Doanh nghiệp đồng hành với báo chí trong thời đại mới thế nào?

Doanh nghiệp, báo chí cần có sự đồng hành, hợp tác trong sáng, bền vững để cùng nhau phát triển.

Đó là quan điểm của nhiều đại biểu tại Diễn đàn “Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc” lần thứ Hai năm 2024, với chủ đề “Nâng cao chất lượng thông tin về kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức sáng 24/10.

Các đại biểu tại diễn đàn.

Các đại biểu tại diễn đàn.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, nước ta hiện có 806 cơ quan báo chí, với 42.400 người làm báo. Trung bình mỗi năm sản xuất hơn 40 triệu tin bài riêng trên hạ tầng điện tử, sau đó lan tỏa thành hàng trăm triệu thông tin trên mạng xã hội; hơn 20.000 giờ phát thanh, hơn 50.000 giờ phát sóng truyền hình.

“Do vậy, kể cả trước đây, hiện tại hay sau này, báo chí vẫn là lực lượng thông tin chủ lực trong dòng thông tin chính định hướng xã hội, tham gia phản biện xã hội, là lượng thông tin cung cấp chính thức, thậm chí tham gia vào quá trình ra quyết định của các cá nhân và tổ chức”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.

Nói về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp trong thời đại mới hiện nay, Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - cho rằng, báo chí cần hỗ trợ doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng phải nuôi dưỡng báo chí để cùng đồng hành và phát triển. Nếu báo chí suy yếu, doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do vậy, doanh nghiệp phải tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích.

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho biết, giữa báo chí và doanh nghiệp có mối quan hệ cộng sinh. Việc phản ánh những hiện tượng tiêu cực trên báo chí sẽ giúp doanh nghiệp thay đổi, điều chỉnh, từ đó thể hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình, qua đó báo chí giúp doanh nghiệp hoạt động có trách nhiệm hơn. Cùng với đó, báo chí cũng có thể đóng góp, phản hồi ý kiến với các cơ quan chức năng để kịp thời vào cuộc kiểm tra, xử lý những sai phạm của doanh nghiệp.

Tuy nhiên ông Tuấn nhấn mạnh: “Nếu báo chí phản ánh thiếu khách quan, chân thật, có mục đích riêng thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí là phá sản. Do vậy báo chí cần có sự khách quan, kiểm chứng đa chiều trước khi thông tin về doanh nghiệp”.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm đã thẳng thắn chỉ ra những mặt trái của hoạt động hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp, nhất là trong hợp tác quảng cáo, truyền thông.

Theo ông Lâm, hiện nay mô hình kinh doanh của các cơ quan báo chí đã giảm sút. Người dân không còn mua báo in để đọc như trước đây, mà đọc báo miễn phí trên online. Trong khi đó, quảng cáo của các doanh nghiệp cũng đã chọn những kênh khác, khiến nhiều cơ quan báo chí đang gặp khó khăn do sự cạnh tranh khắc nghiệt, phải đơn độc đối mặt và tự giải quyết…

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại diễn đàn.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại diễn đàn.

“Điều đó dẫn đến câu chuyện nhiều khi lợi ích của doanh nghiệp và báo chí không trùng nhau, thậm chí là xung đột nhau, dẫn đến hậu quả là gần đây cơ quan quản lý Nhà nước phải xử lý một vài vụ việc đau xót, làm giảm sút niềm tin của một bộ phận người dân với cả doanh nghiệp và báo chí”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.

Ông Lâm cũng cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp có quy mô rất lớn nhưng chưa có sự quan tâm đầy đủ đến công tác truyền thông về hình ảnh, thượng hiệu của mình và họ cũng chỉ coi truyền thông là quảng bá về sản phẩm, dịch vụ.

Điều này dẫn đến giao dịch giữa doanh nghiệp và báo chí chỉ là những giao dịch đơn lẻ, tính hấp dẫn bị giảm sút, tính hiệu quả có vấn đề, sự kỳ vọng về nhau thấp. Cùng với đó, một bộ phận báo chí nhìn nhận vấn đề không theo tinh thần hợp tác xây dựng từ đầu. Điều này tác động không nhỏ đến công tác điều tra của báo chí, từ đó kết quả có thể là không phải điều tra để tìm ra sự thật, phục vụ quyền được biết của công luận, mà là đi tìm lợi ích khác...

Ông Lê Quốc Minh phát biểu tại diễn đàn.

Ông Lê Quốc Minh phát biểu tại diễn đàn.

Còn ông Lê Quốc Minh cho biết, thời gian qua Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam đã tích cực phối hợp xây dựng môi trường văn hóa trong hoạt động báo chí nhưng thực tế một vài sự việc bê bối của một số cá nhân, cơ quan báo chí đã xảy ra gây bức xúc dư luận.

“Phần lớn các vụ việc xảy ra chủ yếu là các tạp chí. Nguyên nhân do một số cơ quan tạp chí không có trụ sở, không có hợp đồng lao động, không có lương cho phóng viên đã dẫn đến những sự việc xảy ra đáng tiếc. Điều này cũng do một số doanh nghiệp có tâm lý khi các tạp chí đến thì tặc lưỡi cho qua. Thậm chí có một số tạp chí đã tạo thành một nhóm gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tin rằng khi đã đáp ứng yêu cầu một lần là xong, nhưng sau đó hàng loạt phóng viên khác tiếp tục đến”, ông Minh nêu thực trạng.

Do vậy, ông Minh đề nghị các doanh nghiệp mạnh dạn từ chối, bất hợp tác, nhất là đối với các tạp chí để không còn cảnh doanh nghiệp tiếp tay cho sai phạm của báo chí.

PHẠM DUY

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/doanh-nghiep-dong-hanh-voi-bao-chi-trong-thoi-dai-moi-the-nao-ar903553.html