Doanh nghiệp chậm đóng BHXH có thể bị phạt tới 30 triệu đồng

Ông Nguyễn Khắc Thuyên (thuyennk@...) đã có Quyết định nghỉ hưu của Công ty Cổ phần xi măng Thăng Long nhưng do Công ty còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) nên cơ quan BHXH chưa thể hoàn thiện hồ sơ hưởng lương hưu cho ông. Vậy, trong trường hợp này, ông Thuyên phải làm gì?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của ông Thuyên như sau:

Theo quy định của pháp luật về BHXH, hàng tháng, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng, Công ty có trách nhiệm trích tiền đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH.

Tại khoản 3, Điều 138 Luật BHXH quy định: Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm pháp luật nhưng không đóng BHXH; đóng BHXH không đúng thời gian quy định; đóng BHXH không đúng mức quy định; đóng BHXH không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải đóng số tiền lãi của số tiền chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH trong năm.

Trong trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện quyết định xử phạt của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này.

Việc xử lý hành vi chậm đóng BHXH của người sử dụng lao động tại Điều 9 Nghị định số 86/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ quy định phạt tiền bằng 0,05% mức đóng theo quy định của pháp luật BHXH cho mỗi ngày chậm đóng, nhưng tối đa không quá 30 triệu đồng. Kèm theo là biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc truy nộp số tiền BHXH trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt;

- Buộc đóng số tiền lãi của số tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH trong năm trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt.

Việc xử lý hành vi của người sử dụng lao động không làm thủ tục (lập hồ sơ hoặc văn bản) để đề nghị cơ quan BHXH giải quyết chế độ hưu trí trước 30 ngày, tính đến ngày người lao động đủ điều kiện nghỉ việc hưởng hưu trí được quy định tại Điều 14 Nghị định số 86/2010/NĐ-CP như sau:

- Cảnh cáo;

- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động. Kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả là buộc lập, hoàn thiện thủ tục đề nghị cơ quan BHXH giải quyết chế độ BHXH cho người lao động trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt.

Trường hợp ông Nguyễn Khắc Thuyên đã có quyết định nghỉ hưu, nhưng do Công ty còn nợ tiền đóng BHXH nên cơ quan BHXH chưa chốt sổ để làm hồ sơ hưởng lương hưu hàng tháng cho ông. Theo quy định tại Điều 56 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ông Thuyên cần khiếu nại lần đầu tới Giám đốc Công ty cổ phần xi măng Thăng Long yêu cầu đóng BHXH còn nợ để cơ quan BHXH chốt sổ BHXH, tính, trả lương hưu cho ông. Nếu khiếu nại không được Giám đốc công ty giải quyết thì ông Thuyên có thể gửi đơn khiếu nại tới Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết.

Khi hành vi vi phạm pháp luật về BHXH của Công ty bị phát hiện, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính (quy định tại Chương III, Nghị định 86/2010/NĐ-CP) sẽ áp dụng hình thức phạt tiền và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi chậm đóng BHXH.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/doanh-nghiep-cham-dong-bhxh-co-the-bi-phat-toi-30-trieu-dong/20127/143190.vgp