Doanh nghiệp bán lẻ nỗ lực bình ổn trong 'bão giá'
Dù chịu áp lực về yêu cầu tăng giá từ các nhà cung cấp nhưng nhiều doanh nghiệp bán lẻ vẫn đang tìm các giải pháp để bình ổn thị trường hàng hóa, đồng thời khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.
Liên tiếp trong thời gian gần đây, cùng với việc giá xăng liên tục tăng và thiết lập đỉnh mới, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng đều tăng đã ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp và đời sống người dân.
Khảo sát một số chợ dân sinh và chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như; lương thực, thực phẩm, rau củ quả trong thời gian qua đều trong tình trạng tăng theo giá xăng.
Chị Nguyễn Oai (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, hiện tại nhiều loại rau củ, thực phẩm tăng giá từ 10-30% so với tháng trước. Mỗi lần đi chợ, chị cũng cần phải cân đối chi tiêu cho hợp lý bởi thu nhập không tăng mà các loại mặt hàng đều tăng giá. Theo chị Oai, hiện tại một số loại rau, thực phẩm tại chợ còn đắt hơn cả trong siêu thị.
"Các mặt hàng như nước giặt, nước xả, dầu ăn... tôi thường mua trong siêu thị vì hay có chính sách khuyến mại, giảm giá. Tôi vừa mua ba túi nước giặt theo chương trình mua 2 tặng 1 để dùng dần, như vậy cũng góp phần giảm chi phí sinh hoạt", chị Oai cho hay.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều hệ thống siêu thị lớn khẳng định đang đàm phán với nhà cung cấp để giữ giá bình ổn để người tiêu dùng mua hàng hóa với giá tốt nhất có thể... Bên cạnh đó, nhiều đơn vị bán lẻ còn chủ động lên các chương trình khuyến mại, giảm giá một số mặt hàng để kích cầu tiêu dùng.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc vận hành Hệ thống siêu thị WinMart cho biết, thời gian qua, giá xăng leo thang đã dẫn đến biến động chung trong toàn thị trường, giá cả các mặt hàng trong hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart+ cũng ít nhiều bị ảnh hưởng do áp lực từ các nhà cung cấp.
Thực tế, việc điều chỉnh giá nhiều nhất ở các sản phẩm dầu ăn, còn lại các mặt hàng khác có sự biến động không đáng kể như thủy hải sản, thực phẩm khô khoảng 5%.
“Tình hình biến động giá mạnh do giá xăng dầu tăng cao cũng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của các đơn vị cung ứng, chúng tôi cũng đã nhận được đề nghị điều chỉnh giá của rất nhiều nhà cung cấp. Tuy nhiên, WinCommerce vẫn đang chủ động đàm phán cùng đối tác nhằm trì hoãn việc tăng giá, đặc biệt với nhóm hàng nhu yếu phẩm. Mặt khác chúng tôi chủ động được về nguồn cung rau củ và thịt tươi từ WinEco, MeatDeli nên hiện giá bán các sản phẩm này vẫn chưa có biến động”, ông Nguyễn Trọng Tuấn cho hay.
Đại diện WinMart cho biết, siêu thị vẫn duy trì đàm phán, phối hợp với các đối tác, nhà cung cấp nhằm nỗ lực kìm giá như tổ chức làm việc với các nhà cung cấp địa phương để thu mua sản phẩm trực tiếp với giá tốt, cắt giảm các chi phí trung gian không cần thiết. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động cam kết số lượng lớn để tạo đầu ra ổn định cho các nhà sản xuất, nhà cung cấp, đồng thời giữ giá cả ổn định đến tay khách hàng.
“Đặc biệt, chúng tôi cũng chủ động sản xuất những sản phẩm nhãn hàng riêng như WM Good, WM Home, WM Cook, WM Care, WinEco với quy trình khép kín, đảm bảo kiểm soát được chất lượng đầu ra và giá thành ổn đinh. Bên cạnh đó, WinMart/WinMart+ cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá định kỳ 2 lần một tháng trên hàng trăm mặt hàng thiết yếu cho khách hàng, với mong muốn hỗ trợ người tiêu dùng an tâm mua sắm trong giai đoạn biến động giá này. Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với các địa phương trên cả nước tổ chức những tuần hàng nông sản với nhiều khuyến mại nhằm quảng bá đặc sản vùng miền”, ông Tuấn cho biết.
Tương tự, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG cho biết, thời gian qua nhiều nhà cung cấp gửi công văn đề xuất tăng giá đến hệ thống, doanh nghiệp đã đàm phán với các nhà cung cấp làm sao có lộ trình tăng giá phù hợp với khả năng chi tiêu của khách hàng, không tăng giá quá đột biến.
“Tuy nhiên, với vai trò của doanh nghiệp chỉ có thể hạn chế nhất định chứ không thể kiểm soát được đề xuất của nhà cung cấp tăng giá. Vì vậy chúng tôi mong muốn Chính phủ có những hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, vận tải để tiết giảm chi phí liên quan vận tải, giao nhận ảnh hưởng đến nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể cắt giảm bớt chi phí sản xuất, hỗ trợ khách hàng có giá thành phù hợp hơn”, bà Nguyễn Thùy Dương đề xuất.
Đại diện BRG cho biết, hiện tại với những mặt hàng thiết yếu như gạo, trứng… so với ngành hàng khác thì mức tăng là thấp nhất, còn nhóm dầu ăn do thiếu hụt nguồn cung trên thế giới và dầu ăn nhập khẩu bị hạn chế do cước tăng và sản xuất của doanh nghiệp trong nước hạn chế nên tăng 10-15% còn nhóm khác mà doanh nghiệp trong nước sản xuất được thì mức tăng nhẹ hơn, mức tăng từ 5-10%.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op nhận định, những biến động trên thị trường quốc tế và trong nước khiến công tác bình ổn giá trở nên thách thức hơn, buộc doanh nghiệp phải thay đổi cách làm. Vì thế, bình ổn giá hiện nay không đơn thuần là kiểm soát về mặt giá cả mà cần có sự tập hợp nhiều ngành công nghiệp khác nhau, kể cả ngành dịch vụ, tiêu dùng, du lịch... Hiện phía Co.op Mart đã chuẩn bị lượng hàng tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 50-100% so với đầu năm 2022 để đảm bảo nguồn hàng ổn định, tránh biến động giá.
Đại diện Công ty TNHH Ba Huân cho hay, Công ty đã phải xây dựng các điểm trung chuyển hàng hóa, mở các cửa hàng gần hệ thống phân phối để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, tiết kiệm chi phí khi giá xăng dầu tăng.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp cho biết sẽ chú trọng hơn vào việc đóng gói bao bì, sắp xếp lại sản phẩm sao cho phù hợp với hình thức bán trực tuyến. Theo một khảo sát mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, phần đông người tiêu dùng đang thay đổi hành vi mua sắm do quan ngại về giá cả, trong đó họ sẽ chú trọng nhiều hơn đến mua sắm trực tuyến và giao hàng tại nhà. Do đó, các doanh nghiệp phải nắm bắt xu thế này để không chỉ bình ổn về giá cả mà còn hướng đến đúng nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong bối cảnh giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh dẫn đến việc giá cả hàng hóa không ngừng tăng theo, giải pháp kích cầu quan trọng nhất lúc này là các doanh nghiệp cần bảo đảm chất lượng hàng hóa và tăng ưu đãi cho khách hàng.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu nội địa, trọng tâm vào các tháng 7 và tháng 11/2022. Theo đó, trong tháng 7 và tháng 11/2022, dự kiến có khoảng 25.000 chương trình khuyến mại.
Đồng thời, thành phố cũng sẽ phối hợp cùng các doanh nghiệp bán lẻ đảm bảo cung cấp đủ lượng các mặt hàng thiết yếu và cố gắng giữ bình ổn giá cả thị trường.