Doanh nghiệp không chuyển mình với xu hướng số có thể tụt hậu, phá sản

Theo các chuyên gia, trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu gia tăng, hoạt động quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức. Do đó, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không chuyển đổi số hiệu quả thì sẽ mất lợi thế cạnh tranh cũng như mất thị trường ngay trên sân nhà.

Cơ hội đan xen cùng thách thức

Ngày 18/10, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo "Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới: Doanh nghiệp phải làm gì?” nhằm phân tích, đánh giá cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong bối cảnh mới.

Theo nhận định của Trung tâm kinh doanh toàn cầu của Đại học Tufts (Mỹ), Việt Nam đang đứng thứ 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi số nhanh trên thế giới, đứng thứ 22 về tốc độ phát triển số hóa. Điều này đã chứng tỏ sự thay đổi lớn trong mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội thảo, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, triển vọng kinh tế của Việt Nam được nhìn nhận tích cực, cơ hội và rủi ro nhìn chung ở thế cân bằng. Chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tạo điều kiện cho việc thiết lập và củng cố mối quan hệ giữa các đối tác tham gia vào quá trình thương mại; giúp doanh nghiệp có sự chuyển hướng các hoạt động sản xuất kinh doanh dựa trên nền tảng số…

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, nguồn nhân lực về công nghệ số, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông vẫn là vấn đề được nhiều doanh nghiệp chú trọng nhưng cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động quản trị doanh nghiệp còn rất nhiều hạn chế, nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ vai trò của công nghệ trong quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế số với áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Trong bối cảnh đó, GS-TSKH Nguyễn Mại cho rằng, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng đồng bộ thể chế, luật pháp, chính sách kinh tế số, sửa đổi, bổ sung quy định đối với các ngành kinh doanh mới như thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số… Cùng với đó là chính sách khuyến khích kết nối theo chuỗi cung ứng sản phẩm giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, giữa tập đoàn kinh tế Việt Nam với doanh nghiệp vừa và nhỏ để hình thành thương hiệu Việt Nam trên thị trường trong nước và thị trường thế giới.

Về phía doanh nghiệp, chuyên gia này khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần xác định trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, nếu doanh nghiệp không chuyển mình bắt kịp xu hướng thì sẽ bị tụt hậu, thậm chí sẽ bị phá sản trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM nhấn mạnh vai trò của cơ quan Chính phủ đối với chuyển đổi số nói chung và trong thương mại nói riêng. Hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp sẽ khó có thể phát huy hiệu quả nếu không có sự đồng hành và chuyển đổi số mang tính tương thích, tạo thuận lợi của các cơ quan chính phủ.

“Nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại, các mô hình kinh doanh trên nền tảng số của doanh nghiệp khó có thể khả thi hoặc bền vững nếu tư duy quản lý nhà nước vẫn theo cách tiếp cận quản lý ngành nghề truyền thống cũng như phương thức quản trị rủi ro truyền thống”, chuyên gia này bày tỏ.

Doanh nghiệp làm thế nào tận dụng được AI

Chia sẻ về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp từ cách mạng công nghệ 4.0, ông Lê Hồng Việt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH FPT Smart Cloud chia sẻ, theo báo cáo gần đây nhất của Google & Bain Co., nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Quy mô và số lượng giao dịch tăng vọt của nền kinh tế số tạo ra số lượng dữ liệu khổng lồ, điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần có một nền tảng linh hoạt để lưu trữ, xử lý dữ liệu, một công cụ mạnh mẽ để khai thác dữ liệu. Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những lời giải hàng đầu để giải quyết bài toán này.

Theo ông Việt, để phát triển AI, việc đầu tư nghiên cứu và tự chủ về chip bán dẫn là một "vấn đề nóng" giữa các quốc gia. Chiến lược sẽ đề ra tầm nhìn, khẳng định quyết tâm, mục tiêu, lộ trình, các nhiệm vụ giải pháp cũng như các chính sách ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp điện tử nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng.

Để bắt kịp xu thế, doanh nghiệp cần chủ động đầu tư vào cơ sở hạ tầng đám mây, nghiên cứu ứng dụng AI, cũng như phát triển dữ liệu. Ảnh: T.L

Để bắt kịp xu thế, doanh nghiệp cần chủ động đầu tư vào cơ sở hạ tầng đám mây, nghiên cứu ứng dụng AI, cũng như phát triển dữ liệu. Ảnh: T.L

Ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết, dự báo năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến khoảng 74 tỷ USD. Riêng lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam có thể chiếm khoảng 17% cơ hội phát triển kinh tế mà các công nghệ số mang lại.

Dù vậy, AI cũng mang đến một số thách thức cho nền kinh tế và mỗi doanh nghiệp, như: Sự biến mất hoặc suy giảm mạnh của nhiều ngành, lĩnh vực kinh doanh; trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế rất nhiều lập trình viên, giáo viên, diễn viên, nhân viên marketing, kỹ sư, tổng đài viên…; sự cạnh tranh gay gắt theo mức độ ứng dụng AI trong sản phẩm, dịch vụ.

“Không có một chiến lược AI nào có thể phù hợp với tất cả các quốc gia hay nền kinh tế cũng như cho mỗi doanh nghiệp, nhưng công thức cơ bản để thành công là chủ động đầu tư vào cơ sở hạ tầng đám mây, nghiên cứu ứng dụng AI, cũng như phát triển dữ liệu. Vì vậy, cần nắm được xu hướng mất đi, xu hướng hình thành ngành, lĩnh vực mới do AI tác động; cần xác định những khâu, những quy trình có thể ứng dụng AI để tăng năng lực cạnh tranh, giảm giá thành; khả năng khởi nghiệp (startup) với AI; lan tỏa lợi ích AI, thúc đẩy ứng dụng AI trong doanh nghiệp, người dân, khu vực công”, ông Đỗ Tiến Thịnh nói./.

Thị trường bán dẫn toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 2 con số trong những năm tới để đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Việt Nam đã và đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035.

Mai Tấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/doanh-nghiep-khong-chuyen-minh-voi-xu-huong-so-co-the-tut-hau-pha-san-162045.html