Doanh nghiệp 'than' khó về quy định chi phí tái chế sản phẩm, bao bì

Luật Bảo vệ Môi trường quy định, từ 1/1/2024, nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR). Đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho rằng, 80% doanh nghiệp thuộc hiệp hội kêu khó.

Phát biểu tại hội thảo “Góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về định mức chi phí tái chế thực hiện trách nhiệm EPR của nhà sản xuất, nhập khẩu”, ngày 28/6, bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng 100% các doanh nghiệp đều ủng hộ việc cần thiết phải tái chế bao bì, sản phẩm để tận dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, 80% doanh nghiệp cho biết có nhiều khó khăn trong thực hiện và gần 62% doanh nghiệp mới nghe nói đến các quy định EPR trong 1 năm qua. Công thức tính chi phí tái chế hiện nay hoàn toàn bỏ qua giá trị sản phẩm thu hồi được sau tái chế.

Với những vật liệu giá trị thu hồi cao như nhôm, giấy carton, nhựa cứng, nhà tái chế đang có lãi. Việc yêu cầu nhà sản xuất đóng góp để hỗ trợ nhà tái chế đang có lãi là chưa hợp lý, vì giá cả hàng hóa sẽ tăng khi không cần thiết, người tiêu dùng chịu thiệt hại.

80% doanh nghiệp ngành bia rượu và nước giải khát cho rằng, quy định chi phí tái chế sản phẩm, bao bì sắp có hiệu lực khiến doanh nghiệp gặp khó.

80% doanh nghiệp ngành bia rượu và nước giải khát cho rằng, quy định chi phí tái chế sản phẩm, bao bì sắp có hiệu lực khiến doanh nghiệp gặp khó.

Theo bà Vân Anh, với những vật liệu giá trị thu hồi thấp như túi ni-lon, bao bì giấy hỗn hợp ít được tái chế vì lỗ, nguy cơ với môi trường cao, cần nhà sản xuất đóng góp hỗ trợ nhà tái chế.

Nếu chi phí cao bất hợp lý, giá sản phẩm sẽ tăng cao trong khi lợi ích với môi trường là không có và doanh nghiệp lại gặp khó khăn.

“Dự thảo cần tính toán và đưa ra phí tái chế cho hợp lý để doanh nghiệp vừa tiết kiệm được chi phí sản xuất vừa đẩy mạnh tái chế bao bì thúc đẩy kinh tế tuần hoàn”, bà Vân Anh kiến nghị.

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện có 3 luồng ý kiến liên quan đến chi phí tái chế sản phẩm, bao bì.

Theo đó, các nhà sản xuất, hiệp hội cho rằng chi phí là cao nhưng lại chưa đưa ra cụ thể là cao so với mặt bằng nào.

Đối với các nhà tái chế, họ cho rằng, chi phí này là thấp, chưa phản ánh được thực tế tái chế tại Việt Nam. Chi phí thấp sẽ khó thu hút đầu tư vào lĩnh vực tái chế, trong bối cảnh đang có rất ít người đầu tư vào lĩnh vực này.

Các tổ chức quốc tế và các chuyên gia thì cho rằng, kinh phí này thực tế tại Việt Nam còn thấp, cần có sự phân biệt các loại sản phẩm bao bì để đưa ra chi phí cụ thể. Nếu sản phẩm, bao bì nào khó tái chế hoặc không tái chế thì chi phí phải cao để thay đổi hành vi của nhà sản xuất. Nếu sản phẩm, bao bì thân thiện với môi trường, dễ tái chế thì chi phí sẽ thấp hơn.

Cũng theo ông Hùng, khi đưa ra mức chi phí, cơ quan soạn thảo dự thảo đã tham vấn 72 cơ sở tái chế trên cả nước để tính ra chi phí thực tế tại Việt Nam. Đồng thời có tham khảo, tham vấn các chuyên gia, doanh nghiệp; tham khảo kinh nghiệm các nước để bảo đảm sự đồng thuận giữa nhà sản xuất và nhà tái chế.

“Chúng tôi có nhóm nghiên cứu độc lập được thực hiện cách đây khoảng 2 năm, khảo sát trên 72 cơ sở tái chế trên cả nước. Chúng tôi bảo đảm tính độc lập, khách quan khi đưa ra mức chi phí”, ông Hùng nói.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định các sản phẩm như bao bì, xăm lốp, dầu nhớt sẽ thực hiện chi phí tái chế sản phẩm, bao bì từ ngày 1/1/2024.

Ngành điện tử sẽ bắt đầu thực hiện chi phí tái chế sản phẩm, bao bì từ ngày 1/1/2025, ngành ô tô xe máy bắt đầu từ ngày 1/1/2027.

Hà Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/doanh-nghiep-than-kho-ve-quy-dinh-chi-phi-tai-che-san-pham-bao-bi/20230628024539789