Doanh nghiệp gỗ buộc phải thay đổi
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) NGÔ SỸ HOÀI dự báo, năm 2024, các thị trường chủ chốt của ngành vẫn là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Tuy nhiên, với hàng loạt chính sách, quy định mới về xuất khẩu, doanh nghiệp trong nước phải thay đổi để thích ứng và tận dụng tốt cơ hội phát triển.
Xuất khẩu năm nay chỉ đạt 13,5 tỷ USD
- Bức tranh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 11 tháng qua ra sao, tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp hiện thế nào, thưa ông?
- Sau nhiều năm tăng trưởng bứt phá, đưa Việt Nam thành nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tốp đầu của thế giới, doanh nghiệp ngành gỗ đang trải qua một năm nhiều khó khăn.
Đến hết ngày 15.11, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 11,49 tỷ USD, giảm khoảng 18% so với mức 14,07 tỷ USD cùng kỳ năm 2022. Ước cả năm 2023, xuất khẩu của ngành chỉ đạt 13,5 tỷ USD trong khi năm ngoái là 16,1 tỷ USD.
Hiện, sức mua của các thị trường, đặc biệt là Hoa Kỳ - thường tiêu thụ trên 50% giá trị sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam, chưa có nhiều tín hiệu phục hồi nhanh. Hầu hết doanh nghiệp ngành gỗ dù đã có đơn hàng trở lại nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất cầm chừng.
-Liệu tình hình này có kéo dài sang năm 2024 không, thưa ông ?
- Tình hình thế giới vẫn còn quá nhiều bất trắc nên khả năng phục hồi và tăng trưởng cao của ngành trong năm 2024 sẽ rất khó. Khả năng 5 thị trường tiêu thụ lớn nhất vẫn là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU, song ngành gỗ sẽ phải nỗ lực rất nhiều để giữ vững vị thế và thị phần, bởi các thị trường này có nhiều chính sách, quy định mới có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Với các thị trường ngách, doanh nghiệp gỗ chắc chắn không bỏ qua các cơ hội tiếp cận, kể cả các thị trường khó tính, để giảm thiểu rủi ro và tiếp tục tăng trưởng.
Đi cùng thách thức là cơ hội
- Những quy định mới của các thị trường mà ông vừa nêu là gì và sẽ tác động thế nàođến xuất khẩu gỗ?
- Tháng 5.2023, EU ban hành Quy định không gây mất rừng và suy thoái rừng, gọi tắt là EUDR. Quy định này làm phát sinh thách thức mới với doanh nghiệp gỗ nước ta nhưng cũng tạo cơ hội. Thách thức ở chỗ, cùng với việc thực hiện trách nhiệm giải trình bảo đảm nguyên liệu gỗ hợp pháp, doanh nghiệp phải cung cấp bằng chứng về tọa độ địa lý đến từng khoảnh rừng để chứng minh gỗ nguyên liệu được khai thác không gây mất rừng và suy thoái rừng.
Cơ hội ở chỗ nếu doanh nghiệp thích ứng nhanh, tuân thủ được thì có thể mở rộng thị trường tiêu thụ tại các nước EU và chiếm được lòng tin với các thị trường khác. Nhiều quốc gia láng giềng của Việt Nam vẫn đang rất ngập ngừng trong quyết tâm tuân thủ EUDR.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ đang gia tăng tần suất các vụ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành gỗ và yêu cầu tuân thủ quy định về lao động và sử dụng lao động. Nhật Bản yêu cầu các sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này phải có chứng chỉ bền vững. Còn Chính phủ Canada mới đây đã công bố Tài liệu khung về quy định đối với việc ghi nhãn và hàm lượng tái chế của sản phẩm nhựa và trách nhiệm báo cáo Cơ quan liên bang về vấn đề sản phẩm nhựa - điều này sẽ có một số tác động đối với hầu hết nhóm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
- Theo ông, doanh nghiệp cần làm gì để thích nghi với các quy định mới?
- Hàng hóa xuất đi vốn đã khó, nay thủ tục còn phức tạp hơn nhưng không có nghĩa là không làm được. Hàng loạt chính sách, quy định mới của các quốc gia bắt buộc doanh nghiệp trong nước phải thay đổi để thích ứng. Doanh nghiệp cần tuân thủ các yêu cầu về gỗ hợp pháp, về quản lý rừng bền vững; đồng thời nên mở rộng thị trường thay vì gắn với vài thị trường nhất định; phải tuân thủ nguyên tắc quốc tế, tích cực chuyển đổi công nghệ…
Đối với thị trường EU, ngoài EUDR, Việt Nam đang thực thi VPA/FLEGT (Hiệp định đối tác tự nguyện tăng cường thừa hành luật pháp về rừng, quản trị rừng và thương mại lâm sản) và nỗ lực đảm bảo nguyên liệu đầu vào có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Khác với cà phê, cao su, hạt tiêu, ngành hàng gỗ có thể tích hợp rất nhiều nỗ lực mà doanh nghiệp đã làm trong thời gian qua để thực hiện trách nhiệm giải trìnhvà vượt qua những hàng rào rất khắt khe về môi trường.
- Hiệp hội sẽ hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?
- Đối với các doanh nghiệp là lực lượng chủ đạo tạo ra kim ngạch xuất khẩu của ngành, Hiệp hội sẽ đặc biệt chú trọng các hoạt động tăng cường năng lực phòng vệ thương mại, bảo đảm gỗ hợp pháp, tăng cường xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ trong và ngoài nước, đảy nhanh chuyển đổi số...
Với các làng nghề gỗ nơi tập trung nhiều hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ chủ yếu đáp ứng thị trường trong nước, Hiệp hội sẽ vận động thành lập hội của các làng nghề gỗ. Mục đích là để liên kết sản xuất, kết nối tốt hơn với thị trường, tuân thủ tốt hơn các vấn đề liên quan đến phòng chống cháy, hạn chế ô nhiễm môi trường, tuân thủ các quy định về gỗ hợp pháp.
- Xin cảm ơn ông!