Doanh nghiệp Việt đối mặt thách thức kiếm tiền từ GenAI

Ứng dụng GenAI và làm ra sản phẩm hữu ích rồi, doanh nghiệp lại đối mặt với thách thức làm thế nào kiếm tiền từ những sản phẩm đó, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam, khi người dùng rất hào hứng dùng thử miễn phí nhưng lại không sẵn lòng trả tiền…

Doanh nghiệp cần hiểu rõ những “điểm đau” của khách hàng và nắm bắt sâu sắc nhu cầu của họ để phát triển các sản phẩm hữu ích và có giá trị thực tế. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp cần hiểu rõ những “điểm đau” của khách hàng và nắm bắt sâu sắc nhu cầu của họ để phát triển các sản phẩm hữu ích và có giá trị thực tế. Ảnh minh họa

Khẳng định “đây chính là thời điểm” để doanh nghiệp đầu tư và ứng dụng GenAI vào quá trình vận hành, sản xuất kinh doanh, tuy nhiên, các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, thách thức khi ứng dụng những công nghệ mới, như GenAI, trong đó có cả thách thức làm thế nào kiếm tiền từ GenAI, đặc biệt là tại Việt Nam, khi người tiêu dùng vốn có thói quen sử dụng các công cụ miễn phí.

KHÔNG THỂ “TRỐN TRÁNH” GENAI

Tại phiên tọa đàm về chủ đề “Xây dựng chiến lược công nghệ bền vững và thích ứng với tương lai” trong sự kiện AWS Cloud Day Hanoi 2024, các chuyên gia đều đồng ý rằng doanh nghiệp nên đầu tư vào các công nghệ mới nổi như GenAI.

Ông Trần Nhật Minh, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng Số của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), cho biết trước đây, việc áp dụng công nghệ mới vào các doanh nghiệp truyền thống, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng, thường gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta làm việc và suy nghĩ. Tiếp theo đó là sự ra đời của ChatGPT và các mô hình AI tiên tiến đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ.

"Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận công nghệ, và việc áp dụng các công nghệ tiên tiến không còn là lựa chọn, mà đã trở thành yếu tố bắt buộc để doanh nghiệp có thể cạnh tranh và phát triển," ông Minh nhận định.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, nhà sáng lập kiêm CTO của Vbee cho biết các công nghệ mới nổi, bao gồm GenAI, đang có tác động mạnh mẽ đến cuộc sống và công việc của mọi người.

“Khi tích hợp GenAI vào sản phẩm, chúng tôi nhận thấy trải nghiệm khách hàng được cải thiện đáng kể, mang lại những cuộc trò chuyện với độ tương tác cao và rất tự nhiên. Trước đây, điều này chưa thể thực hiện được khi AI chưa được phổ biến rộng rãi”.

Bà Trang cho biết là một startup công nghệ, Vbee đã đầu tư rất nhiều thời gian và nguồn lực để phát triển công nghệ lõi. Sự xuất hiện của GenAI đã mở ra cơ hội lớn để startup này tạo nên những đột phá mới. Và điều quan trọng hơn nữa, theo bà Trang, là tư duy của các lãnh đạo trong tổ chức, luôn sẵn sàng đón nhận và áp dụng những công nghệ tiên tiến này.

Ông Hung Dinh, Giám đốc thông tin tập đoàn & Giám đốc dữ liệu tập đoàn tại Masterise Group, cho rằng với sự phát triển bùng nổ của internet và thiết bị di động, mỗi giây lại có một lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra. Công nghệ di động đã góp phần tạo nên lượng dữ liệu khổng lồ, và điện toán đám mây mang đến khả năng xử lý dữ liệu đó, mở ra một kỷ nguyên mới cho AI.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng hiện nay có những yêu cầu cao hơn về trải nghiệm, quy trình, và chất lượng dịch vụ. Kết hợp tất cả những yếu tố này, ông Hung Dinh khẳng định “đây là thời điểm lý tưởng để các công nghệ như GenAI được ứng dụng rộng rãi” và “thời đại của AI đã đến, mang theo những cơ hội vô tận".

KHI NGƯỜI DÙNG CHỈ QUEN "DÙNG THỬ MIỄN PHÍ"

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp Việt vẫn gặp không ít thách thức khi triển khai GenAI. Bà Thu Trang của Vbee cho biết đã trải qua một hành trình dài trong việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là AI, tại Việt Nam và đối mặt với nhiều thách thức.

Theo đó, thách thức thứ nhất là làm thế nào để biến công nghệ thành những sản phẩm thực sự đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bởi vì, “công nghệ thôi là chưa đủ, chúng tôi cần hiểu rõ những “điểm đau” của khách hàng và nắm bắt sâu sắc nhu cầu của họ để phát triển các sản phẩm hữu ích và có giá trị thực tế”.

Có được sản phẩm hữu ích rồi, doanh nghiệp lại đối mặt với thách thức thứ hai, làm thế nào kiếm tiền từ những sản phẩm đó, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam. “Chúng tôi phát triển sản phẩm và cung cấp dùng thử miễn phí, khách hàng rất hào hứng với điều này. Tuy nhiên, khi giới thiệu các gói đăng ký trả phí, người dùng lại không sẵn lòng trả tiền, hoặc họ mong muốn có một giải pháp với giá rẻ hơn”, bà Thu Trang chia sẻ.

Tìm ra mô hình kinh doanh bền vững và thuyết phục khách hàng trả phí cho một công nghệ còn khá mới mẻ ở Việt Nam là một bài toán khó. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải liên tục tìm kiếm sự phù hợp giữa sản phẩm và thị trường, bắt đầu bằng việc áp dụng cho một nhóm khách hàng nhỏ, sau đó mới mở rộng quy mô khi đạt được thành công.

“Công nghệ mới mang đến nhiều tiềm năng, nhưng việc làm thế nào để áp dụng công nghệ đó vào sản phẩm và cuối cùng là tạo ra nguồn thu từ sản phẩm, thực sự là một chuỗi thách thức lớn mà chúng tôi phải vượt qua”, đại diện Vbee nói.

Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ hay startup mới gặp khó khăn với GenAI, là một tổ chức ngân hàng, ông Trần Nhật Minh cho biết: “Chúng tôi có rất nhiều thủ tục và quy trình, vì vậy, điều đầu tiên cần làm là thiết lập tầm nhìn và chiến lược rõ ràng. Mục tiêu của chúng tôi là trở thành một ngân hàng sáng tạo, đặt khách hàng làm trọng tâm, điều này đồng nghĩa với việc phải sử dụng các công nghệ tiên tiến và đột phá”.

Theo thông tin được ông Minh chia sẻ, để trở thành ngân hàng sáng tạo và tập trung vào khách hàng, chuyển đổi lên đám mây là điều tất yếu. Tuy nhiên, quá trình này không chỉ đơn giản là thay đổi công nghệ, mà còn là sự chuyển đổi về tư duy của cả tổ chức. Vì vậy, việc đầu tiên là cần phải xây dựng một tầm nhìn và chiến lược cụ thể.

“Chúng ta cần chấp nhận sự thay đổi, sẵn sàng học hỏi công nghệ mới và linh hoạt thích ứng với môi trường làm việc hiện đại. Chuyển đổi lên đám mây không chỉ giúp tăng tốc độ phát triển sản phẩm mà còn cải thiện trải nghiệm khách hàng và tạo ra nhiều giá trị hơn”, ông Trần Nhật Minh nói. “Ngoài ra, cần bắt đầu từ những bước nhỏ nhưng nhanh, sau đó dần dần mở rộng quy mô. Đào tạo và nâng cao năng lực của nhân viên là điều cần thiết, và cuối cùng, quan trọng nhất là truyền thông để thay đổi tư duy và thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ”.

Bên cạnh đó, những thách thức về văn hóa doanh nghiệp khi ứng dụng công nghệ mới cũng đặt ra bài toán khó cho các nhà lãnh đạo. Việc ứng dụng các công nghệ mới thường đi kèm với thách thức về văn hóa, đòi hỏi phải điều chỉnh và đổi mới trong tổ chức.

Khoảng cách văn hóa chính là một trở ngại mà các doanh nghiệp cần phải giải quyết. Khi triển khai công nghệ mới, dù đó là GenAI hay đám mây, bất kỳ sự thay đổi nào cũng tạo ra những khoảng trống cần lấp đầy. Các nhà lãnh đạo phải hiểu rõ những trở ngại này để lập kế hoạch giải quyết chúng.

“Cả tổ chức có thể chưa sẵn sàng ủng hộ chương trình đổi mới. Do đó, chúng tôi phải hợp tác chặt chẽ với tất cả các bộ phận trong công ty, từ nhân sự, vận hành, bán hàng, tiếp thị, pháp lý cho đến tài chính, nhằm xóa bỏ rào cản và thống nhất về kế hoạch và mục tiêu. các dự án và chương trình phải được thiết kế để đảm bảo rằng tất cả các bên liên quan đều tham gia và đóng góp trong suốt quá trình đổi mới”, ông Hung Dinh nói.

Giao tiếp đóng vai trò then chốt để đảm bảo mọi người đều hiểu rõ và cam kết tham gia vào chương trình đổi mới này.

"Đưa công nghệ mới vào một tổ chức lớn không chỉ là thách thức kỹ thuật. Văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chúng tôi nhận ra rằng để thành công, cần phải thay đổi tư duy và hành vi của mọi người. Bằng cách tạo ra một môi trường làm việc khuyến khích sự đổi mới, lắng nghe ý kiến nhân viên và xây dựng tầm nhìn chung, chúng tôi đã từng bước vượt qua các thách thức về văn hóa, tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi”, đại diện của Masterise Group cho biết.

Bảo Bình

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-viet-doi-mat-thach-thuc-kiem-tien-tu-genai.htm