Doanh nghiệp xuất khẩu gặp áp lực lớn khi bị điều tra phòng vệ thương mại

Theo Bộ Công Thương, các biện pháp phòng vệ thương mại cũng là cách để doanh nghiệp cơ cấu lại chuỗi cung ứng, sản xuất, cải thiện năng lực quản trị.

Phải mất nhiều thời gian cho các vụ phòng vệ thương mại

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến nay, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 257 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ.

Trong đó, có 141 vụ việc điều tra chống bán phá giá, 37 vụ việc điều tra chống lẩn tránh, 27 vụ việc điều tra chống trợ cấp và 52 vụ việc điều tra tự vệ. Tính chất các vụ việc có xu hướng điều tra khắt khe hơn, nguy cơ đối diện với các rủi ro của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam là rất lớn.

Cùng với nhiều mặt hàng xuất khẩu như thép và thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ là một trong những mặt hàng bị các thị trường khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất. Đặc biệt thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ việc chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.

Tại Tọa đàm"Chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, duy trì dòng chảy xuất khẩu hàng hóa" sáng 1/11, ông Ngô Sĩ Hoài - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, gỗ dán Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc đang bị áp thuế trên dưới 10%, ghế sofa xuất khẩu vào Canada bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đến trên dưới 100%.

Ông Ngô Sĩ Hoài - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.

Ông Ngô Sĩ Hoài - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.

Đối với thị trường Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của sản phẩm gỗ Việt Nam, chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu thì các doanh nghiệp cũng đã bị áp thuế chống lẩn tránh thuế đối với sản phẩm gỗ dán. 37 doanh nghiệp của Việt Nam kinh doanh sản phẩm cũng đã bị vào danh sách đen của Hoa Kỳ.

"Bị điều tra và áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại, tự vệ thương mại là một nguy cơ, một rủi ro lớn mà doanh nghiệp gỗ đang phải đối diện", ông Hoài nhấn mạnh.

Nói về lý do, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, việc không công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường cũng là nguyên nhân khiến Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp lên Việt Nam.

Đồng thời, một trong những chính sách trong thời điểm này của các ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ là hướng trọng tâm về nội bộ nước Mỹ, tập trung vào ngành sản xuất trong nước.

"Thiệt hại rõ ràng khi Việt Nam phải mất nhiều thời gian, nguồn lực tham gia những vụ kiện sau đó là các ràng buộc về hành chính. Ngoài ra, điều này sẽ khiến mức thuế cho các doanh nghiệp tăng cao, các doanh nghiệp nhập khẩu có xu hướng đề phòng và chuyển hướng hợp tác sang các thị trường khác. Đặc biệt, đây cũng là rủi ro khiến các nước khác khởi kiện Việt Nam nếu các vụ việc ở Mỹ đi đến kết luận mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất tại Hoa Kỳ", ông Hưng nói.

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB LAW cho rằng, mỗi quốc gia khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại lại có những quy định, thủ tục riêng.

Vì vậy, các biện pháp áp dụng cũng rất khác nhau. Xu thế là các quốc gia sẽ phải bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, vì vậy tính khách quan sẽ phải được đặt ra và gây bất lợi cho các doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp.

"Dưới góc độ pháp lý, ban đầu doanh nghiệp sẽ phải huy động những nguồn lực về nhân sự, về tài chính để theo đuổi các vụ việc. Có những vụ việc kéo dài đến 2 năm nên chi phí tương đối lớn. Ví dụ một số hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải thuê các công ty tư vấn và các công ty luật ở các nước sở tại để làm việc, đôi khi chi phí này lên tới hàng triệu USD", ông Hà nhấn mạnh.

Vị luật sư cho biết, nếu trong trường hợp không may mắn và bị áp dụng những biện pháp phòng vệ, các chế tài sẽ tăng thuế nhập khẩu lên khiến hàng hóa Việt Nam sẽ giảm tính cạnh tranh và đứng trước nguy cơ mất thị trường.

Tăng cường năng lực nội sinh

Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, quy định chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại tập trung ngăn chặn việc dịch chuyển của chuỗi giá trị và chuỗi sản xuất. Vì vậy, phạm vi áp dụng của biện pháp này sẽ lớn hơn rất nhiều so với biện pháp phòng vệ thương mại, không chỉ còn là 1 vài doanh nghiệp mà là ảnh hưởng tới cả ngành hàng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó những biện pháp chống lẩn tránh cũng có tác động tiêu cực nhất định đối với ngành sản xuất Việt Nam.

Việc chỉ những doanh nghiệp chỉ xuất khẩu những sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng (VAT) lớn tại Việt Nam mới có thể xuất khẩu được sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và phát triển hơn nữa, nâng cao hơn nữa hàm lượng VAT trong sản phẩm.

Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương.

Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương.

Đồng thời, đây cũng là cách để doanh nghiệp cơ cấu lại chuỗi cung ứng, sản xuất, cải thiện năng lực quản trị.

"Trong một số trường hợp sau khi có kết luận của các vụ việc chống lẩn tránh, chúng tôi quan sát thấy lượng xuất khẩu gần như không bị giảm và có được sự tăng trưởng cao. Điều đó thể hiện các biện pháp này chính là sự sàng lọc cho ngành, cho nền kinh tế Việt Nam, nâng cao VAT tạo ra từ các ngành xuất khẩu", ông Thắng cho biết.

Ông Ngô Sĩ Hoài cũng cho biết, doanh nghiệp cần tự trang bị cho mình những kiến thức về phòng vệ thương mại, tăng cường kiểm soát chuỗi cung ứng đồng thời lưu lại các bằng chứng.

"Một số trường hợp do các quy trình thủ tục quá phức tạp cộng với thời gian ngắn nên các doanh nghiệp khai báo không cẩn thận, tạo ra những mâu thuẫn. Cũng có những doanh nghiệp không hợp tác đều bị liệt vào danh sách đen", ông Hoài lấy ví dụ.

Kể cả khi thuê luật sư, doanh nghiệp Việt vẫn cần liên tục cập nhật, theo dõi và đưa ra phương án, yêu cầu cụ thể.

"Nếu tất cả các hồ sơ đã giải trình minh bạch, chi tiết thì doanh nghiệp có thể tự khai báo và chứng minh không vi phạm những cấm kỵ liên quan đến điều tra", Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB LAW.

Ông Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB LAW.

Nói về những biện pháp, Chủ tịch Công ty Luật SB LAW Nguyễn Thanh Hà cũng đề xuất Chính phủ cũng cần có những việc làm tăng cường thuyết phục, chứng minh cho Hoa Kỳ rằng Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng có thể tổng hợp tất cả các vụ việc, kinh nghiệm ứng phó vào 1 cuốn sách để doanh nghiệp có một cái nhìn tổng thể, toàn diện hơn.

Đặc biệt, doanh nghiệp khi thuê công ty luật tại nước sở tại thì nên tập trung vào 1 công ty để họ có thể tập hợp dữ liệu và đưa ra những biện pháp đồng nhất. Đề phòng khi các thị trường khác khởi kiện, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng các hệ thống dữ liệu ở thị trường này để áp dụng cho thị trường khác.

"Vì lợi ích của mình cũng như của quốc gia, các doanh nghiệp không nên tiếp tay cho hành vi lẩn tránh, vì điều này không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà là cả một ngành. Chúng ta nên tập trung cạnh tranh chất lượng chứ không cạnh tranh về giá", Luật sư Hà nhấn mạnh.

Thanh Loan

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-xuat-khau-gap-ap-luc-lon-khi-bi-dieu-tra-phong-ve-thuong-mai-204241101114721618.htm