Doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng bổ sung nhiều giải pháp hỗ trợ về tín dụng, tài khóa
Việc triển khai tổ chức thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của các bộ ngành, địa phương còn khá chậm so với diễn biến của dịch bệnh, chưa kịp thời theo tinh thần chỉ đạo là 'chống dịch như chống giặc', khiến các doanh nghiệp chưa thực sự tiếp cận được với các gói hỗ trợ của Chính phủ đến thời điểm này.
Đây là những điểm nhấn rất đáng lưu tâm mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra trong kiến nghị mới nhất của cộng đồng doanh nghiệp gửi tới Thủ tướng Chính phủ trước thêm Hội nghị Thủ tướng gặp Doanh nghiệp dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tuần này.
Mặc dù Chỉ thị 11/CT-TTg (chỉ thị sớm nhất về hỗ trợ doanh nghiệp) đã ban hành gần 2 tháng, nhưng cho đến nay, nhiều doanh nghiệp phản ánh chưa tiếp cận được với các cơ chế, chính sách từ các cơ quan có trách nhiệm.
“Doanh nghiệp vẫn phải nộp các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, trả nợ lãi vay… bình thường như trước đây. Các văn bản doanh nghiệp đề nghị với các cơ quan thuế, ngân hàng đều chưa được xem xét, giải quyết với lý do chờ hướng dẫn của cấp trên”, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ của VCCI nêu rõ.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, doanh nghiệp hiểu rằng, việc ban hành cơ chế, chính sách trong điều kiện đại dịch là chưa có tiền lệ và rất khó có thể đáp ứng đầy đủ, kịp thời so với yêu cầu thực tế, tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện sau khi cơ chế, chính sách ra đời thì có thể thúc đẩy nhanh hơn với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan thi hành chính sách. Bởi lẽ, với những diễn tiến ngày càng trầm trọng trong hoạt động của doanh nghiệp như hiện nay, nếu doanh nghiệp không được cung cấp “ô xy”, “máy thở” kịp thời thì rất có thể khi các gói cứu trợ được chuyển đến thì doanh nghiệp đã không còn tồn tại để nhận trợ giúp từ Chính phủ.
Cũng theo phản ánh của các doanh nghiệp, hầu hết các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chủ yếu vẫn là hoãn, giãn tiến độ nộp các khoản nghĩa vụ như thuế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, nợ phải trả ngân hàng… Còn các biện pháp miễn, giảm các khoản phải nộp hầu như chưa có.
Hầu hết các doanh nghiệp đều lo ngại cho biết, trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 kéo dài, nhiều khó khăn, vướng mắc mới của doanh nghiệp tiếp tục nảy sinh với mức độ ngày càng trầm trọng hơn, ở phạm vi rộng hơn, bao phủ hầu khắp các ngành nghề, quy mô, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp đòi hỏi phải có các giải pháp mạnh hơn, toàn diện hơn để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, ổn định và phát triển. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị các gói hỗ trợ doanh nghiệp cần mở rộng quy mô, đẩy nhanh tốc độ triển khai và hướng tới đúng đối tượng.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, việc thực hiện công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính trong xây dựng và thực thi cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần được thực hiện một cách triệt để, thông thoáng và tận tâm hơn từ các cơ quan có chức năng và trách nhiệm.
Việc phối hợp giữa các bộ ngành chức năng trong việc tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Câu chuyện trục trặc về xuất khẩu gạo, chậm trễ trong việc xuất khẩu khẩu trang vừa qua là những ví dụ điển hình.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, tính chủ động của các địa phương trong việc chung tay, chung sức cùng với Chính phủ trong việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp cũng cần được đẩy mạnh hơn.
Ngoài cơ chế, chính sách chung của Chính phủ, một số địa phương đã chủ động có các cơ chế, chính sách riêng để hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp như Hà Nội, TP.HCM. Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều địa phương còn thụ động, trông chờ vào các chính sách chung, thậm chí có địa phương còn hiểu sai tinh thần các chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng, gây thêm khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh này, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp có thể tồn tại, vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh và nắm bắt các cơ hội phát triển sau khi hết dịch, ngoài các giải pháp, cơ chế chính sách đã ban hành, VCCI cho biết, đã tập hợp thêm gần 100 đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, bao gồm các đề xuất, kiến nghị mới và các đề xuất, kiến nghị đề nghị bổ sung, sửa đổi vào cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành gửi tới Thủ tướng Chính phủ xem xét tiếp tục áp dụng.
Các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tập trung bổ sung thêm các hỗ trợ chính sách về tài khóa, tiền tệ, chính sách tín dụng, về chính sách hỗ trợ về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, Về cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy thực thi chính sách…
Các giải pháp kiến nghị bổ sung này chủ yếu nhằm mục tiêu thúc đẩy sớm triển khai cụ thể hóa thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mà Thủ tướng chính phủ đã ban hành trên cơ sở cụ thể, đi sâu thực chất, giúp hỗ trợ giải quyết các khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại, đồng thời khắc phục các tác động dài hạn có thể kéo dài sang năm 2021 cũng như thời gian tới.