Doanh nghiệp dược phải xin lỗi khách hàng vì sự cố khi thuê người nổi tiếng bán hàng trên Tiktok
Công ty Dược phẩm Hoa Linh và nhãn hàng Nguyên Xuân đã gửi lời xin lỗi tới các nhà thuốc và nhà phân phối về chương trình livestream bán và giới thiệu sản phẩm trên Tiktok đã khiến người tiếp cận thông tin bị hiểu lầm về giá của sản phẩm Nguyên Xuân, gây ảnh hưởng tới việc kinh doanh của các đại lý, nhà phân phối...
Ngày 3/4, tiktoker Hà Linh (người nổi tiếng trên mạng xã hội Tiktok) thông báo sự kiện phát sóng trực tiếp (livestream) bán hàng cho một số nhãn hàng sẽ diễn ra vào ngày 4/4. Trong chương trình “chưa từng có” này, sản phẩm dầu gội Nguyên Xuân xanh, Nguyên Xuân nâu của Công ty Dược phẩm Hoa Linh sẽ được bán trong livestream với giá 18.000 đồng và 11.000 đồng/chai.
Được biết, sản phẩm dầu gội Nguyên Xuân xanh hiện đang được bán tại nhà thuốc với giá 76.000 đồng, sản phẩm dầu gội Nguyên Xuân nâu giá 71.000 đồng. Chính vì vậy, giá bán mà tiktoker đưa ra thực sự hấp dẫn người tiêu dùng và hứa hẹn một buổi bán hàng trực tuyến bùng nổ.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi video của tiktoker được công bố, chiến dịch livestream này đã gây xôn xao trong cộng đồng các nhà thuốc – nhà phân phối của dược phẩm Hoa Linh theo một chiều hướng khác. Nhiều nhà thuốc bày tỏ sự bất bình vì bỗng dưng dính “nghi án” đẩy giá 2 sản phẩm dầu gội của nhãn hàng Nguyên Xuân để thu lợi.
Nhiều người tiêu dùng thông qua một số nền tảng mạng xã hội cho rằng họ đã phải mua sản phẩm của công ty dược nêu trên với giá quá đắt.
Trước phản ứng mạnh từ khách hàng, nhà phân phối, mới đây nhất, Công ty Dược phẩm Hoa Linh và nhãn hàng Nguyên Xuân đã gửi lời xin lỗi tới các nhà thuốc và nhà phân phối (khách hàng) về công tác triển khai chương trình livestream bán và giới thiệu sản phẩm vào 21h ngày 04/04/2023 trên Tiktok đã khiến người tiếp cận thông tin bị hiểu lầm về giá của sản phẩm Nguyên Xuân, gây ảnh hưởng tới việc kinh doanh của khách hàng.
Dược phẩm Hoa Linh cho biết, thời gian qua, nhãn hàng Nguyên Xuân và các sản phẩm của Dược phẩm Hoa Linh đến được với người tiêu dùng là nhờ sự hỗ trợ tích cực từ các nhà thuốc và nhà phân phối. Hoa Linh luôn trân trọng và biết ơn sự hỗ trợ, hợp tác đó đồng thời khẳng định và cam kết rằng các kênh bán hàng truyền thống luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng từ trước đến nay và trong tương lai đối với hoạt động kinh doanh của Công ty.
Khi thực hiện chương trình livestream này, Dược phẩm Hoa Linh có mục đích duy nhất là tiếp cận và tăng nhận diện của người tiêu dùng về thương hiệu dầu gội Nguyên Xuân và các sản phẩm của Dược phẩm Hoa Linh, từ đó mong muốn mở rộng thêm nhu cầu của thị trưởng trong tương lai.
Đây là chương trình bán hàng khuyến dùng của Công ty (bán và tặng để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng), sản phẩm được bán trong livestream là các combo sản phẩm của Hoa Linh với mức giá đặc biệt ưu đãi, mong muốn người tiêu dùng lựa chọn và trải nghiệm dùng thử sản phẩm chính hãng.
Số lượng sản phẩm bán trong livestream có hạn và chỉ diễn ra trong thời gian ngắn (khoảng 20 phút). Tuy nhiên, việc triển khai của Công ty chưa chặt chẽ và còn nhiều thiếu sót dẫn đến những thông tin gây ảnh hưởng tới các kênh phân phối truyền thống.
Việc bán hàng qua livestream (live-selling) được xem như một trong những xu hướng thương mại điện tử ngày càng phát triển tại châu Á và dần lan rộng sang các nước phương Tây…
Tại Việt Nam, nhắc đến livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội là phải nhắc tới Phạm Thoại. Nam TikToker ban đầu được biết đến qua những clip bán quần áo nhỏ lẻ, tư vấn khách hàng với phong cách chẳng giống ai, tuy nhiên livestream của anh từng đạt kỷ lục 1,3 triệu người xem cùng lúc. Đầu tháng 1/2023, hot Tiktoker đã lập kỷ lục livestream trên nền tảng TikTok với 3 triệu lượt xem và gần 50.000 đơn hàng trong vòng 12 tiếng phát trực tiếp.
Tuy nhiên mới đây, mạng xã hội Việt đã xuất hiện một kỷ lục livestream mới mang tên Võ Hà Linh. Vốn có lượng fan đông đảo nhờ các clip review từ mỹ phẩm, quần áo đến đồ ăn, tối 15/3 vừa qua, YouTuber sinh năm 1992 này đã lần đầu tiên livestream bán hàng trên TikTok. Chỉ trong một tiếng đồng hồ, cô đã bán hết sản phẩm của 2 nhà máy và 1 kho hàng. Nhiều người ước tính rằng doanh số bán hàng của buổi livestream này của Hà Linh phải lên đến hơn 20 tỷ đồng - một con số khiến nhiều seller ngưỡng mộ.
Có thể nói, bán hàng online đang thực sự bùng nổ mạnh mẽ trên càng nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram... cùng với đó là các trang thương mại điện tử.
Tính tới tháng 9/2022, Việt Nam có 72,1 triệu người sử dụng Internet (đạt tỷ lệ 73,2% dân số) trong cuộc sống hàng ngày. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới. Theo báo cáo Kinh tế số khu vực Đông Nam Á năm 2021 của Google, Temasek, Bain & Company cho thấy, đến năm 2030, nền kinh tế số của Việt Nam có thể đạt giá trị 220 tỷ USD.
Dựa trên tiềm năng thị trường bán lẻ trực tuyến của Việt Nam, kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021- 2025 của Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 doanh thu bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam sẽ đạt mức 35 tỷ USD, tương đương tốc độ tăng trưởng 25% mỗi năm và chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và cung cấp dịch vụ. Đến năm 2026, Việt Nam sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa bán lẻ trực tuyến đạt 56 tỷ USD, gấp 4,5 lần giá trị dự đoán vào năm 2021.