Doanh nghiệp kêu khó, ngành chức năng nói gì?

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Chính phủ đã triển khai Nghị quyết số 41 và 42. Tiếp đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng ra Thông tư 01/2020/TT-NHNN tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Điều này được doanh nghiệp háo hức chờ đợi bởi hỗ trợ dù ít hay nhiều cũng giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Do chưa có tiền lệ nên việc triển khai các nghị quyết của Chính phủ và thông tư của ngân hàng không tránh khỏi vướng mắc, doanh nghiệp vẫn kêu khó tiếp cận hỗ trợ.

Triển khai gói hỗ trợ Covid-19:

Câu chuyện chia sẻ của đại diện Công ty TNHH MTV X. với phóng viên mới đây là thực tế mà nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang gặp phải khi nộp hồ sơ nhận hỗ trợ. UBND phường gửi thông báo đến doanh nghiệp về các hồ sơ cần hoàn tất để được nhận gói hỗ trợ của Chính phủ. Doanh nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của phường nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Anh T.T.H, Giám đốc Công ty TNHH MTV X. cho biết: Có thể doanh nghiệp chúng tôi không thuộc diện được hỗ trợ nhưng như vậy ngành chức năng cũng nên phản hồi lại lý do.

Doanh nghiệp gặp khó do dịch bệnh mong dễ tiếp cận với gói hỗ trợ của Chính phủ.

Doanh nghiệp gặp khó do dịch bệnh mong dễ tiếp cận với gói hỗ trợ của Chính phủ.

Trong khi đó, một doanh nghiệp khác thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng gặp khó khăn trong kinh doanh khi dịch bệnh xảy ra. Trong một thời gian dài không có doanh thu, doanh nghiệp này muốn được gia hạn thuế nhưng sau khi nhận được yêu cầu của cơ quan thuế về thủ tục xét duyệt thì nhiều thủ tục của doanh nghiệp khó đáp ứng. Vì tâm lý e ngại các loại thủ tục, doanh nghiệp này đã rút lui, không xin hỗ trợ. Theo đại diện của doanh nghiệp, doanh nghiệp đã có khai thuế mà phải ngừng hoạt động trong thời gian Covid-19 nên chăng cần được hỗ trợ kịp thời thay vì giải trình những điều kiện đi kèm.

Còn theo bà Vũ Thị Tuyết Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Ngọc, gói hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước mang tính nhân văn, thể hiện sự đồng hành và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, song một số yêu cầu của ngân hàng đưa ra “làm khó” doanh nghiệp. Cụ thể là quy định liên quan đến lãi suất cho vay, định giá tài sản thế chấp, tài sản thế chấp và thu các khoản phí liên quan đến vay vốn ngân hàng. Doanh nghiệp mong điều chỉnh những vấn đề này để có thể tiếp cận gói hỗ trợ theo Thông tư số 01 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo báo cáo của Sở Tài chính về tình hình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trên địa bàn tỉnh hiện quản lý 3.153 doanh nghiệp hoạt động, trong đó 2.000 doanh nghiệp thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP. Đến hết tháng 7/2020, mới có 335 doanh nghiệp được chấp thuận gia hạn với tổng số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn gần 58 tỷ đồng.

Bà Ngô Thúy Minh, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền (Cục Thuế tỉnh) khẳng định: Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 41, Cục Thuế đã có thông báo số 1612 gửi doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, đồng thời đăng tải toàn bộ nội dung trên website của Cục Thuế kèm theo nhắn tin thông báo cho doanh nghiệp. Theo đó, trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn theo Nghị định số 41 phải lập và gửi giấy gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (bằng phương thức điện tử hoặc phương thức khác) theo mẫu phụ lục đi kèm nghị định cho cơ quan trực tiếp quản lý thuế theo quy định. Trường hợp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất không nộp cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế thì thời hạn nộp chậm nhất là ngày 30/7, cơ quan quản lý thuế vẫn thực hiện gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất của các kỳ phát sinh được gia hạn trước thời điểm nộp giấy đề nghị gia hạn. Đến ngày 29/7, Cục Thuế đã nhắn tin SMS cho từng doanh nghiệp nhắc nhở nhưng số lượng hồ sơ nhận được rất ít.

Đến hết ngày 31/7, hệ thống ngân hàng Lào Cai đã hỗ trợ hơn 2.000 khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ được áp dụng các biện pháp hỗ trợ hơn 5.600 tỷ đồng, trong đó 304 doanh nghiệp được hỗ trợ. Các doanh nghiệp chủ yếu được hưởng chính sách hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay bổ sung vốn sản xuất, kinh doanh.

Ông Trương Thanh Xuân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Lào Cai cho biết: Nguyên nhân một số doanh nghiệp khó tiếp cận với gói hỗ trợ theo Thông tư số 01 là không đủ điều kiện được hỗ trợ do đã có nợ xấu với ngân hàng từ trước khi có thông tư. Hồ sơ, tài liệu, sổ sách kế toán của doanh nghiệp không chứng minh được thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh như sụt giảm doanh thu, thu nhập, giảm hoặc không tiêu thụ được, thiếu nguyên liệu sản xuất…

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đang phải giảm chi phí hoạt động, giảm lợi nhuận để có nguồn lực chia sẻ với khách hàng. Tùy theo quy mô, năng lực tài chính mà biện pháp hỗ trợ của từng ngân hàng khác nhau.

Gói hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là chính sách mới, chưa có tiền lệ, từ ban hành đến thực tế chỉ trong thời gian ngắn, do vậy không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Trong thời gian tới, nên chăng hai bên cần thống nhất các biện pháp hỗ trợ phù hợp, giảm thiểu những thủ tục không cần thiết để doanh nghiệp đang gặp khó do dịch bệnh dễ tiếp cận với gói hỗ trợ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Vân Thảo

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/doanh-nghiep-keu-kho-nganh-chuc-nang-noi-gi-z3n20200814081033178.htm