Doanh nhân David Dương và những trải lòng về quê hương
Qua cuộc phỏng vấn từ xa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty California Waste Solutions (CWS) và Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam (VWS) - David Dương chia sẻ những dự định, ấp ủ thực hiện dự án tại quê hương. Vẫn phong thái quen thuộc, ông thẳng thắn trả lời các câu hỏi mà phóng viên đặt ra.
1. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng gặp không ít khó khăn. Với ông David Dương, có khó khăn thì mình càng có cơ hội nên ông lựa chọn cho mình một lối đi riêng.
Ông David Dương chia sẻ, từ cuối năm 2022, ông ấp ủ ý định đưa kiều bào Mỹ cũng như các doanh nghiệp Mỹ về Việt Nam tìm hiểu và đầu tư. “Khi ấy, không ít người nói tôi khá liều lĩnh khi tình hình kinh tế đang khó khăn mà lại mời các doanh nghiệp ở Mỹ về Việt Nam. Tôi lại cho rằng, ở đâu cũng có khó khăn nhưng vì lý do này mà mình bỏ qua cơ hội thì làm sao quê hương phát triển. Tôi dù sinh sống và định cư ở Mỹ hơn 40 năm nhưng luôn nhớ về nơi mình sinh ra. Đây cũng là một trong những lý do thôi thúc tôi làm điều gì đó cho đất mẹ với mong muốn góp phần phát triển KT-XH của đất nước” - ông David Dương nói.
Qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông biết nhiều doanh nghiệp trong nước đang gặp khó về thị trường xuất khẩu, đơn hàng và nhiều lao động bị cắt giảm giờ làm, thậm chí bị mất việc,... Ông dự định, trong tháng 7 này sẽ mời đoàn chính trị gia gồm thị trưởng của một số thành phố ở Mỹ cùng những nghị sĩ dân biểu và khoảng 10 doanh nghiệp Mỹ, trong đó, có những doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực xây dựng về Việt Nam để tìm hiểu thị trường. Ông David Dương cho hay, chuyến trở về quê hương lần này sẽ còn có sự tham gia của các ngân hàng và tỉ phú Mỹ Douglas M. Leone - người đang nắm một quỹ đầu tư khoảng 80 tỉ USD đang có ý định tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Ông hy vọng, chuyến đi sẽ mở ra những cơ hội hợp tác, để lại hình ảnh tốt đẹp về Việt Nam thông qua những dự án mà CWS cũng như VWS giới thiệu, đề xuất.
Ông David Dương luôn tâm niệm: “Dù sinh sống và làm việc ở đâu, là người Việt nên đau đáu nhớ về quê hương. Nếu chỉ để kiếm tiền, tôi có thể đầu tư nhiều nơi. Nhưng đầu tư về quê hương mình, về nơi “chôn nhau cắt rốn” còn có một ý nghĩa khác to lớn hơn nhiều. Tôi luôn mong mỏi được đóng góp mọi điều tốt đẹp cho quê hương. Vì vậy, tôi rất kỳ vọng vào chuyến trở về nước sắp tới”.
Tái khởi động các dự án tại Khu Công nghệ Môi trường xanh Long An: Công ty VWS sẽ có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Long An và TP.HCM xin tiếp tục đầu tư để xây dựng hạ tầng, chủ yếu tập trung vào những nội dung được phê duyệt các hạng mục của dự án trước đó.
2. Trong cuộc trò chuyện, “vua rác” cũng chia sẻ thêm về việc chuẩn bị đốt rác phát điện theo công nghệ Nhật Bản.
Liên quan đến nội dung này, ông David Dương chia sẻ, theo định hướng của UBND TP.HCM liên quan đến dự án chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện, giảm thiểu việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng hình thức chôn lấp, hiện nay, VWS đã chuyển đổi và chọn công nghệ của Nhật Bản. Theo doanh nhân David Dương, trong các công nghệ lò đốt rác phát điện được ông cân nhắc, công nghệ Nhật Bản được ưu tiên bởi dự án này phù hợp với đặc điểm chất thải sinh hoạt tại TP.HCM. Đến thời điểm hiện tại, công ty đã làm các thủ tục và chờ phản hồi, kiểm tra từ dự án, kể cả việc thương lượng vấn đề giá cả.
CWS có được vị thế trong thu gom, xử lý chất thải hàng đầu tại Mỹ như ngày nay bởi uy tín và sự chuyên nghiệp. Kiên trì theo đuổi mục tiêu ấy nên khi đầu tư về quê hương, ông David Dương vẫn đặt chữ tín và cái tâm lên hàng đầu. Ông dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về việc chọn ứng dụng công nghệ đốt rác phát điện tại Việt Nam, ưu tiên cân nhắc đến vấn đề bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe của người dân lên trên hết trong khi bảo đảm đáp ứng được những yêu cầu của UBND TP.HCM đặt ra.
Ông thông tin, tổng chi phí đầu tư dự kiến ban đầu về công nghệ khoảng 420 triệu USD cho 3.000 tấn/ngày. Trong khi đó, hiện nay, Công ty VWS nhận gần 7.000 tấn rác/ngày nhưng vẫn bảo đảm theo công nghệ. Bởi vì sau khi lọc lựa, tái chế, làm phân bón,... phần đem đi đốt tương đương với công suất còn lại như trên.
Ông David Dương bộc bạch, nếu dự án được chấp thuận, công ty sẽ đầu tư thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 là khoảng 1.500 tấn/ngày. Trong thời gian thử nghiệm giai đoạn 1, công ty sẽ xem xét, kiểm tra thành phần rác, khối lượng điện thu được,... Trên cơ sở đó, công ty sẽ tiến hành giai đoạn 2.
Ông cũng tính toán nơi tiến hành dự án. Xét về vấn đề hạ tầng, “vua rác” cho rằng, việc đặt nhà máy tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM sẽ có nhiều thuận lợi hơn vì thời gian xây dựng nhà máy được rút ngắn. Ông cho biết, chỉ mất tầm chưa đến 2 năm. Trong khi đó, nếu Nhà nước cho phép đặt nhà máy tại Khu Công nghệ Môi trường xanh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An thì thời gian sẽ kéo dài khoảng từ 2,5-3 năm. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, nếu xét về lâu dài, ông David Dương mong muốn được lựa chọn việc đặt nhà máy tại Long An.
Nhân ngày 21/6, ông David Dương gửi lời chúc tốt đẹp cũng như cảm ơn đến các đơn vị truyền thông đã đồng hành cùng công ty trong suốt thời gian qua. Ông khẳng định, dù ở nước ngoài nhưng vẫn luôn theo dõi tin tức của quê hương mình thông qua các phương tiện truyền thông. Phía công ty vẫn luôn lắng nghe những chia sẻ, góp ý, phản biện của truyền thông để hoàn thành tốt hơn công việc kinh doanh./.
Hiện tại, dự án ủ rác, thu khí gas phát điện tại khu chôn lấp được Công ty VWS bắt đầu vận hành và được bộ phận kỹ thuật theo dõi. Công ty VWS đang thương thảo với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để bán điện. Và nhà máy đốt rác phát điện theo công nghệ Nhật Bản trong tương lai cũng nối kết vào đây. Vì vậy, tuy 2 dự án ở 2 vị trí khác nhau nhưng đường truyền tải điện đều truyền về cùng một nơi.