Doanh nghiệp 'kêu' định mức chi phí tái chế quá cao
Định mức tái chế cao dẫn đến giá cả hàng hóa tăng cao bất hợp lý, gây khó khăn cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Các hiệp hội cho rằng, chi phí tái chế cao sẽ làm tăng giá hàng hóa, gây khó cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
14 hiệp hội ngành hàng tiếp tục đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường tính toán lại lộ trình, phương thức triển khai đóng góp tái chế (EPR) trong Dự thảo quyết định về định mức chi phí tái chế.
Việc này nhằm đẩy mạnh việc tái chế sản phẩm, bao bì để bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Ngày 28/6, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Định mức chi phí tái chế (Fs) hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR).
Góp ý cụ thể vào dự thảo đại diện cho nhiều ngành kinh tế đều cho rằng, định mức chi phí tái chế (Fs) như dự thảo rất cao, còn nhiều điểm chưa hợp lý.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), bà Chu Thị Vân Anh đánh giá, nhiều đề xuất định mức tái chế Fs ở mức cao bất hợp lý.
Định mức chi phí tái chế cao dẫn đến nguy cơ giá sản xuất và tiêu dùng tăng cao. Bà Vân Anh dẫn chứng, Fs cho bao bì nhôm là 6.180 đ/kg, cao hơn gần 5 lần so với trung bình các nước là 1.250đ/kg. Còn Fs với giấy hỗn hợp là 10.815đ/kg, cao hơn 4,8 lần so với trunh bình thế giới, vốn chỉ 2.500đ/kg.
Nếu tính định mức Fs như trong dự thảo, VBA tính toán, mỗi lon bia sẽ phải tính thêm 41 đồng; chai bia tăng thêm 51 đồng, 1 bịch sữa giấy hỗn hợp 110ml tăng thêm 9 đồng.
"Mức tăng giá này mới chỉ tính chi phí tái chế bao bì đóng gói trực tiếp. Nếu tính cả chi phí tái chế bao bì đóng gói gián tiếp (thùng, hộp carton), chi phí tái chế thiết bị, phương tiện vận chuyển thì mức tăng giá còn cao hơn nhiều", VBA tính toán.
Vì vậy, ngành đồ uống kiến nghị, điều chỉnh Fs phù hợp cho bao bì sử dụng vật liệu tái chế để khuyến khích tái chế. Đồng thời, áp dụng Fs=0 cho các bao bì, sản phẩm có giá trị vật liệu thu hồi được cao hơn chi phí tái chế, bao gồm bao bì giấy, bao bì nhựa cứng, bao bì kim loại, vì các bao bì, sản phẩm này về cơ bản đã được thu hồi hết, ít có nguy cơ tới môi trường. Bỏ chi phí quản lý
hành chính 3%
Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam đề xuất: “Nên hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp thành phẩm và các doanh nghiệp tái chế. Không nên chỉ vì tập trung cho các doanh nghiệp tái chế, mà lại ảnh hưởng đến cả cộng đồng doanh nghiệp lớn đang đóp góp chính cho đất nước”.
Quy định về định mức tái chế tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và chi phí đầu tư của doanh nghiệp, về lâu dài vấn đề này sẽ tác động đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nêu quan điển: "Các doanh nghiệp Châu Âu rất ủng hộ việc tái chế bao bì, sản phẩm thải bỏ để bảo vệ môi trường. Định mức chi phí tái chế Fs là quan trọng để xác định mức đóng góp của doanh nghiệp. Việc xác định Fs cần theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, điều kiện thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế".
Dẫn chứng, Hiệp hội này cho biết, tại Đan Mạch: “Năm 2023, hệ thống đã đạt mức Chi phí = 0, nghĩa là nhà sản xuất không phải trả bất cứ phí nào cho Hệ thống Tái chế Đan Mạch để xử lý bao bì đồ uống của họ”
Tuy nhiên, hiện một số quy định về Fs đưa ra trong dự thảo vẫn chưa rõ ràng, chưa mang tính đại diện cao... Do đó, để thực hiện EPR đạt đúng mục tiêu thì cần phải xây dựng một cách hợp lý, hiệu quả và thực tế, vừa bảo vệ môi trường vừa phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp.
Do đó, EuroCham đề xuất, các bao bì, sản phẩm thải bỏ có giá trị vật liệu thu hồi cao hơn chi phí tái chế: nhôm, kim loại, giấy carton, nhựa cứng, phương tiện giao thông cần phải đưa về chi phí bằng 0.
Đối với triển khai EPR, EuroCham kiến nghị trong 3 năm đầu tiên (2024-2026), tập trung vào hướng dẫn thi hành, chưa áp dụng xử phạt, chỉ truy thu khoản nộp thiếu nếu có, vì EPR là vấn đề rất mới đối với Việt nam và cả châu Á.
Thay đổi cách nộp đóng góp tái chế từ tạm ứng trước theo số lượng dự kiến vào đầu năm 2024 sang quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm 2024 (tức là nộp vào tháng 4/2025), để doanh nghiệp vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm với môi trường mà giảm được khó khăn cho doanh nghiệp (giống nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là nộp vào đầu kỳ sau).
Đồng thời, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đề xuất cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế cho cùng loại bao bì/sản phẩm, thay vì bắt buộc chọn một trong 2 hình thức.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-keu-dinh-muc-chi-phi-tai-che-qua-cao-d192862.html