Doanh nghiệp vượt khó

Điểm chung ở các doanh nghiệp vượt khó trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là đã xây dựng được kịch bản ứng phó bằng cách tự tìm kiếm cơ hội trong khi dịch bệnh, thiên tai hoành hành. Sự chủ động thích ứng của một số doanh nghiệp đầu tàu trong điều kiện khó khăn, thách thức đã mang lại những gam màu tươi sáng cho nền kinh tế của tỉnh.

 Đời sống của người lao động Công ty may Hòa Thọ - Đông Hà vẫn đảm bảo trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn - Ảnh: M.L

Đời sống của người lao động Công ty may Hòa Thọ - Đông Hà vẫn đảm bảo trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn - Ảnh: M.L

Vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường tiêu thụ hàng hóa và xuất khẩu là nguyên nhân chính khiến cộng đồng doanh nghiệp lao đao trong năm 2020. Đặc biệt, với ngành hàng dệt may vốn tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu như Công ty may Hòa Thọ - Đông Hà thì những tác động tiêu cực của COVID-19 càng ảnh hưởng nặng nề hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung đó, doanh nghiệp này đã chủ động trong việc đề ra giải pháp để tự cứu mình. Ngay từ trước Tết Nguyên đán 2020, Công ty may Hòa Thọ Đông Hà đã được đối tác cung ứng nguyên liệu ở Trung Quốc thông tin về tình hình COVID-19 (thời điểm COVID-19 vừa mới xuất hiện ở Vũ Hán) và nhận định dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp nên đề nghị cho nhập nguyên liệu sản xuất trước.

Giám đốc Công ty may Hòa Thọ Đông Hà Lê Anh Phong cho biết: “Được đối tác tư vấn, chúng tôi nhanh chóng làm các thủ tục mua nguyên liệu nên đến đúng mồng 2 tết, lô hàng đầu tiên của năm 2020 đã được nhập về kho, số lượng nguyên liệu nhập về tương đối lớn, đủ để công ty sản xuất trong vòng 5 tháng. Vì thế, từ sau Tết Nguyên đán năm 2020, dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng hoạt động sản xuất của đơn vị không bị gián đoạn. Tuy nhiên, từ tháng 5/2020 trở đi, khi tình hình COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, trong đó nghiêm trọng nhất là châu Mỹ và châu Âu, đúng thị trường xuất khẩu chính của công ty thì các đơn hàng đã được ký kết trước đó đều bị cắt giảm. Trước tình hình khó khăn này, lãnh đạo công ty đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp ngành may mặc trong nước để chia sẻ, liên kết phối hợp sản xuất một số đơn hàng là các sản phẩm y tế như khẩu trang kháng khuẩn, áo quần bảo hộ y tế”.

Thời điểm này công ty đã sản xuất gần 3 triệu sản phẩm bảo hộ y tế để xuất sang thị trường các nước Mỹ, Pháp. Trong quá trình này, công ty vẫn tiếp tục đàm phán làm việc với đối tác cung ứng nguyên liệu ở Trung Quốc và Hàn Quốc bằng hình thức online để ký các hợp đồng cung ứng nguyên liệu, vận chuyển bằng đường hàng không hoặc đường hàng hải. Bình thường thì nguyên liệu sau khi ký hợp đồng mất khoảng 7 -10 ngày là đã về kho công ty nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, đơn hàng nào cũng kéo dài cả tháng, có khi 45 ngày nguyên liệu mới về Việt Nam vì phải qua rất nhiều khâu kiểm soát để đảm bảo an toàn phòng, chống COVID-19 nhưng Công ty may Hòa Thọ - Đông Hà vẫn kiên trì đàm phán và có được những đơn hàng cung ứng nguyên liệu đảm bảo.

Đối mặt với một năm đầy khó khăn thách thức như năm 2020, doanh thu của Công ty may Hòa Thọ - Đông Hà giảm khoảng 35% so với năm 2019, thu nhập bình quân của người lao động giảm từ 7 triệu đồng xuống còn 5,8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, điểm đáng ghi nhận nhất là công ty vẫn đảm bảo việc làm ổn định và các chế độ chính sách cho toàn bộ người lao động. Đặc biệt, để chia sẻ với công nhân, việc thưởng Tết cho cán bộ, công nhân của công ty vẫn được duy trì như những năm trước đó là thưởng 1 tháng lương 13 và một suất quà tết trị giá 600 ngàn đồng/người. “Với số lượng lao động hiện nay của công ty là 2.100 người, chúng tôi phải chi hàng chục tỉ đồng để duy trì chế độ thưởng Tết. Đây là sự nỗ lực lớn của công ty, chúng tôi chấp nhận một năm sản xuất kinh doanh không lợi nhuận”, ông Phong chia sẻ.

Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, thiên tai và nhiều yếu tố khách quan khác tác động nhưng Công ty Cổ phần bia Hà Nội - Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục để mang lại hiệu quả trong sản xuất như áp dụng giờ làm linh hoạt, cắt giảm chi phí sản xuất, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thị trường tiêu thụ sản phẩm, tập trung khai thác thị trường các tỉnh phía Bắc, tối ưu hóa bằng việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh… Nhờ vậy, công ty vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm và đời sống cho người lao động. Sản lượng sản xuất bia lon Hà Nội cả năm tại đơn vị ước 11,12 triệu lít, tăng 11,19% so với kế hoạch năm, tăng 11,72% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng doanh thu và thu nhập cả năm ước 135,84 tỉ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, tăng 14,92% so với kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế cả năm ước tính là 1,5 tỉ đồng. Trong đó số thuế đã nộp cả năm ước 124,99 tỉ đồng, tăng 25% so với dự toán năm của tỉnh Quảng Trị giao, trở thành một trong ba doanh nghiệp tiêu biểu đứng đầu về nộp ngân sách địa phương năm 2020.

Để thích ứng với tình hình COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, bên cạnh chính sách hỗ trợ, trợ lực từ Nhà nước thì các giải pháp mà một số doanh nghiệp trên đã thực hiện thành công nhằm đảm bảo giải quyết việc làm cho người lao động và đóng góp ngân sách nhà nước cần được tỉnh biểu dương, khen thưởng và nhân rộng mô hình.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154450