Doanh nghiệp kiến nghị gì để vượt qua khó khăn?

Mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh trong 9 tháng qua của doanh nghiệp đã lạc quan hơn nhưng khó khăn vẫn hiện hữu. Doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ 4 giải pháp quan trọng để vượt qua các thách thức này.

Nhiều thách thức với doanh nghiệp, cần được tháo gỡ

Nhiều thách thức với doanh nghiệp, cần được tháo gỡ

Để đánh giá khó khăn hiện tại cũng như triển vọng kinh doanh các tháng cuối năm 2024, nửa đầu năm 2025 và nắm bắt các kiến nghị của doanh nghiệp, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) chủ trì thực hiện khảo sát trực tuyến “Niềm tin doanh nhân” từ ngày 27-6 đến 15-7 năm 2024.

Trong đó, các doanh nghiệp được khảo sát tập trung 4 kiến nghị chính là: Tiếp tục giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt chú ý đến doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước để thực sự vun bồi nội lực và phát huy các doanh nghiệp này; Tiếp cận vốn vay; Tiếp cận thị trường và Cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.

Doanh nghiệp mong muốn được miễn, giảm thuế và đề nghị Nhà nước đầu tư các công trình hạ tầng có quy mô lớn, các ngành cốt lõi để phát triển. Trong tiếp cận vốn vay, ngoài việc đề xuất các thủ tục cho vay thông thoáng, giảm thời gian, cần quy định và thực hiện việc bỏ bắt buộc tham gia Bảo hiểm nhân thọ khi vay.

Về hỗ trợ tiếp cận thị trường, các doanh nghiệp đề xuất bên cạnh việc cung cấp thông tin thị trường, tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, cần đánh thuế hàng nhập khẩu qua đường tiểu ngạch và hàng nhập khẩu nhỏ lẻ qua sàn thương mại điện tử. Họ phá giá làm ảnh hưởng thị trường sản xuất nội địa, bóp nghẹt doanh nghiệp trong nước;

Khiến thị trường cạnh tranh không lành mạnh, hàng nhập khẩu nhiều khai thuế dưới thực tế (hàng Trung Quốc) khiến cho doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh giá vì họ làm thương mại nên giá nào họ cũng bán được.

Với việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, các lĩnh vực cần thay đổi là tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp FDI và có chính sách ưu đãi hơn nữa về thuế, thuê đất… siết chặt các thể chế quy định với các doanh nghiệp nước ngoài hơn nữa.

Ban IV cũng đề nghị tăng phí thủ tục hành chính và lấy nguồn đó trả lương và khuyến khích cán bộ; phân loại thủ tục nào giải quyết nhanh thu phí cao hơn, không cần gấp thu phí bình thường. Đồng thời, các văn bản dưới luật được triển khai thật rõ ràng, dễ hiểu, dễ vận dụng.

Kết quả khảo sát của Ban IV cho thấy, doanh nghiệp đang có 6 khó khăn lớn là: Khó khăn về đơn hàng (56,1%); Nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (47%); Thủ tục hành chính (44,4%); Khó khăn về dòng tiền (37,7%); Thông tin thị trường (31,7%); Tiếp cận vốn vay (30,8%). Đây vẫn là những khó khăn được doanh nghiệp nêu ra từ các kỳ khảo sát trước.

Doanh nghiệp ngoài nhà nước tiếp tục thể hiện mức độ khó khăn hơn so với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, đặc biệt là khó khăn về đơn hàng, khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính và đáp ứng quy định pháp luật và nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế.

Theo Ban IV, các khó khăn nêu trên cũng ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp ngoài nhà nước. Điều này có thể lý giải phần nào bức tranh tăng trưởng tương đối ảm đạm về đầu tư của khu vực ngoài nhà nước trong thời gian gần đây.

“Cần cải thiện niềm tin kinh doanh, thúc đẩy đầu tư của khu vực ngoài nhà nước để tạo động lực tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới bởi khu vực kinh tế ngoài nhà nước có vai trò quan trọng trong nội lực nền kinh tế đất nước”- kiến nghị nêu.

Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho hay, hoạt động sản xuất kinh doanh quý III-2024 không thuận lợi như quý II-2024 với 77,3% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và giữ ổn định (34,7% tốt hơn và 42,6% giữ ổn định), 22,7% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.

Dự báo quý IV-2024 khả quan hơn quý III-2024 với 82,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định (42,2% tốt hơn, 40,4% giữ ổn định), 17,4% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 103/CĐ-TTg ngày 7-10-2024 về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.

Tại Công điện, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Hà Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/doanh-nghiep-kien-nghi-gi-de-vuot-qua-kho-khan-post591940.antd