Doanh nghiệp nhỏ khát vốn, Fintech có phải lối thoát?

Nhu cầu vốn của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang chạm ngưỡng 'khát' trong khi các ngân hàng vẫn 'kín cửa' với lý do không đủ tài sản thế chấp. Fintech xuất hiện như một 'lối thoát' mới, nhưng liệu có thực sự là cứu tinh? Hay đó lại là một con dao hai lưỡi chứa đựng rủi ro tiềm ẩn và những thách thức pháp lý mà cả doanh nghiệp lẫn khách hàng phải đối mặt?

Sáng 25/10, tại Tọa đàm về chiến lược tài chính toàn diện quốc gia do Báo Nhân dân và Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số (IDS) tổ chức, các chuyên gia đã chỉ ra một nghịch lý đáng báo động. Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam đang ở mức rất cao, nhưng khả năng tiếp cận nguồn tín dụng lại bị ngăn trở bởi rào cản thế chấp.

Doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận tín dụng ngân hàng do thiếu tài sản thế chấp, trong khi fintech được coi là lối mở mới cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để giải bài toán vốn.

Doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận tín dụng ngân hàng do thiếu tài sản thế chấp, trong khi fintech được coi là lối mở mới cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để giải bài toán vốn.

Nhiều doanh nghiệp phải “lắc đầu ngao ngán” vì không có đủ tài sản thế chấp. Ngân hàng dù khẳng định "dư thừa vốn" cho doanh nghiệp vay, nhưng việc yêu cầu tài sản đảm bảo đã khiến hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chật vật tìm cách xoay vốn từ các nguồn khác.

Trong bối cảnh đó, các công ty công nghệ tài chính (fintech) nổi lên như một “cứu tinh”, cung cấp giải pháp vay vốn thay thế nhờ ưu thế về công nghệ và dữ liệu. Nhưng liệu fintech có thực sự là giải pháp hoàn hảo cho bài toán tín dụng của doanh nghiệp nhỏ, hay lại chứa đựng những rủi ro và cũng không thiếu thách thức.

Fintech - Cứu cánh hay rủi ro tiềm ẩn?

Mặc dù các ngân hàng lớn luôn khẳng định “dư thừa vốn” để cho vay, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng. Lý do chính là thiếu tài sản thế chấp – điều kiện cơ bản mà ngân hàng đòi hỏi để đảm bảo cho vay. Phần lớn các ngân hàng hiện nay vẫn ưu tiên thẩm định tài sản thế chấp thay vì đánh giá tính khả thi của dự án kinh doanh, khiến những doanh nghiệp nhỏ, thường không có tài sản đảm bảo, bị đẩy ra khỏi “sân chơi” tài chính.

Trước tình hình đó, các doanh nghiệp fintech nổi lên như một lựa chọn mới, mang đến hy vọng cho những doanh nghiệp nhỏ khát vốn. Nhờ lợi thế về công nghệ và khả năng thu thập, phân tích dữ liệu, fintech không đòi hỏi tài sản thế chấp mà dựa vào thông tin tài chính và hành vi khách hàng để thẩm định khả năng tín dụng, từ đó đưa ra quyết định cho vay. Điều này giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận vốn dễ dàng hơn, mở ra “lối thoát” cho vấn đề tài chính mà họ đang gặp phải.

Dù vậy, sự phát triển của fintech cũng đang gặp khó khăn không nhỏ trong việc thu hồi nợ. Thiếu một khung pháp lý hỗ trợ cụ thể đã khiến nhiều doanh nghiệp fintech phải đối mặt với tình trạng “bùng nợ”, khi khách hàng không có ý định trả nợ sau khi vay. Ngoài ra, các trường hợp gian lận tài chính, mạo danh công ty tài chính để lừa đảo cũng gia tăng, tạo ra rủi ro không nhỏ cho các công ty fintech. Ông Mai Danh Hiền, Tổng Giám đốc EVN Finance, cho biết các công ty tài chính số phải đối diện với tình trạng khó đòi nợ do nhân lực hạn chế và thiếu các đơn vị trung gian chuyên trách đòi nợ, đồng thời nhiều tổ chức tài chính cũng phải đau đầu vì các vụ mạo danh, lừa đảo.

Theo ông Mai Danh Hiền, hiện nay quy định pháp lý cho fintech vẫn còn nhiều bất cập. Hầu hết các công ty tài chính chỉ tập trung vào cho vay tiêu dùng, trong khi thị trường cho vay doanh nghiệp nhỏ vẫn là một “vùng đất chưa được khai phá” do những rào cản về pháp lý. “Thiếu khung pháp lý là rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của fintech. Điều này rất cần được cải thiện để hỗ trợ sự phát triển bền vững trong lĩnh vực tài chính công nghệ,” ông Hiền chia sẻ.

Khung pháp lý còn bỏ ngỏ, nguy cơ bùng nợ gia ăng

Trước vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Kiên – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – đề xuất mô hình hợp tác giữa các tổ chức tài chính truyền thống và fintech để giải quyết khoảng trống tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ. Ông nhấn mạnh rằng, sự kết hợp này không nhằm cạnh tranh mà để lấp đầy những “khoảng trống” mà ngân hàng chưa đáp ứng được. Nhưng trở ngại lớn nhất hiện nay vẫn là khung pháp lý chưa đủ chặt chẽ để bảo vệ cả nhà cung cấp dịch vụ lẫn người vay. Ông nhấn mạnh rằng Nhà nước có thể đóng vai trò “bà đỡ” bằng cách hoàn thiện hành lang pháp lý linh hoạt, minh bạch nhằm tạo môi trường phát triển bền vững cho fintech.

Kinh nghiệm quốc tế cũng đã chứng minh tính hiệu quả của sự kết hợp này. Tại Ấn Độ và Indonesia, chính phủ đã xây dựng khung pháp lý thử nghiệm cho phép các công ty fintech hợp tác với ngân hàng và cung cấp dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ ở các khu vực khó tiếp cận.

Ở Ấn Độ, mạng lưới đại lý ngân hàng đã được phát triển để cung cấp dịch vụ tài chính tới các vùng nông thôn và doanh nghiệp nhỏ, giúp số lượng doanh nghiệp tiếp cận vốn tăng 25% trong vòng 5 năm qua. Indonesia cũng đã thiết lập mô hình “đại lý ngân hàng” từ năm 2013, với sự tham gia của các tổ chức phi ngân hàng cùng cung cấp dịch vụ cho cộng đồng. Ngân hàng Trung ương Indonesia còn thử nghiệm khung pháp lý dành riêng cho các công ty fintech, nhằm thúc đẩy tài chính số cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng phát triển tài chính số là xu thế tất yếu. Việc ứng dụng công nghệ và mở rộng dịch vụ tài chính số không chỉ giúp tối ưu hóa dịch vụ, mà còn nâng cao hiệu quả quản lý, tăng khả năng tiếp cận vốn cho các đối tượng yếu thế. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh cần có sự hợp tác giữa các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính vi mô để đảm bảo dịch vụ phù hợp với doanh nghiệp nhỏ, đồng thời bảo vệ quyền lợi người dùng.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo cần kiểm soát chặt chẽ sự phát triển của các sản phẩm tài chính số, nhiều người dân hiện có đến vài tài khoản nhưng không sử dụng hết, tránh tình trạng lãng phí xã hội khi số lượng tài khoản ngân hàng ngày càng tăng nhưng không được sử dụng triệt để.

Tuy nhiên, ông Tú nhấn mạnh rằng đây là điều không thể tránh trong nền kinh tế thị trường, nên không phải lúc nào cũng có thể cứng nhắc ngăn cản được khi ngân hàng nào cũng phát hành và điều cần thiết là xây dựng khung pháp lý để quản lý hiệu quả.

"Các sản phẩm dịch vụ tài chính mới với nhiều công nghệ mới đem lại nhiều thuận lợi, tạo ra hướng đi, tạo ra "con đường mới" cho các doanh nghiệp tiếp cận các đối tượng của tài chính vi mô", Phó Thống đốc nói.

Lời cảnh báo của Phó Thống đốc càng nhấn mạnh tầm quan trọng của một hệ thống tài chính số không chỉ giúp doanh nghiệp nhỏ dễ dàng tiếp cận vốn, mà còn đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên trong bối cảnh nền kinh tế thị trường cạnh tranh, với xu hướng không dùng tiền mặt ngày càng mạnh mẽ.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/doanh-nghiep-nho-khat-von-fintech-co-phai-loi-thoat-1103269.html