Doanh nghiệp vận tải 'gồng mình' trong mùa dịch

Trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp, hàng loạt doanh nghiệp vận tải rơi vào khó khăn, vừa không thể vận chuyển khách vừa phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt khi vận chuyển hàng hóa. Các văn phòng bán vé vận chuyển khách từ Phan Thiết – TP.HCM đã đóng cửa gần cả tháng nay, khó khăn bao trùm lên các doanh nghiệp vận tải.

Doanh nghiệp vận tải

Bến xe Bắc Phan Thiết. Ảnh Ninh Chinh

Bến xe Bắc Phan Thiết. Ảnh Ninh Chinh

Theo ghi nhận, nhiều doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh đã tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 vừa bảo đảm hỗ trợ lưu thông hàng hóa thời gian qua. Mặc dù tình hình rất khó khăn, nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn chấp nhận chia sẻ với chủ trương chung của nhà nước.

Hiện tại, UBND tỉnh đã có phương án vận chuyển hàng hóa cụ thể số lượng phương tiện, hành trình, dự kiến điểm dừng nghỉ, ngày giờ phương tiện hoạt động.... Thậm chí phải kê rõ danh sách phương tiện, lái xe, phụ xe, người bốc xếp hàng hóa theo xe. Các điểm/khu vực xếp dỡ hàng hóa (vùng an toàn hoặc vùng dịch). Xét nghiệm và tiêm phòng cho lái xe, phụ xe, người bốc xếp hàng hóa theo xe (nếu có); các nội dung khác liên quan đến quá trình vận chuyển.

Dù đã tuân thủ các quy định nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang “thoi thóp” trước khó khăn. Ông Võ Thành Hoàng Vũ – Quản lý doanh nghiệp vận tải Phương Trang tại Bình Thuận và Ninh Thuận, chia sẻ: “Trong tình hình khó khăn chung doanh nghiệp cũng rất chia sẻ. Nhưng thật lòng mà nói, rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp lúc này. Giải quyết cho nhân viên nghỉ, nhưng phải trả lương để duy trì cuộc sống cho họ, chưa kể các khoản chi phí mặt bằng, chi phí khác. Vận tải hàng hóa chỉ là cứu cánh lúc này, không giải quyết được khó khăn. Mỗi ngày chỉ có một chuyến hàng đi, hàng hóa ít không thể đảm bảo được doanh thu. Phía công ty cũng có kiến nghị với đơn vị quản lý nhà nước”.

“Để đảm bảo cuộc sống cho nhân viên, phía công ty phải giảm bớt nhân viên và hỗ trợ lương 4 triệu đồng/tháng để họ đảm bảo cuộc sống. Doanh nghiệp nhỏ còn điêu đứng, thì doanh nghiệp lớn sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều”- Hoàng Vũ nói. Có thể nói, các doanh nghiệp vận tải Phan Thiết đang rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, không khí tấp nập đưa đón khách không còn, những chuyến hàng ít ỏi ra vào như chỉ là cứu cánh duy nhất cho các doanh nghiệp lúc này.

Là một doanh nghiệp vận tải lớn trên địa bàn TP.Phan Thiết, Công ty vận tải Trung Nga cũng không ngoại lệ. Với 23 xe khách lớn nhỏ, nhân viên phải cho nghỉ hết, hàng hóa mỗi ngày có một chuyến cầm chừng. Bà Trung Nga – chủ doanh nghiệp chia sẻ: “Công ty vận tải Trung Nga lúc này đang rất khó khăn, vì dịch bệnh phức tạp nên buộc giãn cách, cấm xe hoạt động. Trong khi công ty phải lo trả lãi suất ngân hàng, bến bãi phải thuê, phí bảo hiểm xe… rất nhiều chi phí phải trả, nếu tình hình này kéo dài, các doanh nghiệp sẽ khó cầm cự.

Bà Trung Nga cho biết thêm: Các doanh nghiệp nhỏ sẽ không chịu đựng và gồng gánh nổi nếu tình hình này kéo dài. Thực tế, rất mong ngân hàng chia sẻ khó khăn cho các công ty, doanh nghiệp để tạm ổn lúc này, lấy sức vượt qua cơn bão dịch, nếu không cùng chia sẻ với doanh nghiệp thì sẽ rất khó khăn. Thực tế, 2 năm nay dịch bệnh liên miên khiến các doanh nghiệp vận tải rơi vào thế khó. Năm ngoái còn có thể xin giãn nợ, nhưng đến tháng 6 năm nay ngân hàng không cho hẹn nữa, nhiều doanh nghiệp không biết lấy gì chi trả. Nếu như phía công ty Phương Trang hỗ trợ một phần lương cho nhân viên, thì Công ty vận tải Trung Nga chỉ có thể hỗ trợ cho nhân viên 10 kg gạo, để vượt qua lúc khó khăn nhất.

Quang Nhân

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/doanh-nghiep-van-tai-gong-minh-trong-mua-dich-138558.html