Doanh nghiệp điện tử Việt đang ở cuối 'đồ thị nụ cười'

Xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam được định vị ở phần giá trị gia tăng thấp của chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này có nghĩa, các nhà cung cấp Việt Nam ở cuối 'đồ thị nụ cười' của chuỗi cung ứng, chỉ sản xuất linh kiện đầu vào bậc thấp, sản xuất lắp ráp một số sản phẩm đơn giản. Trong khi đó, các khâu quan trọng của chuỗi sản xuất như R&D, thiết kế, logistics, tiếp thị, bán hàng đều thuộc các doanh nghiệp FDI...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những năm gần đây, tốc độ phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông mỗi năm tăng từ 6-9% và thường vượt tốc độ tăng trưởng GDP cả nước. Cụ thể, năm 2022 doanh thu lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin đạt 148 tỷ USD, trong đó, phần mềm chiếm khoảng 6 tỷ USD, phần cứng điện tử là 135 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp.

Trong cơ cấu xuất khẩu phần cứng điện tử của Việt Nam, chủ yếu là điện thoại và linh kiện (khoảng 60%) và mạch điện tử (12%). Ở chiều ngược lại, cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là mạch điện tử tích hợp (gần 51%) và điện thoại, linh kiện (hơn 26%).

Trong lĩnh vực này đang xuất hiện làn sóng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ và Đài Loan vào Việt Nam, xu hướng tập trung mạnh sản xuất linh kiện vào phía Bắc.

SẢN XUẤT LẮP RÁP GIÁ TRỊ GIA TĂNG THẤP

Thông tin về bức tranh xuất nhập khẩu của ngành điện tử Việt Nam, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), nhấn mạnh: công nghiệp điện tử Việt Nam là ngành có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu trong các ngành chế biến chế tạo của Việt Nam hơn 10 năm qua.

Đơn cử như năm 2021 cả nước xuất siêu 4 tỷ USD trong khi ngành điện tử xuất siêu 11,5 tỷ USD. Còn năm 2022 cả nước xuất siêu 11,2 tỷ USD thì ngành điện tử xuất siêu 11,246 tỷ USD.

Con số này cho thấy, “ngành điện tử có vai trò đóng góp rất lớn vào việc cân bằng ngoại hối và cán cân thương mại cho cả nước”, bà Hương nói. Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai thị trường lớn trong kim ngạch xuất khẩu của toàn bộ ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.

Tại hội thảo “Chính sách xuất nhập khẩu nguyên liệu, vật tư linh kiện và sản phẩm công nghệ thông tin” mới đây, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhìn nhận những kết quả đạt được trên chủ yếu đóng góp phần lớn từ khối doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp điện tử Việt Nam còn rất nhiều hạn chế về quy mô, công nghệ; thị trường trong nước chủ yếu từ nhập khẩu hoặc các nhãn hiệu nước ngoài. Ở mảng phần cứng có đến 99% các thiết bị điện tử viễn thông tại Việt Nam đang sử dụng là nhập khẩu từ nước ngoài.

Còn theo bà Hương, ngành công nghiệp điện tử, chế biến chế tạo Việt Nam có đặc thù là thâm dụng lao động lớn. Điều đó ngược hẳn với ngành công nghiệp điện tử ở các nước khác trên thế giới khi tập trung vốn và công nghệ. Nguyên nhân do Việt Nam chủ yếu tập trung vào khâu hạ nguồn, chủ yếu là lắp ráp và thâm dụng lao động.

Phân tích thêm về điều này, ông Phạm Hải Phong, Chánh văn phòng Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cho hay xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam đang tăng nhanh và khoảng cách giữa xuất khẩu và nhập khẩu ngày càng tăng, trong đó điện thoại thông minh đang chiếm tới 65% kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử. Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu phần cứng điện tử phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp FDI. Còn với doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, khả năng sản xuất, xuất khẩu chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực này.

Đường cong "đồ thị nụ cười"

Đường cong "đồ thị nụ cười"

Theo chuyên gia, trong ngành điện, điện tử, những nhà sản xuất FDI chiếm tỷ trọng lớn trong chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có quy mô nhỏ, số lượng ít và năng lực cung ứng không mạnh. Đặc biệt, xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam được định vị ở phần giá trị gia tăng thấp của chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này có nghĩa các nhà cung cấp Việt Nam được định vị ở cuối, đáy “đồ thị nụ cười” của chuỗi, thuộc phần sản xuất linh kiện đầu vào bậc thấp, sản xuất lắp ráp một số sản phẩm đơn giản. Các nhà sản xuất linh kiện Việt Nam chủ yếu tham gia vào lớp thứ 2, 3 trong chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, các khâu quan trọng của chuỗi sản xuất như R&D, xây dựng thương hiệu, thiết kế, logistics, tiếp thị, bán hàng,... đều thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Lớp có giá trị gia tăng lớn nhất của đường cong là các nhà sản xuất, lắp ráp lớn có thương hiệu, phát triển sản phẩm cuối cùng thường nắm các khâu R&D, xây dựng thương hiệu và bán hàng.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 14-2023 phát hành ngày 03-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nhĩ Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-dien-tu-viet-dang-o-cuoi-do-thi-nu-cuoi.htm