Doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật là thành công của ngành Hải quan

Từ Chương trình thí điểm hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, cơ quan hải quan muốn các doanh nghiệp chủ động tìm hiểu chính sách, pháp luật, chuẩn bị sẵn sàng hướng tới tuân thủ tốt pháp luật và giúp doanh nghiệp giảm chi phí.

Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Văn Chung

Chuyển từ “bị động” sang “chủ động”

Năm 2022, Cục Quản lý rủi ro đã trình lãnh đạo Tổng cục Hải quan ban hành Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan với mục tiêu cung cấp những giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu để nâng cao mức độ tuân thủ, giảm tỷ lệ kiểm tra của cơ quan hải quan.

Trong đó, cơ quan hải quan đánh giá doanh nghiệp có mức độ tuân thủ tốt, tỷ lệ các công việc mà cơ quan hải quan thực hiện quản lý thấp hơn và dành nhiều nguồn lực để quản lý các doanh nghiệp được đánh giá tuân thủ chưa tốt hoặc không tuân thủ pháp luật.

Thời điểm đưa ra Chương trình này, Tổng cục Hải quan xác định thành công của Chương trình chính là số lượng doanh nghiệp duy trì được mức độ tuân thủ và nâng mức độ tuân thủ.

Sau 2 năm triển khai, ông Nguyễn Nhất Kha - Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) mới đây đã vui mừng thông báo: Trong số 295 doanh nghiệp tham gia, có trên 80% doanh nghiệp duy trì được mức độ tuân thủ và tăng mức độ tuân thủ. Trong đó, có 118 doanh nghiệp nâng mức độ tuân thủ từ mức 3, 4, 5 lên mức 2, 3; 135 doanh nghiệp giữ nguyên mức độ tuân thủ (mức 2, 3).

Nghe con số thống kê khô khan sẽ không thể mường tượng được lợi ích của việc “nâng mức độ tuân thủ”. Bởi vậy, ông Kha giải thích thêm, doanh nghiệp có mức độ tuân thủ thấp được nâng mức độ tuân thủ cao hơn thì tỷ lệ kiểm tra lại thấp đi. Nói cách khác, doanh nghiệp càng tuân thủ pháp luật tốt, cơ quan càng tin tưởng vào hoạt động xuất nhập khẩu, dẫn đến kiểm tra giấy tờ hàng hóa ít hơn, từ đó thời gian thông quan cho mỗi lô hàng của doanh nghiệp đó sẽ nhanh hơn.

Một mặt khác, những doanh nghiệp giữ vững được mức độ tuân thủ (tuân thủ tốt) là những doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật mà vẫn phải đáp ứng lượng tờ khai, kim ngạch như đã cam kết với cơ quan hải quan.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Nhất Kha cho biết, cơ quan hải quan đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai về cách thức, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ. Trong đó, cơ quan hải quan và doanh nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ để quy định rõ những công việc mà 2 bên phải làm, thống nhất những hoạt động mà cơ quan hải quan hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời chỉ ra những vấn đề mà doanh nghiệp phải lưu ý. Đây là tiền đề dẫn đến thành công của Chương trình.

Thể hiện sự hào hứng khi là một trong số các doanh nghiệp tham gia Chương trình thí điểm, ông Dương Quốc Phi, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 cho biết, trước khi tham gia Chương trình thí điểm, doanh nghiệp thường xuyên “bị động” tuân thủ pháp luật hải quan, phụ thuộc vào sự hướng dẫn, "cầm tay chỉ việc" của cán bộ, công chức hải quan. Tuy nhiên, kể từ khi tham gia Chương trình, bất cứ hoạt động của doanh nghiệp đều mang tính tự nguyện, chuyển từ bị động sang chủ động tuân thủ pháp luật.

Nói về lợi ích của Chương trình, ông Dương Quốc Phi ví dụ: Dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp chỉ cần một công đoạn bất kỳ chậm trễ sẽ khiến cho toàn bộ dây chuyền dừng hoạt động. Chính vì vậy, khi tờ khai ở luồng Xanh - được thông quan và giải phóng hàng ngay, doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí. Khi doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật, tỷ lệ tờ khai luồng Xanh tăng lên, giảm tỷ lệ tờ khai rơi vào luồng Vàng - kiểm tra hồ sơ, luồng Đỏ - kiểm tra thực tế hàng hóa, đồng nghĩa doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí, nguồn lực.

Thay đổi phương thức lựa chọn thành viên

Được biết, hiện Tổng cục Hải quan đã dự thảo quyết định triển khai chính thức Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan để xin ý kiến các cục hải quan tỉnh, thành phố; các hiệp hội doanh nghiệp; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)…

5 mức tuân thủ pháp luật hải quan

Cơ quan hải quan đánh giá doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở 5 mức tuân thủ, mức cao nhất là doanh nghiệp ưu tiên (mức 1) và thấp nhất là doanh nghiệp không tuân thủ (mức 5). Cơ quan hải quan công bố công khai mức độ tuân thủ của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Hải quan.

Đối với các doanh nghiệp là thành viên của Chương trính thí điểm có nguyện vọng tiếp tục tham gia thì sẽ được trở thành thành viên của Chương trình chính thức. Nội dung này sẽ được quy định trong một điều khoản chuyển tiếp trong quyết định.

Căn cứ vào nguồn lực hiện có, cơ quan hải quan dự kiến có khoảng 600 doanh nghiệp tham gia triển khai Chương trình chính thức. Các doanh nghiệp này phải đáp ứng các tiêu chí đảm bảo các doanh nghiệp khi tham gia cũng nhận được quyền lợi được hỗ trợ và đảm bảo đạt được những lợi ích, kết quả như quá trình thí điểm.

Về cách thức, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với các cục hải quan địa phương lựa chọn các doanh nghiệp tham gia. Cách lựa chọn cũng có sự khác biệt. Khi thí điểm, doanh nghiệp được lựa chọn chủ yếu căn cứ trên đánh giá của chính đơn vị hải quan quản lý đối với sự năng động, tích cực trong quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp. Còn với Chương trình chính thức, điểm quan trọng đầu tiên được dùng để cân nhắc lại chính là “sự thấu hiểu bản thân” của chính doanh nghiệp.

“Với các bộ tiêu chí cơ quan hải quan đã đặt ra, các mức tuân thủ đã được quy định trong văn bản pháp luật, doanh nghiệp phải tự đánh giá được nội tại. Vì sao mình ở mức này, muốn nâng lên mức cao hơn thì cần cải thiện điều gì và cần cơ quan hải quan hỗ trợ điều gì. Từ đó, doanh nghiệp chủ động đề nghị. Đó sẽ là yếu tố quyết định việc tham gia”- đại diện Cục Quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan chia sẻ.

Đây cũng là điểm cốt lõi để lan tỏa tinh thần của Chương trình chính thức, bởi, khi doanh nghiệp tự nhìn ra điểm yếu, cùng cơ quan hải quan tìm giải pháp khắc phục thì hiệu quả của Chương trình sẽ được nâng cao tốt hơn rất nhiều.

Từ Chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, cơ quan hải quan cũng mong muốn các doanh nghiệp chủ động tìm hiểu chính sách, pháp luật, chuẩn bị sẵn sàng hướng tới tuân thủ tốt pháp luật và giúp doanh nghiệp giảm chi phí.

ÔNG LƯU MẠNH TƯỞNG, PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN: Đảm bảo hài hòa giữa năng lực quản lý và thực thi

Kết quả sau 2 năm triển khai thí điểm chương trình đã góp phần đưa quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp ngày càng thiết thực, cụ thể. Với số lượng doanh nghiệp tăng mức độ tuân thủ, giữ nguyên mức độ tuân thủ cũng thể hiện vai trò tạo thuận lợi của cơ quan Hải quan.

Quá trình tổng kết, Tổng cục Hải quan phân tích đánh giá kỹ kết quả thực hiện, chuyển biến trong cộng đồng doanh nghiệp, đem lại hiệu quả quản lý hải quan để đề xuất triển khai chính thức, tuyên truyền đầy đủ đến từng đối tượng doanh nghiệp thấy rõ lợi ích mà chương trình mang lại, qua đó tự nguyện tham gia chính thức Chương trình.

Để triển khai chính thức chương trình, Tổng cục Hải quan đang đề nghị các đơn vị liên quan, các vụ, cục cũng như cục hải quan tỉnh, thành phố tiếp tục tham gia ý kiến, đặc biệt là vào bộ tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia; mở rộng đối tượng tham gia..., đảm bảo hài hòa giữa năng lực quản lý và thực thi.

ÔNG CHEN KUO-CHUAN, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH COMPAL (VIỆT NAM): Doanh nghiệp tự tin hơn khi chia sẻ khó khăn, vướng mắc

Là một doanh nghiệp ưu tiên, Công ty luôn đặt việc tự tuân thủ pháp luật hải quan lên hàng đầu. Việc không ngừng nâng cao nhận thức về tuân thủ pháp luật, cập nhật kiến thức về quy định hải quan và điều chỉnh các phương pháp quản lý phù hợp giúp doanh nghiệp giảm thiểu vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.

Đồng thời, Compal Việt Nam cũng chủ động đề xuất những điều chỉnh về quy định, vừa đáp ứng yêu cầu tuân thủ vừa thích ứng với những mô hình kinh doanh mới, bao gồm các mô hình lần đầu xuất hiện tại Việt Nam.

Sự hợp tác giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp mang lại lợi ích rõ rệt, đó là quá trình trao đổi, kết nối, và học hỏi từ cơ quan hải quan giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hiệu quả hơn.

Doanh nghiệp cũng tự tin hơn khi thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và những hạn chế trong các quy định hiện hành. Nhờ vậy, Compal Việt Nam đã có thể mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/doanh-nghiep-tuan-thu-tot-phap-luat-la-thanh-cong-cua-nganh-hai-quan-161594-161594.html