Doanh nghiệp may mặc 'đón sóng' đơn hàng mới

Sau thời gian khủng hoảng, sản xuất cầm chừng vào năm 2023, bắt đầu từ tháng 3/2024, nhiều doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh đã đón nhận những đơn hàng mới. Trong đó có doanh nghiệp đã đủ đơn hàng sản xuất đến hết năm. Đây là tín hiệu tích cực, tạo đà cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, đặt nền móng quan trọng cho những mục tiêu phát triển mới.

Người lao động Công ty May Hòa Thọ - Đông Hà sản xuất sản phẩm cho đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ -Ảnh: M.L

Người lao động Công ty May Hòa Thọ - Đông Hà sản xuất sản phẩm cho đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ -Ảnh: M.L

Hơn nửa tháng nay, không khí làm việc tại các xưởng sản xuất của Công ty May Hòa Thọ - Đông Hà luôn tất bật, bận rộn. 1.200 công nhân của công ty đang hoạt động hết công suất để kịp hoàn thành sản phẩm cho 2 đơn hàng đầu tiên của năm.

Theo ông Hoàng Quảng Trung, Chủ tịch Công đoàn Công ty May Hòa Thọ - Đông Hà, 2 đơn hàng này xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đây là những đơn hàng lớn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây của công ty.

Để đảm bảo đủ sản phẩm cho đơn hàng này, toàn bộ công nhân công ty sẽ liên tục sản xuất từ đầu tháng 3 đến hết tháng 9/2024. Năm 2023, trong bối cảnh khủng hoảng chung của kinh tế toàn cầu, đơn hàng của công ty chủ yếu nhỏ lẻ nên công nhân chỉ sản xuất được 1 - 2 tháng là hết. Do đó, công nhân vừa làm quen với sản phẩm của đơn hàng này đã đổi sang làm sản phẩm của đơn hàng khác, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lao động.

Bên cạnh đó, công ty cũng phải bổ sung, thay đổi một số máy móc, thiết bị cho phù hợp với sản phẩm của từng đơn hàng nên tăng chi phí.

“Đặc thù của ngành may công nghiệp đó là công nhân phụ trách mỗi người một công đoạn nên khi có được đơn hàng sản xuất dài ngày, họ sẽ quen quy trình, cứ lặp đi lặp lại một số thao tác kỹ thuật nên hiệu suất lao động sẽ cao hơn. Hiện tại, thu nhập trung bình cho công nhân là 7,2 triệu đồng/ người/tháng nhưng thời gian tới có thể tăng lên từ 8-9 triệu đồng/người/tháng”, ông Trung chia sẻ.

Tại huyện Hải Lăng, những ngày này, công nhân Nhà máy May xuất khẩu Phong Phú - Quảng Trị ở Cụm công nghiệp Diên Sanh cũng nhộn nhịp vào ca.

Theo ông Lê Nguyên Y, Chủ tịch Công đoàn cơ sở của nhà máy, hiện nay, đơn hàng của nhà máy đã nhận “phủ kín” sản xuất đến cuối năm. Tính theo tổng số lượng sản phẩm các đơn hàng thì mỗi tháng công ty phải sản xuất từ 180.000 - 220.000 sản phẩm, tuy nhiên, hiện nay lực lượng công nhân của nhà máy mới sản xuất được khoảng 160.000 sản phẩm.

Đơn vị hiện có 850 công nhân, cần tuyển thêm 300 công nhân để đáp ứng nhu cầu sản xuất nhưng đến nay vẫn tuyển chưa đủ số lượng. “Hiện tại, công nhân của công ty chủ yếu là người trên địa bàn huyện Hải Lăng nên mong muốn thông tin tuyển dụng sẽ đến rộng rãi với người lao động trong tỉnh để tuyển dụng được nhiều lao động hơn, đáp ứng nhu cầu sản xuất”, ông Y chia sẻ.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2023, địa bàn tỉnh có trên 13 doanh nghiệp may đang hoạt động với gần 6.000 lao động; ngoài ra còn có trên 50 cơ sở may gia công với trên 1.200 lao động. Doanh nghiệp lĩnh vực may mặc đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách địa phương, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

Năm 2024, các chuyên gia kinh tế dự báo sẽ có nhiều điểm sáng cho ngành dệt may hồi phục trở lại, nhất là tại những thị trường xuất khẩu truyền thống. Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn, kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, dự báo tăng trưởng cao hơn năm 2023 là động lực mới cho đơn hàng có khả năng quay lại Việt Nam nhiều hơn.

Dù vậy, do phần lớn các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động theo hình thức gia công, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, khâu thiết kế; công nghiệp hỗ trợ cho ngành này chưa phát triển nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cung cấp nguyên, phụ liệu và thiết bị, phụ tùng thay thế; chưa tạo động lực thu hút đầu tư, thu hút lao động cho phát triển ngành công nghiệp dệt may nên chưa tận dụng được cơ hội và dư địa do các Hiệp định thương mại tự do mang lại. Trong khi đó, thị trường thế giới vẫn biến động rất khó lường, khó khăn vẫn còn nhiều nên không được chủ quan mà cần tiếp tục có giải pháp nâng cao sức chống chịu, nâng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Theo ông Phạm Văn Trung, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương, để hỗ trợ doanh nghiệp dệt may trên địa bàn, sở đang lên kế hoạch tổ chức hội nghị gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với đại diện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nhằm nắm bắt nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc cũng như định hướng phát triển của doanh nghiệp.

Thực hiện Quyết định số 1643/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và giày da Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, sở tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp may mặc tiếp cận khách hàng tiềm năng thông qua các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, đầu tư...

Đẩy mạnh phổ biến và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tác động của các Hiệp định thương mại tự do nhằm hạn chế rủi ro, tận dụng tối đa lợi ích mà các hiệp định này mang lại.

Tăng cường tuyên truyền, tư vấn về pháp luật thương mại quốc tế, trong đó chú trọng các nội dung về quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại, chiến lược phát triển bền vững ngành dệt may tại các thị trường nước ngoài để doanh nghiệp chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh, chủ động chuẩn bị điều kiện thiết bị, năng lực quản trị, sản xuất với năng suất, chất lượng cao nhất để tiếp tục “đón sóng” đơn hàng mới.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/doanh-nghiep-may-mac-don-song-don-hang-moi/184312.htm