lào Cai đã lãnh đạo thực hiện thắng lợi 5 chiến dịch tiễu phỉ, giải phóng toàn bộ các vùng bị phỉ chiếm đóng, xây dựng, củng cố được chính quyền. Đi đôi với công tác tiễu phỉ, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo thực hiện toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, đồng thời đóng góp sức người, sức của vào Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Từ năm 1955 đến năm 1975, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi kinh tế, tăng cường sản xuất, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân; đón đồng bào miền xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới. Lào Cai vừa kiến thiết xây dựng, vừa huy động sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đồng chí Hà Thị Nga, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm mô hình trồng hoa hồng đạt hiệu quả kinh tế cao tại phường Bình Minh (thành phố Lào Cai).

Đồng chí Hà Thị Nga, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm mô hình trồng hoa hồng đạt hiệu quả kinh tế cao tại phường Bình Minh (thành phố Lào Cai).

Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa V, ba tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai hợp nhất thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Ngày 16/2/1976, tỉnh Hoàng Liên Sơn chính thức đi vào hoạt động. Thời kỳ 1976 - 1991, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo phát triển kinh tế, khai thác và sử dụng tốt tài nguyên, các điều kiện sẵn có, động viên mọi lực lượng ra sức đẩy mạnh sản xuất, xây dựng kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, tích cực xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể. Với đường lối đúng đắn, phù hợp, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc vượt qua những khó khăn, thử thách, đạt nhiều thành tựu, đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét, diện mạo nông thôn từng bước đổi mới.

Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 9 ngày 12/8/1991 của Quốc hội khóa VIII, tỉnh Hoàng Liên Sơn được chia thành hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Ngày đầu tái lập tỉnh Lào Cai (tháng 10/1991), tình hình mọi mặt của tỉnh rất khó khăn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, là tỉnh nghèo nhất cả nước, 1/3 số xã chưa có đường ô tô đến trung tâm, 7/10 huyện, thị chưa có điện lưới quốc gia; quy mô nền kinh tế nhỏ bé, lương thực bình quân đầu người chỉ đạt 184 kg/năm, thu ngân sách trên địa bàn cả năm mới đạt 19 tỷ đồng; 60% trẻ trong độ tuổi không được đến trường, 36 xã chưa có trạm y tế, hơn 11 nghìn người nghiện ma túy, trên 30% cán bộ xã không biết chữ; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 680 nghìn đồng/năm, có tới 55% số hộ thuộc diện đói nghèo, 80% dân số ăn ngô (mèn mén). An ninh biên giới, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội diễn biến phức tạp.
Trước những khó khăn, thách thức, với quyết tâm ra khỏi tỉnh nghèo, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Lào Cai, công cuộc đổi mới của tỉnh được tiến hành một cách toàn diện, hướng tới phát triển bền vững. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (năm 1992) và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (năm 1996) đề ra nghị quyết xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung khôi phục và nâng cấp kết cấu hạ tầng, phát triển mạnh nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo nền tảng vững chắc cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo.

Vùng cao đổi mới.

Vùng cao đổi mới.

Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh từ khóa XII đến khóa XV đã cụ thể hóa nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh bằng các chương trình công tác trọng tâm toàn khóa. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ, sự điều hành năng động của chính quyền, sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước ổn định và phát triển vững chắc. Sau 28 năm tái lập tỉnh, Lào Cai đã đạt được những thành tựu vượt bậc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trở thành tỉnh phát triển khá của các tỉnh miền núi phía Bắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,5%/năm. Cơ cấu và quy mô nền kinh tế chuyển dịch theo hướng: Giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Nông thôn Lào Cai có bước phát triển với 100% xã có đường ô tô và điện lưới đến trung tâm xã; 100% thôn, bản có đường giao thông liên thôn. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm và có bước phát triển vượt bậc. Quốc phòng, an ninh được củng cố. Quan hệ đối ngoại mở rộng, hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân được kết hợp hài hòa, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, tạo dựng hình ảnh tốt đẹp của tỉnh Lào Cai với các đối tác.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều đổi mới, sáng tạo, đột phá. Công tác tư tưởng luôn bám sát chủ trương đổi mới, được tiến hành đồng bộ, toàn diện về nội dung và phương pháp đã tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội. Bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được nâng lên. Từ 2 chi bộ đầu tiên với 25 đảng viên khi mới thành lập Đảng bộ, nhiều thôn, bản chưa có đảng viên, đến nay toàn Đảng bộ đã có 672 chi, đảng bộ cơ sở, 3.204 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, 48.002 đảng viên; 100% thôn, bản có chi bộ độc lập. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được thực hiện nghiêm túc. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa và đi vào chiều sâu. Tổ chức, bộ máy chính quyền và các cơ quan nhà nước được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Công tác cải cách hành chính có nhiều tiến bộ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn nằm trong tốp dẫn đầu toàn quốc. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.

Đặc biệt, năm 2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nghị quyết phấn đấu hoàn thành cơ bản các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, 4 chương trình, 19 đề án của Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản biên chế, tinh giản tổ chức, bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị, hoàn thiện các thủ tục thành lập thị xã Sa Pa. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thực hiện tốt công tác đối thoại, tiếp xúc với nhân dân và “Năm dân vận chính quyền”. Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai tiếp tục thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XII; tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011; 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt, triển khai, hướng dẫn tới cơ sở; thành lập 4 tiểu ban chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; chỉ đạo đánh giá, tổng kết các đề án trọng tâm nhiệm kỳ 2015 - 2020 và đề xuất xây dựng các đề án nhiệm kỳ 2020 - 2025…

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo, điều hành của HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng. Các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức đề ra, kinh tế của tỉnh có bước phát triển nổi bật, toàn diện, cao nhất từ trước đến nay. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 10,32%, đứng thứ 2 khu vực trung du và miền núi phía Bắc (sau tỉnh Bắc Giang). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, giảm tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; GRDP đạt 70,6 triệu đồng/người/năm, có thêm 7 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 9.400 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,79%, hiện còn 11,46%. Công tác an ninh, quốc phòng, nội chính, đối ngoại đảm bảo. Hệ thống chính trị được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Kết thúc năm 2019, tỉnh Lào Cai hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội đề ra, 27/27 chỉ tiêu Nghị quyết năm của Tỉnh ủy hoàn thành và hoàn thành vượt mức, trong đó 11 chỉ tiêu vượt, 16 chỉ tiêu đạt kế hoạch; so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, có 92% chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt; 7/25 chỉ tiêu đạt trên 90%, 2/25 chỉ tiêu đạt trên 80% - 90%. Các đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh đã cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị theo kế hoạch đề ra.

Phát huy truyền thống 90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam, 73 năm Đảng bộ tỉnh Lào Cai, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Lào Cai phấn đấu hoàn thành thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV đã đề ra, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Trong năm 2020, Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025; về đích các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và các chương trình, đề án, kế hoạch đề ra. Tập trung thực hiện Nghị quyết số 767/NQ-UBTVQH14 ngày 11/9/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “về việc thành lập thị xã Sa Pa và các phường, xã thuộc thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai”. Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Tiếp tục quan tâm hơn nữa đến vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy đảng cơ sở, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh và hệ thống chính trị vững mạnh; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Toàn Đảng bộ, cán bộ và nhân dân các dân tộc quyết tâm đoàn kết xây dựng Lào Cai sớm trở thành tỉnh phát triển của khu vực phía Bắc Tổ quốc.

Nguyễn Văn Vịnh
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/chinh-tri/doan-ket-xay-dung-lao-cai-som-tro-thanh-tinh-phat-trien-cua-khu-vuc-phia-bac-to-quoc-z1n20200107165059317.htm