Doanh nghiệp châu Âu hứng khởi với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và thịnh vượng ở Việt Nam

Kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và ổn định đang tạo ra sự hứng khởi với các doanh nghiệp châu Âu trong việc đầu tư ở Việt Nam. Với sự ủng hộ và cam kết từ các doanh nghiệp châu Âu, Việt Nam có nhiều cơ hội để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và thịnh vượng.

Việt Nam đang mang lại nhiều cơ hội

Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ vừa tổ chức tọa đàm với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) để thảo luận về các cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, môi trường và Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh EU Nguyễn Văn Thảo phát biểu tại tọa đàm

Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh EU Nguyễn Văn Thảo phát biểu tại tọa đàm

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch EuroCham Dominik Meichle cho biết, chỉ số niềm tin kinh doanh của Việt Nam do EuroCham thường xuyên công bố cho thấy tâm lý tích cực. Ông nhận xét: “Chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang mang lại nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp của chúng tôi”. Ông Meichle cũng nhấn mạnh những điểm mạnh của Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài như môi trường đầu tư ổn định, lực lượng lao động được đào tạo tốt, chính phủ đối thoại cởi mở với doanh nghiệp. Nhờ vậy, triển vọng của Việt Nam hiện nay và trong tương lai được đánh giá là rất tích cực.

Còn theo ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham phụ trách chính sách, nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và ổn định. Ông Bouflet cho hay: “Tất cả chúng tôi tại EuroCham đều rất hào hứng với triển vọng ở Việt Nam”. Ông Bouflet khẳng định cam kết của EuroCham trong việc duy trì và tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa châu Âu và Việt Nam. Ông cũng đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế. Ông cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển trong tương lai, bao gồm vị trí địa lý thuận lợi, lực lượng lao động chất lượng cao và giá cả cạnh tranh.

Đầu tháng 4-2024, EuroCham đã cho công bố Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) do Decision Lab thực hiện, cho thấy niềm tin mạnh mẽ của các doanh nghiệp châu Âu vào nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, chỉ số hàng quý đạt 52,8 trong quý I-2024, ghi nhận mức cao nhất kể từ năm 2022. Theo khảo sát, các doanh nghiệp châu Âu đang đánh giá Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư hàng đầu. Đáng kể, 54% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết, nhiều khả năng sẽ giới thiệu Việt Nam cho các doanh nghiệp nước ngoài khác với mức xếp hạng từ 8 trở lên trên 10. Điều này nhấn mạnh sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, đồng thời cũng gợi ý tiềm năng tăng thêm vị thế của Việt Nam đối với các nhà đầu tư.

Theo số liệu kinh tế quý II-2024 và 6 tháng đầu năm 2024 mà Tổng cục Thống kê mới công bố, tăng trưởng GDP quý II-2024 của Việt Nam cán mốc gần 7%, cao hơn 0,73 điểm phần trăm so với mức tăng 6,2% của Kịch bản tăng trưởng cao đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP và tăng cao hơn cận trên của kịch bản mục tiêu cập nhật sau quý I-2024 là 0,61 điểm phần trăm. Kết quả này đạt được chủ yếu dựa vào các yếu tố động lực như sản xuất trong nước khôi phục khá tốt, tiêu dùng trong nước có xu hướng cải thiện; tăng trưởng vốn đầu tư công tạo lan tỏa tới đầu tư ngoài Nhà nước và khu vực FDI; xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng cao.

EU hiện là đối tác quan trọng của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ năm 2020 đã thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế thương mại giữa hai bên. Cụ thể, năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 58,5 tỷ USD; kim ngạch quý I-2024 đạt gần 16 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ 2023, trong đó xuất khẩu đạt 12,2 tỷ USD (tăng 17,2%) và nhập khẩu đạt 3,7 tỷ USD (tăng 11,7%). Về đầu tư, tính đến ngày 20-5-2024, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU tại Việt Nam đạt 29,88 tỷ USD với 2.571 dự án, chiếm 6,21% tổng vốn đăng ký FDI tại Việt Nam. EU đứng thứ 6/146 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam.

Tháo bỏ rào cản từ các thủ tục pháp lý

Triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam đã khiến các doanh nghiệp châu Âu bày tỏ sự lạc quan về kinh tế Việt Nam trong cả ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, theo Chủ tịch EuroCham Dominik Meichle, dù có tiềm năng kinh tế to lớn nhưng chìa khóa để hiện thực hóa tiềm năng đó một cách trọn vẹn thì Việt Nam phải giải quyết các thách thức pháp lý. Ông Dominik phân tích: “Việc đơn giản hóa thủ tục và thiết lập các quy định minh bạch hơn sẽ giúp cả doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài thành công. Điều này sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu trong khu vực, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trong nước, thu hút vốn quốc tế và tăng cường quan hệ đối tác kinh tế”.

Kết quả một cuộc khảo sát của EuroCham cho biết, 52% số người được hỏi xác định “gánh nặng hành chính và sự kém hiệu quả của bộ máy” là một trong ba rào cản hàng đầu. Điều này nêu bật ảnh hưởng của sự quan liêu đối với hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, 34% doanh nghiệp nhấn mạnh “các quy tắc, quy định không rõ ràng và được giải thích khác nhau” cũng là một thách thức lớn, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc rõ ràng và nhất quán trong khuôn khổ pháp lý.

Đảm bảo giấy phép và các phê duyệt cần thiết cũng là mối quan tâm của 22% số người được hỏi. Điều này chỉ ra những rào cản về thủ tục trong hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, 20% cho rằng “thiếu chuyên gia địa phương có trình độ chuyên môn trong các lĩnh vực chuyên ngành” là một vấn đề quan trọng, vì vậy khoảng cách về nguồn nhân lực cần được cân nhắc và giải quyết. Thêm vào đó, 19% công ty nhận thấy các quy định về thị thực, giấy phép lao động và quy định lao động đối với người nước ngoài’ là thách thức, phản ánh sự phức tạp của việc quản lý lực lượng lao động quốc tế theo hệ thống pháp luật hiện hành.

Để thu hút thêm đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp châu Âu cho rằng, Việt Nam cần phải có một số cải cách quan trọng, các thủ tục pháp lý cần đơn giản, hợp lý để giúp doanh nghiệp dễ dàng gia nhập thị trường, đồng thời hạn chế tính quan liêu. Nhà nước cần tăng cường khung pháp lý, luật pháp cần rõ ràng và nhất quán để tạo ra môi trường đầu tư có thể dự đoán được. Bên cạnh đó, cần cải thiện đường sá, bến cảng và cầu để hỗ trợ thương mại và hậu cần. Điều này cũng sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu trong khu vực, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trong nước, thu hút vốn quốc tế và tăng cường quan hệ đối tác kinh tế.

Về phía EU, để đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam, EuroCham cần thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) tháo gỡ “thẻ vàng” IUU cho Việt Nam liên quan đến khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Đây là cơ hội cho ngành khai thác thủy sản Việt Nam chuyển đổi từ nghề cá nhân dân, quy mô nhỏ sang phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững, thể hiện trách nhiệm của đất nước, giữ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Cuối tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay, đoàn công tác của EC sẽ vào Việt Nam và hy vọng vấn đề “thẻ vàng” sẽ được giải quyết. EU cũng có thể trợ giúp Việt Nam trong các lĩnh vực như kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, môi trường…

HOÀNG SƠN

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/doanh-nghiep-chau-au-hung-khoi-voi-muc-tieu-phat-trien-kinh-te-ben-vung-va-thinh-vuong-o-viet-nam-post582025.antd