Doanh nghiệp TP.HCM có đơn hàng nhưng bị ép giá, thiếu nhân lực
Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết các doanh nghiệp trên địa bàn đã có đơn hàng đến đầu năm 2025, nhưng bị ép giá và lúng túng trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và số hóa.
Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM thường kỳ tháng 10 sáng 31/10, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) - cho biết hầu hết doanh nghiệp tại TP hiện đã có đủ đơn hàng đến hết năm và cả quý I/2025.
Các doanh nghiệp cũng đang tích cực chuẩn bị hàng hóa cao điểm mua sắm cuối năm, cũng như "gối đầu" cho năm tới.
Dù đơn hàng trở lại, song ông Hòa nhìn nhận các doanh nghiệp đang chịu tình trạng bị "ép giá", biên lợi nhuận ngày càng bị thu hẹp, chỉ cần một biến động nhỏ cũng có thể không còn lợi nhuận.
Doanh nghiệp lúng túng chuyển đổi xanh và số
Ngoài áp lực về giá, ông Hòa cho hay các doanh nghiệp đang vừa phải sản xuất và duy trì đơn hàng, vừa phải đầu tư để giải quyết các điểm nghẽn có thể gặp phải trong năm 2025, đặc biệt là các rào cản về tiêu chuẩn xanh và số hóa.
Theo ông, các đối tác yêu cầu sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và có khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng thông qua QR code.
Không chỉ yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mà ngay cả nguyên liệu đầu vào cũng cần có chứng chỉ bền vững.
"Các sản phẩm nông sản xuất khẩu có giá tốt như sầu riêng, cà phê, tiêu và gạo đều cần minh bạch về quy trình sản xuất, chăm sóc và bón phân. Ngành dệt may và da giày cũng đối mặt với áp lực tương tự khi bị yêu cầu truy xuất nguồn gốc vải, trong khi nguyên liệu đầu vào của chúng ta hầu hết đều là nhập khẩu", ông chia sẻ.
Chủ tịch HUBA nhận định các doanh nghiệp tại TP.HCM chủ yếu đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên áp lực từ yêu cầu chuyển đổi xanh và số hóa càng trở nên nặng nề hơn. Dù các doanh nghiệp rất mong muốn đầu tư vào chuyển đổi và sẵn sàng chịu chi phí cho quá trình này, nhưng họ vẫn gặp khó khăn và lúng túng vì không biết bắt đầu từ đâu.
"Đối với các doanh nghiệp lớn như Vinamilk hay Vingroup, quá trình chuyển đổi này dễ dàng hơn vì họ có nguồn lực mạnh. Nhưng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc triển khai chuyển đổi gặp nhiều khó khăn do hạn chế về tài chính và không biết chọn bước đi nào phù hợp, trong khi có rất nhiều đơn vị chào mời", ông nói.
Ông Hòa nhìn nhận tình hình lãi suất đang diễn biến tích cực, khi các ngân hàng chủ động mời gọi doanh nghiệp vay vốn, giúp giảm áp lực về tài chính.
Tuy nhiên, đến nay TP.HCM vẫn chưa thành lập 2 tổ công tác để triển khai các nguồn lực theo Quyết định 42 của UBND TP về chương trình hỗ trợ lãi suất.
Ông Hòa cho biết Công ty Tài chính Nhà nước TP.HCM đã bắt đầu tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và thông báo đủ điều kiện vay, song các doanh nghiệp vẫn chưa dám giải ngân do chưa có sự công nhận thuộc diện hưởng chính sách hỗ trợ này.
Do đó, ông kiến nghị TP sớm ban hành quyết định thành lập hai tổ công tác để các doanh nghiệp có thể giải ngân nguồn vốn hỗ trợ và đẩy mạnh quá trình đầu tư cần thiết.
Thiếu nhân lực
Ngoài những khó khăn trên, đại diện HUBA cho biết doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động mới, khi lượng nhập cư tại TP.HCM đang ghi nhận giảm, gây ảnh hưởng đến nguồn cung lao động.
"Sau đại dịch, do không có đơn hàng, nhiều lao động trở về quê và không quay lại TP.HCM", ông nói.
Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tăng cao do giá điện cũng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.
Chưa kể, việc triển khai bảng giá đất mới tại TP.HCM cũng tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp. Ông Hòa kiến nghị các sở, ban, ngành xem xét và có hướng dẫn rõ ràng cho các doanh nghiệp đã nộp tiền sử dụng đất từ 5-7 năm trước nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ảnh hưởng đến khả năng vay vốn.
Tại buổi họp, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương - cũng đồng tình với những phản ánh từ HUBA.
Theo ông, bên cạnh việc chịu chi phí tăng cao từ chuỗi cung ứng, công tác quản lý trong nước vẫn còn lỏng lẻo. Đặc biệt, sự phát triển của thương mại điện tử đã tác động đến sự công bằng bình đẳng cho các đơn vị tham gia.
Do đó, ông kiến nghị cần có sự quản lý kịp thời và quyết liệt hơn để đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, số doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng đầu năm giảm 1,2% và vốn giảm 16,8% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, số doanh nghiệp tham gia thị trường tăng 2,4%, trong khi số lượng doanh nghiệp rút lui lại tăng đến 6,5% so với cùng kỳ.