Doanh nghiệp vẫn lo thua lỗ dù giá nhiều nông sản cao kỷ lục
Tình trạng khan hàng đang xảy ra với một số ngành như cà phê, hồ tiêu – những mặt hàng xuất khẩu đang có giá tăng mạnh trong thời gian gần đây. Điều này cũng đẩy doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn hơn, chưa kể các rủi ro khác vẫn bủa vây.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3%, giá trị xuất siêu đạt 2,68 tỷ USD, tăng gần 2,9 lần. Đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp vẫn duy trì được xuất khẩu, khởi đầu cho năm phấn đấu 54 - 55 tỷ USD.
Cạn nguồn cung, doanh nghiệp không dám nhận thêm đơn hàng
Một trong những dấu hiệu tích cực trong 2 tháng đầu năm là xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,72 tỷ USD, cà phê 1,38 tỷ USD, rau quả 0,97 tỷ USD, gạo đã đạt 0,71 tỷ USD, điều thu 0,6 tỷ USD…
Với ngành hồ tiêu, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 2/2024, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa biến động theo xu hướng tăng và duy trì ở mức cao. Xu hướng tăng giá được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong ngắn hạn do nguồn cung hạn chế. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, sản lượng thu hoạch vẫn chưa được nhiều do các chủ vườn thiếu nhân công. Bên cạnh đó, nhu cầu hạt tiêu từ Trung Quốc tăng mạnh đẩy giá mặt hàng lên cao.
Theo ước tính, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 2/2024 đạt 18 nghìn tấn, trị giá 73 triệu USD, tăng 3,1% về lượng và tăng 5,2% về trị giá so với tháng 1/2024, nhưng so với tháng 2/2023 giảm 35,2% về lượng và giảm 12,5% về trị giá. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt khoảng 35 nghìn tấn, trị giá 143 triệu USD.
Dự kiến sản lượng vụ mùa 2024 đang thu hoạch của Việt Nam giảm khoảng 10,5% so với vụ trước, xuống còn 170 ngàn tấn, ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây. Trong khi nguồn cung từ các nước Indonesia, Brazil, Malaysia, Campuchia không bù đắp đủ cho lượng giảm xuất khẩu của Việt Nam sẽ đẩy giá hạt tiêu tăng nóng ngay từ đầu vụ.
Giá tiêu tăng do sụt giảm sản lượng cũng khiến cho có những trường hợp doanh nghiệp không gom được hàng. Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu – Cây gia vị Việt Nam, mặc dù doanh nghiệp đã đặt cọc nhưng bà con nông dân có thể không giao hàng. Khi đó, các công ty xuất khẩu gặp rủi ro không có hàng để giao cho nhà nhập khẩu, dẫn tới, các doanh nghiệp không dám ký hợp đồng giao xa, chỉ tối đa 3 tháng. Nếu ký hợp đồng quá xa, giá cả thị trường biến động mạnh, doanh nghiệp không đủ sức gồng gánh.
Rút kinh nghiệm từ bài học ngành lúa gạo
Tương tự với ngành cà phê, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk thông tin, niên vụ cà phê tính từ tháng 11 năm trước, và đến nay đã đi được nửa vụ. Nhu cầu của thế giới với cà phê Robusta của Việt Nam rất tốt, đây là lý do giúp giá cà phê tăng lên mức đáng mơ ước.
Tuy vậy, với doanh nghiệp, dù có nhiều lời đề nghị mua hàng, song không dám nhận đơn hàng phát sinh thêm ngoài kế hoạch bởi nguồn cung trong nước khó đáp ứng. Vụ năm nay, sản lượng cà phê của Việt Nam không đổi, trong khi một phần nguồn cung phải xuất để bù cho đơn hàng còn thiếu trước đó.
Hiện, nguồn cung cà phê trong nước đang khan hiếm, đến thời điểm này, người dân bán tới 80% sản lượng thu hoạch, nhiều hơn thời điểm bình thường. Trong dân, hiện chỉ còn khoảng 20% nguồn cung. Do vậy, ông Huy phủ nhận thông tin người dân đang ôm hàng, chờ giá cao mới bán, bởi theo ông người nông dân cũng cần có nguồn tiền để trang trải chi phí sản xuất.
"Lượng cà phê trong dân còn rất thấp, tình trạng này ngược so với mọi năm", ông Huy ước tính. Thông thường thì phải tới tháng 6, nguồn hàng mới cạn nhưng đến nay mới hết tháng 2 đã có dấu hiệu gần cạn hàng. Vì vậy, đơn hàng thế giới có thể được các nhà rang xay chuyển dịch sang nhập từ các quốc gia khác như Indonesia, Brazil khi họ sắp vào vụ thu hoạch.
Trong bối cảnh giá nông sản tăng mạnh, chuyên gia khuyến cáo, các doanh nghiệp cần có kế hoạch chủ động liên kết phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo nguồn hàng ổn định và có kế hoạch đơn hàng cụ thể. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tránh bị động, rơi vào tình cảnh thua lỗ, thậm chí bị phạt hợp đồng.
Thực tế, năm 2023, bài học của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo vẫn còn nguyên. Tuy kết quả xuất khẩu gạo đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay, nhưng hiệu quả kinh doanh của thương nhân bị hạn chế do chính sách xuất nhập khẩu gạo của các quốc gia lớn trên thế giới thay đổi đột ngột.
Đồng thời, việc kinh doanh của các thương nhân tham gia xuất khẩu đạt hiệu quả chưa cao vì chi phí sản xuất và chi phí dịch vụ tăng cao đã đẩy chi phí giá thành sản phẩm lên cao.