Doanh nghiệp vẫn đang chịu cảnh 'ba chìm, bảy nổi' ngay trên 'sân nhà'

Từ phản ánh những bất cập trong đấu thầu, di dời nhà xưởng, hoàn thuế, truy thu thuế, 'khoảng trống' pháp lý, quy định mới chưa phù hợp… sẽ thấy nếu để vướng mắc kéo dài sẽ tự làm khó cho các doanh nghiệp nội địa ngay tại 'sân nhà'. Và như thế họ càng gặp nhiều bất lợi trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.

Phản ánh mới đây từ CTCP Dược phẩm OPC (ở quận 6, Tp.HCM) cho rằng đấu thầu thuốc đang cạnh tranh giá khốc liệt, tùy độ lớn của gói thầu mà tập trung hay riêng lẻ cũng như tùy từng địa bàn xa, gần mà doanh nghiệp (DN) có những chính sách giá đấu phù hợp. Thế nhưng Bảo hiểm Xã hội Tp.HCM đang yêu cầu giá thuốc chênh lệch 5% trên toàn quốc là quá khó cho DN, trong khi không có qui định nào cụ thể về chênh lệch giá như vậy.

Bất cập ngay tại địa phương

Như lưu ý của Công ty OPC, chưa kể có năm áp dụng mức chênh 10%, có năm lại áp dụng 5%. Trong khi đó, nguyên liệu đầu vào tăng, xăng dầu tăng mà thêm qui định này khiến cho DN khó điều chỉnh giá thuốc.

Nếu để nhữngvướng mắc kéo dài sẽ tự làm khó cho các DN nội địa ngay tạiđịa phương “sân nhà”càng gặp nhiều bất lợi trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.

Về việc này, đại diện Phòng Nghiệp vụ Dược của Sở Y tế Tp.HCM cho biết đã nhiều lần trao đổi với Bảo hiểm Xã hội Tp.HCM có liên quan đến việc tăng giá nguyên liệu và những chi phí khác trong hoạt động đấu thầu cũng như vấn đề yêu cầu giá thuốc chênh lệch 5% giữa các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc. Và thực tế cho thấy việc xét giá chênh lệch 5% với một số trường hợp là không phù hợp.

Hoặc theo phản ánh gần đây từ Hội Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay các DN chế biến thủy sản đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn một số DN chế biến như Baseafood, Thanh Hào, Hoàng Thắng đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của địa phương về việc di dời các nhà máy sản xuất từ các khu dân cư Long Hải, Phước Hải, Long Sơn về cụm công nghiệp chế biến hải sản tập trung.

Tuy nhiên, các DN này mặc dù đã xây dựng nhà máy đi vào hoạt động được 3 năm nhưng đến nay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn chưa cấp hoặc chưa có hợp đồng cho thuê đất hoặc thuê cơ sở hạ tầng trong cụm công nghiệp. Điều đó gây rất nhiều rủi ro cho các DN vì không được hoàn thuế phần xây dựng nhà xưởng, không được vay vốn ngân hàng.

Hội Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng kiến nghị trong tỉnh nên đẩy mạnh xây dựng khu chế biến hải sản tập trung nhằm di dời các DN đang tồn tại đan xen trong khu dân cư. Đơn cử như Tp. Vũng Tàu có quyết định di dời 86 DN chế biến thủy sản ra khỏi thành phố từ cách đây 2 năm, nhưng nếu thực hiện việc di dời thì các DN này không biết di dời đi đâu trong khi trong tỉnh chưa có đầy đủ các khu chế biến thủy sản tập trung.

Không chỉ có vậy, các DN chế biến thủy sản ở tỉnh này đang lao đao trong việc xác minh, bổ sung giấy tờ để được hoàn thuế về số lượng nguyên liệu đã thu mua của ngư dân từ năm 2016-2017.

Bởi lẽ, vừa qua Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thanh, kiểm tra thuế từ năm 2016-2017 tại các DN chế biến thủy sản và phát hiện việc kê khai thu mua nguyên liệu từ một số tàu thuyền đánh bắt hải sản chưa có giấy phép khai thác. Từ đó, Cục thuế đã loại tất cả chi phí thu mua nguyên liệu từ những tàu thuyền này ra khỏi danh mục được hoàn thuế, đồng thời truy thu thuế thu nhập DN 20% trên toàn bộ chi phí nguyên liệu này.

Với hai phản ánh nêu trên của DN ở Tp.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để thấy chính việc tồn tại những bất cập trong chính sách và trong khâu quản lý ngay tại địa phương “sân nhà” khiến cho họ gặp nhiều khó khăn. Nhất là trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt thì những vướng mắc này như thể “lấy đá ghè chân” làm giảm động lực sản xuất kinh doanh của họ.

Khó tránh bất lợi cạnh tranh

Ngoài ra, có thể kể thêm phản ánh mới nhất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) về vướng mắc, bất cập đối với sản xuất kinh doanh các sản phẩm thủy sản tiêu thụ nội địa.

Cụ thể, trong văn bản gửi đến lãnh đạo Bộ NN&PTNT vào cuối tháng 9/2024, Vasep cho biết một số mặt hàng thủy sản đang không đưa được vào các siêu thị tại thị trường nội địa kể từ tháng 2/2024 khi Thông tư 28/2019/TT-BNNPTNT đã bị bãi bỏ hoàn toàn từ ngày 5/2/2024 bởi Thông tư 15/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ NN&PTNT.

“Đến nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào thay thế Thông tư 28 được ban hành tạo ra khoảng trống về pháp lý khiến việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản của Việt Nam tại các kênh phân phối chính thống tại thị trường Việt Nam gặp nhiều khó khăn”, phía Vasep nêu rõ.

Chính vì vậy, hiệp hội này đề nghị cần ban hành Thông tư thay thế Thông tư 28 và có văn bản hướng dẫn về Ngưỡng Tham chiếu cho Hoạt động (RPA) hoặc Ngưỡng Hoạt động theo Quy định (RAL) áp dụng cho các chỉ tiêu kháng sinh cấm sử dụng trong sản phẩm thủy sản tiêu thụ nội địa trong thời gian Thông tư mới chưa được ban hành.

Hoặc như mới đây, khi góp ý vào Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ, trên cơ sở ý kiến của một số DN và hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ rõ một số bất cập trong Quy định chung về Hợp đồng vận tải.

Chẳng hạn như tại khoản 2 Điều 17, khoản 1 Điều 18 Dự thảo, có quy định “trong hợp đồng vận tải hành khách, hàng hóa phải cung cấp số định danh cá nhân của người đại diện ký hợp đồng của đơn vị kinh doanh vận tải và số định danh cá nhân của hành khách hoặc người thuê vận tải”.

VCCI cho biết theo DN phản ánh, quy định này là chưa phù hợp với việc vận tải qua hợp đồng điện tử, nhất là các DN cung cấp dịch vụ vận tải qua ứng dụng phần mềm kết nối.

“DN cũng sẽ gặp vướng mắc, khó khăn trong trường hợp hành khách, người thuê vận tải là khách du lịch, người nước ngoài không có số định danh cá nhân (căn cước công dân). Đối với khách nước ngoài, thông tin giấy tờ tùy thân là thông tin bảo mật quan trọng của họ, và họ sẽ không muốn cung cấp các thông tin này cho nền tảng và các bên liên quan chỉ để đi một chuyến xe. Do đó, quy định này sẽ gây khó khăn đối với DN kinh doanh vận tải khi triển khai trên thực tế”, phía VCCI chỉ rõ.

Không những vậy, để thực hiện yêu cầu này, DN phải sửa đổi, nâng cấp hệ thống để thực hiện việc thu thập và lưu trữ số định danh cá nhân (căn cước công dân) của hàng chục triệu hành khách, đối tác tài xế và người đại diện ký hợp đồng của các DN, hợp tác xã hiện đang hợp tác với DN cung cấp phần mềm kết nối để cung cấp dịch vụ.

Nói chung, nếu vẫn còn gặp vướng mắc dai dẳng như hiện tại hoặc mối lo về bất cập về chính sách trong một số dự thảo nghị định, thông tư thì khó khăn của DN nội địa trên “sân nhà” sẽ thêm chồng chất, dẫn tới bất lợi cạnh tranh là khó tránh khỏi.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-van-dang-chiu-canh-ba-chim-bay-noi-ngay-tren-san-nha-1102963.html