Doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, đá quý
Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được phép thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư kim khí quý, đá quý, đầu tư chứng khoán phái sinh hoặc hợp đồng phái sinh.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, sáng 16/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với 468/474 đại biểu Quốc hội tán thành (chiếm 94.18% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết).
Doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư bất động sản, tài sản cố định vô hình
Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) quy định về tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh.
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Đáng chú ý, tại Điều 99 của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) quy định chung về đầu tư. Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được phép thực hiện các hoạt động đầu tư sau đây:
Kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp: mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của Quỹ đại chúng; mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng; nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nắm giữ;
Đầu tư kim khí quý, đá quý;
Đầu tư tài sản cố định vô hình, trừ trường hợp phục vụ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp, chi nhánh;
Đầu tư chứng khoán phái sinh hoặc hợp đồng phái sinh, trừ trường hợp chứng khoán phái sinh niêm yết nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm và từ danh mục đầu tư chứng khoán doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam đang nắm giữ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo tiếp thu, giải trình về dự án Luật.
Không quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị không quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm; Một số ý kiến khác đề nghị giữ quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đối với các ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, cụ thể: Phương án 1: Không quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm (Đồng ý: 250/498 chiếm 50,20%); Phương án 2: Giữ quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm (Đồng ý: 167/498 chiếm 33,53%); Không chọn phương án: 00/498 chiếm 0,00%); Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu theo hướng không quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm tại dự thảo Luật. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết về việc quản lý và sử dụng số dư của Quỹ tại điều khoản chuyển tiếp (khoản 5 Điều 157).
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến cho rằng khoản 1 nên bổ sung quy định Nhà nước phải có chính sách bảo vệ người mua bảo hiểm thay vì chỉ quy định Nhà nước khuyến khích hoặc tạo điều kiện. Do đó, đề nghị bổ sung trách nhiệm của Nhà nước phải có chính sách bảo vệ đối với người mua bảo hiểm nhân thọ trong quan hệ đối với các tổ chức hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Báo cáo, giải trình ý kiến này, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, các chính sách để bảo vệ bên mua bảo hiểm đã được quy định cụ thể tại các điều, khoản trong dự thảo Luật (Quy định tại khoản 1 Điều 21 về quyền của bên mua bảo hiểm; Điều 24 về giải thích hợp đồng bảo hiểm; khoản 2 và khoản 4 Điều 26 về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm; khoản 1 Điều 28 về chuyển giao hợp đồng bảo hiểm; các điều 30, 31, 35, 36, 37… của dự thảo Luật).
So với Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, dự thảo Luật đã bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung quy định về quản trị rủi ro, an toàn tài chính, biện pháp can thiệp sớm, biện pháp kiểm soát… để bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm. Các quy định này chính là điều kiện để bảo đảm “sức khỏe” của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, an toàn, từ đó bảo vệ quyền và lợi ích của bên mua bảo hiểm tốt hơn.
Tiếp đó, có ý kiến đề nghị làm rõ vì sao chỉ có ba loại hình bảo hiểm. Hiện nay, dư địa để phát triển thị trường trong nước còn rất nhiều loại hình bảo hiểm. Thời gian qua, tăng trưởng trong lĩnh vực bảo hiểm tương đối tốt và có nhiều tiềm năng để phát triển. Tương lai sẽ có nhiều loại hình khác phát triển nếu quy định cứng 3 loại hình như dự thảo Luật là không phù hợp.
Theo ông Vũ Hồng Thanh báo cáo, việc phân chia các loại hình bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, sức khỏe là căn cứ trên tính chất đặc thù hoạt động, đối tượng bảo hiểm của mỗi lĩnh vực cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong tương lai, nếu có sản phẩm bảo hiểm thương mại mới thì các sản phẩm này cũng chỉ thuộc một trong ba loại hình bảo hiểm là nhân thọ, phi nhân thọ hoặc sức khỏe.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết các nghiệp vụ bảo hiểm thuộc mỗi loại hình, bao gồm cả các nghiệp vụ bảo hiểm mới có thể phát sinh trong tương lai.