Doanh nghiệp mong giảm lãi suất, nới điều kiện vay

Dù room tín dụng cả năm 2023 được điều chỉnh, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay vẫn cao, điều kiện tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vẫn khó khăn.

Điều kiện tiếp cận vốn mới là điều sống còn

Room tín dụng là hạn mức cho vay mà một ngân hàng có thể cung cấp, được quy định bởi Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng giao cho toàn hệ thống ngân hàng thực hiện trong năm nay ở mức 14-15%. Trước đó, hồi tháng 2, chỉ tiêu này là 11%, với định hướng cả năm tăng 14-15%.

Để đạt được mức tăng trưởng tín dụng 14%, từ nay đến cuối năm 2023, hệ thống ngân hàng sẽ phải bơm ròng ra nền kinh tế thêm hơn 1,1 triệu tỷ đồng. Ảnh minh họa: Tạ Hải.

Để đạt được mức tăng trưởng tín dụng 14%, từ nay đến cuối năm 2023, hệ thống ngân hàng sẽ phải bơm ròng ra nền kinh tế thêm hơn 1,1 triệu tỷ đồng. Ảnh minh họa: Tạ Hải.

Với mức tăng trưởng tín dụng 4,73% trong nửa đầu năm, ước tính hệ thống ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế khoảng 560.000 tỷ đồng. Và để đạt được mức tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm thì từ nay đến cuối năm, hệ thống ngân hàng sẽ phải bơm ròng ra nền kinh tế thêm hơn 1,1 triệu tỷ đồng.

Vậy trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp tới đâu và các ngân hàng làm thế nào để có thể sử dụng hết room tín dụng được phân giao?

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết: “Chúng tôi nhìn nhận vẫn còn nhiều phân khúc khách hàng tiềm năng, có thu nhập cũng như hoạt động kinh doanh ổn định, điển hình như nhu cầu vay sản xuất kinh doanh nhỏ hay các hộ kinh doanh những hàng hóa cơ bản, thiết yếu, nhu cầu vay mua nhà ở”.

Cũng theo vị này, chiến lược phát triển bán lẻ của OCB những năm qua tập trung hướng đến phân khúc khách hàng trung lưu, đặc biệt là nhóm khách hàng trong độ tuổi trẻ, gia đình trẻ, nhóm khách hàng có nguồn thu nhập ổn định từ lương và nhóm khách hàng sản xuất kinh doanh ổn định.

Để tiếp tục mở rộng tín dụng, trong năm 2023, OCB đã xây dựng những gói lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm cho khách hàng vay vốn trong giai đoạn hiện nay với những thủ tục đơn giản, thời gian nhanh chóng.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, dịp cuối năm nhiều ngân hàng tha thiết xin được nới room tín dụng do chỉ tiêu đã hết song nhu cầu vay vốn vẫn rất lớn. Năm nay, tốc độ tăng trưởng đã chững lại. Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẵn sàng nới rộng khung giới hạn, nhờ vậy các ngân hàng có thể chủ động trong hoạt động cho vay cũng như kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, các ngân hàng phải chịu trách nhiệm đánh giá khách hàng, khoản vay sao cho đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Đơn giản điều kiện tiếp cận vốn

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, việc nới room tín dụng chỉ là một yếu tố, chi phí và điều kiện tiếp cận vốn mới là vấn đề.

Ông Vũ Minh Quân, Giám đốc Công ty CP DVC Hà Nội - đơn vị sản xuất chiếu và thảm nói thẳng, hiện doanh nghiệp quá khó khăn nên cũng chẳng tha thiết vay vốn để làm gì: “Từ năm ngoái đến nay, tôi đã nhiều lần làm hồ sơ vay vốn để có kinh phí nghiên cứu chuyển đổi mô hình, sản phẩm, tuy nhiên các ngân hàng đều lắc đầu”.

Theo ông Quân, từ cuối năm ngoái đến nay, sản lượng giảm hơn 50%, thậm chí lên tới 80% do sức mua không có, kể cả khi sản phẩm đã hạ giá mạnh. Chẳng hạn dòng chiếu cói điều hòa giá 250 nghìn đồng/chiếu, giờ giảm về dưới giá vốn, ngưỡng 150 nghìn cũng không ai mua. Hiện công ty còn tồn kho gần 100.000 chiếc chiếu và thảm, trị giá khoảng 10 tỷ đồng. Cộng với nợ thị trường và nguyên liệu thì tổng lượng vốn bị đọng khoảng 15 tỷ đồng khiến doanh nghiệp này đứng trước nguy cơ đóng xưởng.

Do đó, ông Quân cho rằng, quan trọng nhất hiện nay không phải là nới room tín dụng mà Nhà nước, ngân hàng phải cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, điều chỉnh chính sách để làm sao doanh nghiệp tiếp cận được vốn.

Ông Quân kiến nghị, cần có gói tín dụng phân bổ cho các địa phương bởi họ nắm bắt sát sao tình hình chung trên địa bàn cũng như hoạt động của doanh nghiệp. Như vậy sẽ tránh được rủi ro, mà thủ tục cũng nhanh gọn hơn.

DVC chỉ là một trong số rất nhiều doanh nghiệp khát vốn song không tiếp cận nổi. Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam cho hay, khảo sát cho thấy, có đến 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ khó hoặc không thể tiếp cận được tài chính. Phần lớn họ không có bất động sản để thế chấp, cũng không đủ bề dày hoạt động để thuyết phục ngân hàng.

Do đó, theo ông Hồng Anh, bên cạnh việc nới room tín dụng thì cần có chính sách để “cởi trói” điều kiện vay cho doanh nghiệp.

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) mới đây cũng có kiến nghị, nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi theo ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực, trong đó có những khoản mục dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính nhận định, dư nợ tín dụng tăng trưởng thấp hiện nay chủ yếu là do sức cầu của nền kinh tế yếu và lãi suất còn cao, nên doanh nghiệp không muốn hoặc không có khả năng vay.

“Lãi suất cho vay bình quân đến giữa tháng 6/2023 là 8,9%. Với lạm phát so với cùng kỳ hiện nay đang ở mức 2%, mức lãi suất cho vay thực là 6,9%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cũng như mức lãi suất thực trung bình của giai đoạn 2013-2021 là 5,9% và 4,6%.

Đây là mức lãi suất cản trở phục hồi kinh tế và tăng trưởng, làm giảm tổng cầu đồng thời làm tăng nợ xấu. Do đó, cần thiết giảm lãi suất mới thúc đẩy tăng trưởng tín dụng”, ông Độ nói.

Ngân hàng Nhà nước cho biết đã điều hành để duy trì thanh khoản dồi dào, sẵn sàng cung ứng vốn cho phục hồi và phát triển kinh tế. Trước đó, cơ quan này đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần lãi suất điều hành, ban hành thông tư cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát đơn giản hóa thủ tục cho vay. Đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022.

Hồng Hạnh - Hoàng Anh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/doanh-nghiep-mong-giam-lai-suat-noi-dieu-kien-vay-d597646.html