Đoàn tụ

ĐBP - Bà Hương sắp xong mâm cơm đặt ngay ngắn lên trước ban thờ. Chục chiếc bát, chục đôi đũa, chai rượu trắng cùng mấy cái chén nhỏ uống rượu cũng được bày sẵn ở đó. Trên ban, đĩa trái cây được xếp đẹp đẽ, bình hoa cúc vàng xen bách nhật tím đặt về phía bên tay phải. Hai ly nước lọc đặt hai bên. Xong đâu đấy, bà ra ngoài hiên đỡ mẹ dậy:

- U ơi, xong cả rồi. U vào thắp hương nhé.

Cụ Cả đang ngồi dựa lưng vào cột hiên nhìn các cháu chắt của mình và hàng xóm chơi đùa, nghe mấy người cười nói chuyện trò, đôi mắt mờ đục thi thoảng lại hấp háy. Thấy con gái gật gật, nghe con nói câu được câu chăng nhưng cụ nhìn miệng mà đoán rằng mâm cơm cúng đã soạn xong. Cụ vịn theo bà Hương đứng dậy, lật đật bước theo con vào trong nhà. Bà Hương đốt ba nén hương đưa cho mẹ. Cụ Cả chỉnh lại khăn tóc, quần áo rồi đón lấy mấy que hương đang tỏa khói. Cụ chắp hai tay đưa ba que hương lên ngang ngực, miệng bắt đầu lầm rầm khấn vái:

- Cúi lạy hương hồn ông và các con. Từ ngày ông và các con nằm xuống, năm nào cũng ngày này tôi lại sắp mâm cơm quê đạm bạc mời ông và các con về đoàn tụ với gia đình, bà con lối xóm. Ông và các con có đồng đội bạn bè đi cùng xin mời cả về dùng cơm với nhà mình cho đông vui, ấm cúng...

Cụ Cả khấn xong, hương đã cháy gần nửa, mấy đoạn tàn rơi lả tả xuống ngay bên dưới, khói tỏa bảng lảng khiến đôi mắt cụ rưng rưng. Cụ đưa lại mấy que hương cho con gái cắm lên bát nhang lớn trên ban thờ rồi chậm chậm ngồi xuống chiếc tràng kỉ dài bên cạnh. Đôi tay cụ run run sắp bốn chiếc bát, bốn đôi đũa ra xung quanh mâm. Rót bốn chén rượu. Rồi cụ cười móm mém:

- Anh em đồng đội có về cùng thì thằng Cả báo cho u biết nhé. U chuẩn bị thêm.

Cụ ngồi đó, lặng lẽ. Lâu lâu lại mỉm cười rồi gật gật đầu như đang nghe ai đó kể chuyện. Cụ chẳng để ý gì đến con gái, mấy đứa cháu ngoại và mấy người hàng xóm lần lượt đến đốt hương lên ban thờ, thành kính thỉnh người đã khuất về dùng cơm.

Đôi mắt mờ đục của cụ vẫn chăm chú nhìn về phía trước. Rồi cụ lại thì thầm, lời nói như hơi thở, chỉ mình cụ nghe thấy:

- Ngày ông và thằng Cả đi, con cái Hương mới ba tuổi. Hai năm sau thằng Trung đi. Cha con ông cứ đi biệt, tôi đếm từng ngày chờ tin ông. Cha con ông đi mãi không về, càng ngày càng thưa tin. Lòng tôi nóng như lửa đốt nhưng vẫn tin đuổi hết giặc, cha con ông sẽ về. Rồi thằng Nam cũng đòi đi lính. Tôi không muốn cho nó đi. Nhà có ba cha con ông đi được rồi. Chính quyền họ cũng không yêu cầu. Mà nó cứ nằng nặc xin đi. Nó nói đất nước đang cần, nhiều cây góp thành rừng, cha anh xông pha trận mạc, nó ru rú ở nhà bên mẹ không cam. Nó muốn góp sức mình cho công cuộc đánh đuổi giặc thù...

Cụ Cả lặng người đi, hơi thở cứ đều đều, nhè nhẹ. Năm thằng con út cũng đòi đi lính, cụ đắn đo nhiều lắm. Cụ sợ. Một nỗi sợ mơ hồ và ngày một lớn dần nhưng cụ không dám nói ra. Cụ sợ nói ra rồi nó thành sự thật. Cụ cứ giữ trong lòng mà buồn phiền, day dứt để đến hôm tiễn con lên đường cùng bao đồng đội của nó cụ bật khóc nức nở. Nhìn con cười tươi rói bên đồng đội cụ lại càng quặn thắt cõi lòng. Nó thấy mẹ vậy còn nói chọc: “U cứ làm như con đi không bao giờ trở về nữa vậy” rồi nó nhe hàm răng trắng có chiếc răng khểnh ra cười. Chao ôi, nó càng làm nước mắt cụ chảy ròng ròng không dứt. Đường về nhà đâu có xa mà cụ mấy lần phải dừng lại. Không phải để nghỉ mệt mà để lau dòng nước mắt đang chan hòa, để nhìn rõ đường mà đi.

Ngày đó, chồng và con trai đi lính cả rồi. Đi chi viện cho miền Nam ruột thịt. Nhà chỉ còn hai mẹ con. Mỗi lần nhận được thư từ tiền tuyến bà Cả lại dừng hết công việc, ngồi nhẩn nha đọc. Đọc xong rồi lại ôm lá thư vào lòng như đang ôm hình hài người thân trước mặt. Có khi mỉm cười, có khi rưng rưng ngấn lệ. Rồi tin chiến thắng ngày một gần. Bà Cả chờ mong ngày gia đình đoàn tụ, chờ mong ngày được đón chồng con trở về.

Cụ Cả nhắm nghiền mắt, hai giọt nước mắt đùng đục rỉ ra. Hôm đó có hai lá thư gửi tới. Cụ vội vàng giục con gái mở ra đọc. “Kính gửi: Bà Trần Thị Gái... Chúng tôi đau đớn báo tin buồn để gia đình được biết. Đồng chí: Lê Văn Bắc, bí danh: Cả. Năm sinh... là chiến sĩ giải phóng quân... Nhập ngũ ngày... Hi sinh lúc 2 giờ, ngày... tại...”. Đôi tay con bé Hương run lên, những giọt nước mắt thi nhau rỏ xuống tờ giấy, nó khóc nấc lên, không thể đọc được nữa.

- U ơi, anh Cả... anh Cả hi sinh rồi.

Nó quay ra phía bà, hai bàn tay giữ chặt tờ giấy chìa ra. Điệu cười của bà Cả lúc mới nhận thư chuyển dần sang méo xệch theo từng lời con đọc. Bà như vẫn chưa tin vào những gì mình nghe thấy, vội cầm lấy tờ giấy. Đập vào mắt bà đầu tiên là dòng chữ “GIẤY BÁO TỬ”. Bà lảo đảo, vội vàng xé bao thư thứ hai. Đó sẽ là một bức thư của chồng hoặc thằng Nam, thằng Trung. Bà sẽ không viết thư báo cho bố con ông ấy biết là thằng Cả đã hi sinh để bố con ông yên tâm chiến đấu. Lá thư bóc ra, bà run run giở tờ giấy và ngã vật ra đất. Hương vội lao tới lay mẹ, nước mắt nó đầm đìa, khóc lớn: “Mẹ ơi! Anh Cả, anh Nam ơi!”.

Nhận tin báo tử của hai đứa con cùng một lúc, người mẹ nào chẳng đau xót, chẳng tan nát cõi lòng. Bà Cả tưởng như chết đi được. Bà nằm ốm rề rệt suốt cả tháng trời, nước mắt bà lúc nào cũng ri rỉ chảy quyện vào tóc tai, chăn gối. Tin chiến thắng ngày một nhiều, bà Cả nén nỗi đau, tự an ủi mình. Chiến tranh mà, có bao người mẹ như mình, họ vẫn mạnh mẽ sống, lao động sản xuất, góp phần làm hậu phương vững chắc. Thằng Cả bảo rồi: “U và em Hương phải luôn khỏe mạnh, bình an thì cha con con mới yên lòng đánh giặc được”. Bà gạt nước mắt, vực dậy tinh thần, chờ ngày đón chồng và thằng Trung trở về.

Ngày đất nước thống nhất, khắp nơi cờ và hoa. Bà Cả lên tận đầu xã để hòa vào dòng người đang phấn khởi, háo hức đón người thân của mình trở về. Những người lành lặn trở về, những người bị thương một phần thân thể bỏ lại nơi chiến trường cũng đã trở về, cả những người chỉ còn lại một mảnh giấy đưa về cũng đã về. Còn chồng và con bà? Bà hớt hải lội ngược dòng người để tìm. Bà ngó tận mặt tất cả những dáng hình thân quen “Trung ơi”, “Mình ơi”. Nhưng không phải... Không phải... Không phải... Tất cả đều không phải. Bà thất thểu trở về. Bước chân liêu xiêu trong gió chiều. Bà lo lắng, bà sợ nhưng bà vẫn nuôi hi vọng.

Rồi một buổi chiều, bà đang bần thần ngồi ngoài bậu cửa chải tóc. Mắt cứ dõi ra ngoài đầu ngõ như trông chờ một điều gì đó. Bà vội đứng bật dậy khi thấy một anh bộ đội bước vào. Nụ cười trên môi bà chưa kịp hé nở thì vụt tắt khi nhận ra đó không phải là con hay chồng bà. Người thanh niên ấy cúi chào bà, hỏi tên bà rồi giới thiệu là bạn chiến đấu với đồng chí Lê Văn Trung… Tai bà ù đi. Bà đã đoán ra điều gì đó rồi. Điều mà bà không bao giờ mong muốn. Bà đón lấy chiếc ba lô từ tay người thanh niên ấy. Chầm chậm mở ba lô, lấy từng món đồ ra. Dưới đáy ba lô là một phong thư, một cuốn nhật kí. Bà xé phong thư: “GIẤY BÁO TỬ… Đồng chí Lê Văn Trung… Bà không đọc nữa. Như vậy thôi cũng đủ rồi. Bà ôm tất cả vào lòng: lá thư, chiếc ba lô, bộ quần áo của con… Rồi sau đó bà lại nhận được giấy báo tử của ông từ đơn vị gửi về. Mắt bà không rơi một giọt lệ. Bà không gào khóc như cái lần nhận tin hai con đã hi sinh. Bà không còn sức để khóc nữa. Bà cứ ngồi như vậy, lòng quặn đau nhưng lại lặng im như hóa đá.

Cụ Cả ngồi lặng im như hóa đá. Bà Hương thấy vậy thì ngồi xuống bên cạnh lay lay:

- U! U ơi! U mệt chưa, con đỡ vào giường nằm nghỉ nhé.

Cụ Cả từ từ mở mắt. Rồi khó nhọc chống tay ngồi ngay dậy. Cụ nhìn nén hương trên mâm cơm cúng đã cháy gần hết rồi thở hắt ra:

- Hai lần tôi nhận hung tin về bốn cha con ông. Hai lần mà nỗi đau tăng lên gấp bội. Cuối cùng tôi cũng yên tâm vì đã đưa được tất cả bốn cha con ông về với đất quê.

Cụ Cả vịn tay con gái đứng dậy chầm chậm bước theo con vào buồng nằm nghỉ. Cụ đặt mình, gối đầu ngay ngắn, hơi thở đều đều rồi chầm chậm chìm vào giấc ngủ. Đến khi hương đã cháy hết. Cả nhà lục đục dọn cơm, bà Hương vào gọi mẹ dậy ăn cơm, gọi mãi, gọi mãi cụ không tỉnh. Bỗng bà Hương kêu lên:

- U ơi!

Mọi người vội chạy vào. Mắt bà Hương ngân ngấn lệ:

- U đi rồi. U đi thật rồi! U đã về đoàn tụ cùng thầy và các anh rồi.

Truyện ngắn của Trương Thị Thúy

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/van-hoa/188841/doan-tu