Doanh nghiệp cần chuẩn bị 'sức khỏe' để đón sóng phục hồi
'Trong bối cảnh khó khăn đang bủa vây tất cả các ngành, các lĩnh vực, doanh nghiệp nên chuyển sang trạng thái 'ngủ đông', đồng thời cần chuẩn bị nguồn lực để phục hồi sau khủng hoảng', ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhìn nhận.
*Thưa ông, hiện nay doanh nghiệp (DN) đã dễ dàng tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 hay chưa?
- Ông Đặng Hồng Anh: Hiện nay, Chỉ thị số 11 CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cùng rất nhiều các Nghị định, chính sách của các bộ, ban ngành đã và đang hỗ trợ rất tích cực và thiết thực cho các DN trong khủng hoảng dịch bệnh.
Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng các cơ quan chức năng đang tính xuôi, tức là sau khi lắng nghe và xem xét các báo cáo thống kê thì lập tức chọn các ngành chịu tác động nặng nề nhất như hàng không, du lịch để áp dụng việc giảm lãi, giãn nợ. Một thời gian sau lại xuất hiện thêm một số ngành khác gặp khó khăn, lại tiếp tục hỗ trợ. Dù vậy, không phải ngành nào cũng dễ dàng tiếp cận được các gói hỗ trợ, cụ thể là gói tín dụng 250.000 tỷ đồng mà Thủ tướng yêu cầu ngành Ngân hàng (NH) chuẩn bị.
*Nếu vậy cần sàng lọc các nhóm ngành nghề như thế nào để các gói hỗ trợ đến đúng DN cách sớm nhất?
- Theo thực tiễn và kinh nghiệm đồng hành cùng các DN, tôi thấy cần phải thực hiện cách tính ngược. Tức là đầu tiên cần xem tất cả các ngành nghề bị ảnh hưởng, sau đó xem các ngành nghề không bị ảnh hưởng như thực phẩm (mì gói) và trang thiết bị y tế (khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn)...
Sau khi loại ra các nhóm ngành không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các giải pháp hỗ trợ cho nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất cần phải được thực hiện khẩn cấp như miễn giảm và giãn nợ thuế đến cuối năm 2020; giảm lãi vay đến 5%, thậm chí bằng 0; giãn nợ vay NH; tạm dừng đóng các loại bảo hiểm đến cuối năm… Những nhóm ngành chịu ảnh hưởng nhẹ hơn có thể được giảm lãi vay NH từ 1-2%, cơ cấu lại thời gian trả nợ NH mà không bị chuyển nhóm nợ để có thể tiếp tục vay mới.
Các giải pháp cần rõ ràng, cụ thể, đúng đối tượng và phù hợp tiềm lực để DN không thấy mông lung. DN chỉ cần gửi văn bản cho cục thuế và NH, nêu rõ lý do là lập tức được giải quyết. Được như vậy sẽ hạn chế cơ chế “xin - cho”.
*Nhiều DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa (SME), DN khởi nghiệp than thở không dễ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ NH, nhất là thời gian này còn khó khăn hơn?
- Hiện nay ai cũng gửi hồ sơ, bài toán đặt ra là duyệt thế nào? Không có giải pháp căn cơ thì sẽ có bất cập. Một DN gửi hồ sơ vay vốn đến một NH thân thiết chắc chắn sẽ được ưu tiên. Bản thân tôi cũng đi vay, có NH làm liền, cũng có nơi "ngâm" hồ sơ, lơ luôn hoặc nếu cho vay thì biên độ giảm mà mình không biết họ dựa vào tiêu chí gì.
Đi vay cũng phải tác động đến lãnh đạo NH, họ mới gọi đến chi nhánh, xem xét hồ sơ nhanh mới được hỗ trợ chứ không đơn giản bởi các chi nhánh cũng có chỉ tiêu, hiệu quả kinh doanh…
Nói đến giảm lãi là ảnh hưởng đến lợi nhuận của NH, nó xung đột lợi ích ngay lập tức nên NH phải cân nhắc. Do đó, cần cụ thể hóa chính sách từ NHNN để có những giải pháp hạ lãi suất cơ bản, có cơ chế bù cho các NH hoặc nới tăng trưởng tín dụng, để các NH kiếm nguồn bù lại khoản đã giảm cho DN… Hơn thế, cần có những mệnh lệnh hành chính như có những ngành hàng nào không tính lãi hoặc chỉ tính lãi bao nhiêu % mới rõ ràng.
Bên cạnh đó, các NH phải trích ra bao nhiêu % để cho DN vừa và nhỏ vay, điều kiện vay ra sao…? Ví dụ như hàng không, du lịch thiệt hại nhiều thì ban hành cụ thể và nên giảm luôn. Với những ngành thiệt hại ít hơn thì giảm từ 0,5 hoặc 1-2%.
Có rõ ràng và minh bạch như vậy, các DN SME mới có cơ hội tiếp cận, còn không sẽ nhiêu khê và khi NH thẩm định, họ sẽ đưa ra các điều kiện sẽ rất khó để vay. “Sức khỏe” DN bây giờ tính bằng ngày, không còn tính bằng tháng nữa nên biện pháp thiết thực nhất là giảm, giãn nợ để không sợ bị nhảy nhóm, những giải pháp này phải nhanh chóng để áp dụng ngay vào thực tiễn cứu DN.
*Trong lúc này, nhiều DN đã thực hiện kế hoạch “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm tối đa trong khả năng, nhiều nơi còn giảm nhân sự, giảm lương công nhân. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Theo tôi, một số nhóm chi phí có thể thực hiện được ngay gồm chi phí nhân sự, chi phí điện nước, văn phòng phẩm, chi phí tiếp thị, thuế… Trong đó, nhóm chi phí nhân sự chia làm 3 nhóm gồm: không thể cắt giảm, có thể cắt giảm và cắt giảm ngay lập tức.
Nhóm không thể cắt giảm gồm cán bộ lãnh đạo chủ chốt, thâm niên thì vận động tạm dừng nhận lương và phụ cấp trong 6 tháng, treo khoản lương và trợ cấp nhận sau khi khủng hoảng kết thúc và hoạt động kinh doanh có doanh thu. Đồng thời giảm số ngày làm việc mỗi tuần.
Nhóm có thể cắt giảm gồm những nhóm trực tiếp tạo ra doanh thu, tạm dừng nhận 50% lương và phụ cấp, giữ ở mức duy trì cơ bản cuộc sống, treo khoản lương và trợ cấp nhận sau khi khủng hoảng kết thúc và hoạt động kinh doanh có doanh thu. Đồng thời giảm số ngày làm việc mỗi tuần.
Nhóm chi phí thuế, DN nên xin miễn giảm và hoãn nộp tất cả các loại thuế, phí (BHXH, phí công đoàn, thuế VAT…) đến khi kết thúc khủng hoảng và kinh doanh phục hồi.
*Ông có nhắc đến giải pháp “ngủ đông”. Giải pháp đó cụ thể như thế nào để giúp DN vượt qua khủng hoảng?
- Tôi cho rằng DN nên chuyển sang trạng thái “ngủ đông”. Lý do là dù DN bị giảm doanh thu hoặc không có kéo theo biến phí giảm, nhưng định phí vẫn giữ nguyên khiến mất cân đối thu chi. Ngoài ra, lợi nhuận âm, DN phải lấy quỹ dự phòng để duy trì dòng tiền. Thời điểm này nếu DN mất thanh khoản, mất vốn, thiếu nguồn lực là sẽ mất hết cơ hội. Do vậy DN cần chuẩn bị nguồn lực và “sức khỏe”, chờ thời cơ để phục hồi.
Đối với DN, tối kỵ sử dụng các khoản vay NH để duy trì thanh khoản và dòng tiền trong lúc khủng hoảng. Các khoản vay nên dùng để phục hồi kinh doanh sau khi khủng hoảng kết thúc.
Thực hiện các giải pháp “ngủ đông” sẽ giúp DN duy trì được dòng tiền tối thiểu, giữ được bộ máy chủ chốt hoạt động để có thể phục hồi kinh doanh ngay sau khi kết thúc khủng hoảng.
Lúc này, khi chưa biết khủng hoảng bao giờ kết thúc thì giải pháp “ngủ đông” là cần thiết và cấp bách cho tất cả các doanh nghiệp lớn hay nhỏ, dù có hay không có áp lực mất thanh khoản hay khủng hoảng dòng tiền.