Doanh nghiệp không trả sổ BHXH: Người lao động chịu nhiều thiệt thòi
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh thường xảy ra tình trạng khi người lao động nộp đơn xin nghỉ việc và được doanh nghiệp chấp thuận, nhưng doanh nghiệp lại không chốt, trả sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động. Điều này khiến người lao động rất bức xúc vì họ không có sổ BHXH mang đi đăng ký để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Hằng năm, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) tiếp nhận hàng chục trường hợp người lao động phản ảnh việc doanh nghiệp không chốt, trả sổ BHXH cho họ. Riêng đầu năm 2019 đến nay, có khoảng 15 trường hợp đến trung tâm nhờ hỗ trợ làm đơn gửi các cơ quan chức năng để can thiệp, buộc doanh nghiệp sớm chốt, trả sổ BHXH.
* Làm khó người lao động?
Anh Nguyễn Minh Nhật (31 tuổi, phường An Bình, TP.Biên Hòa) làm việc cho một công ty chuyên về in ấn bao bì ở Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa) từ ngày 1-7-2016. Sau 1 tháng thử việc, anh được công ty ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) xác định thời hạn 12 tháng. Đến năm 2019, do hoàn cảnh gia đình (con nhỏ thường xuyên bị bệnh) nên anh có đơn xin nghỉ việc và được công ty cho nghỉ kể từ ngày 10-7 (có quyết định cho nghỉ việc). Tuy nhiên, anh Nhật nghỉ việc đến nay đã nhiều tháng nhưng công ty không chịu chốt trả sổ BHXH cho anh.
“Tôi có liên hệ Phòng Nhân sự của công ty nhiều lần để đề nghị chốt, trả sổ BHXH nhưng họ trả lời là chưa có sổ, lúc nào có sổ sẽ gọi đến lấy. Thế nhưng, đến nay đã hơn 3 tháng mà công ty chưa trả sổ BHXH để tôi đăng ký hưởng BHTN. Hiện tôi đang gặp nhiều khó khăn vì chưa tìm được việc làm mới” - anh Nhật bộc bạch.
Trường hợp của bà Trương Thị Bích Giang (53 tuổi, phường An Bình, TP.Biên Hòa) cũng “khổ sở” không kém khi bà nghỉ việc đến nay đã hơn 6 tháng nhưng phía công ty vẫn chưa chốt, trả sổ BHXH cho bà. Bà Giang cho hay, bà được một công ty chuyên về may hàng xuất khẩu đóng trên địa bàn phường Quang Vinh (TP.Biên Hòa) nhận vào làm việc từ tháng 4-2016. Sau nhiều lần ký HĐLĐ có thời hạn 3 tháng, bà mới được công ty ký HĐLĐ không xác định thời hạn với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng.
Do hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn nên bà Giang có đơn xin nghỉ việc và được công ty ra quyết định cho bà nghỉ kể từ ngày 1-5 nhưng phía công ty không đề cập gì đến chuyện trả sổ BHXH cho bà. Do đó, bà không được đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. “Nhiều lần tôi liên hệ bên công ty để đòi sổ bảo hiểm nhưng đại diện phía công ty cứ hứa hẹn kéo dài đến nay đã hơn 6 tháng mà vẫn chưa chịu giải quyết” - bà Giang bức xúc.
* Ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động
Luật sư Lê Tấn Tý, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh cho biết, Điều 47 của Bộ luật Lao động có quy định rất rõ về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt HĐLĐ. Đó là trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
Theo luật sư Lê Tấn Tý, sổ BHXH cũng là một loại giấy tờ có liên quan đến quyền lợi của người lao động. Đặc biệt khi người lao động thực hiện thủ tục đăng ký để hưởng chế độ thất nghiệp trong thời hạn 3 tháng thì một trong những loại giấy tờ cần có là sổ BHXH, nếu không có thì người lao động không được hưởng chế độ thất nghiệp theo quy định. Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động.
Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh cho biết: “Việc doanh nghiệp không chốt trả sổ BHXH cho người lao động kịp thời là một hành vi vi phạm pháp luật. Khi gặp những trường hợp này, chúng tôi thường hướng dẫn người lao động làm đơn khiếu nại, yêu cầu công ty phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Nếu trong trường hợp công ty vẫn chây ì không trả sổ BHXH cho người lao động thì trung tâm tiếp tục hỗ trợ người lao động khởi kiện ra tòa...”.
Luật sư Vũ Ngọc Hà cho biết thêm, Nghị định số 95/2013/NĐ-CP, ngày 22-8-2013 của Chính phủ và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 7-10-2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định cụ thể mức xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp có hành vi không chốt sổ BHXH cho người lao động.
Theo Điều 8 của Nghị định số 88/2015/NĐ-CP quy định, việc doanh nghiệp không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt HĐLĐ theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 1-20 triệu đồng (tùy theo mức độ vi phạm). Đồng thời, người sử dụng lao động phải thực hiện biện pháp khắc phục là buộc hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ cho người lao động.
Xử lý hình sự đối với hành vi trốn đóng BHXH
Điều 216 của Bộ luật Hình sự có quy định về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Cụ thể, người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm (tùy theo mức độ vi phạm). Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm...