Doanh nhân Đỗ Tiến Vượng: Doanh nghiệp làm thiện nguyện sẽ truyền cảm hứng cho nhân viên

Theo ông Đỗ Tiến Vượng, từ thiện không mang lại lợi ích trực tiếp cho kinh doanh nhưng mang lại lợi ích gián tiếp, thể hiện nét đẹp văn hóa của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp làm thiện nguyện

Hiện nay, các hoạt động thiện nguyện, hướng đến phụng sự cho cộng đồng ngày được nhiều doanh nghiệp đề cao.

Tuy nhiên, không ít người người cho rằng việc các doanh nghiệp tham gia công tác từ thiện chỉ là cách để xây dựng thương hiệu, đánh bóng tên tuổi. Do đó, đây là hoạt động quan trọng, là nội dung chiến lược của nhiều doanh nghiệp.

Chia sẻ về vấn đề này với PV Gia đình Việt Nam, ông Đỗ Tiến Vượng - Phó chủ tịch Viện Đào tạo và Chuyển giao công nghệ V-Connect, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn Tài chính doanh nghiệp Việt Nam (CFC Vietnam) cho hay, ở Việt Nam luôn có truyền thống “lá lành đùm lá rách”, "nhường cơm sẻ áo", hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn. Chính vì vậy, việc làm từ thiện là trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân, chứ không riêng gì doanh nghiệp.

“Đối với các doanh nghiệp, việc làm từ thiện, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội không chỉ góp phần truyền cảm hứng về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, thắt chặt tình đoàn kết trong nhân dân mà còn thể hiện được giá trị cốt lõi, hệ thống điều hành, cách quản trị kinh doanh của doanh nghiệp đó”, Giám đốc CFC Vietnam cho hay.

Ông Đỗ Tiến Vượng - Phó chủ tịch Viện Đào tạo và Chuyển giao công nghệ V-Connect, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn Tài chính doanh nghiệp Việt Nam (CFC Vietnam) - Ảnh: NVCC

Ông Đỗ Tiến Vượng - Phó chủ tịch Viện Đào tạo và Chuyển giao công nghệ V-Connect, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn Tài chính doanh nghiệp Việt Nam (CFC Vietnam) - Ảnh: NVCC

Theo chuyên gia này, các chương trình từ thiện không mang lại lợi ích trực tiếp cho kinh doanh nhưng mang lại lợi ích gián tiếp cho doanh nghiệp.

Cụ thể, hỗ trợ các chương trình từ thiện sẽ giúp họ xây dựng hình ảnh tích cực, củng cố mối quan hệ với khách hàng và tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận với lãnh đạo cộng đồng và chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động hay cung cấp dịch vụ và hàng hóa.

Một lợi ích nữa tới doanh nghiệp, là tự tạo ra văn hóa cho nhân viên làm việc cho doanh nghiệp đó. Nói cách khác, nhân viên sẽ đồng lòng cho công việc từ thiện này, cởi mở hơn trong văn hóa công sở. Nhân viên được bổ sung thêm phẩm chất là đồng cảm với những người đang cần giúp, và sẽ giúp rất nhiều trong công việc khi phát huy phẩm chất này.

Phân tích rõ hơn về điều này, ông Vượng lấy ví dụ cụ thể việc kinh doanh giống như trồng một chậu cây, kết quả tài chính là hoa quả.

“Muốn kết quả tài chính tốt thì cành lá (tức là khách hàng) phải sum suê, xanh tốt. Muốn cành lá tốt thì thân cây (cách quản trị vận hành) phải khỏe. Để thân cây chắc thì rễ cây (việc đào tạo nhân sự) phải tốt.

Rõ ràng ai cũng thấy được doanh nghiệp làm từ thiện sẽ bị mất một khoản tiền nhưng chắc chắn khách hàng sẽ có cảm nhận tốt hơn về doanh nghiệp, cách vận hành cũng tốt hơn vì nhân sự được đào tạo, nhân viên có trách nhiệm với xã hội, do đó việc quản trị kinh doanh sẽ ổn hơn”, ông Vượng phân tích.

Chính vì thế, việc làm từ thiện như một mũi tên mà trúng hai đích, vừa “giúp cho người cũng là làm lợi cho ta”. Không chỉ giúp đỡ người nghèo, bệnh nhân cơ nhỡ, nạn nhân chất độc da cam, chăm lo cho các học sinh nghèo hiếu học… mà còn là cách quảng bá hình ảnh doanh nghiệp một cách thân thiện và thuyết phục.

“Tuy nhiên, nhân văn vẫn là đích đến cuối cùng mà các doanh nghiệp muốn hướng tới, giúp đỡ đúng người, đúng thời điểm”, Giám đốc CFC Vietnam cho hay.

Doanh nghiệp cần minh bạch trong từ thiện

Thời gian gần đây vấn đề minh bạch trong hoạt động từ thiện đang nhận được quan tâm rất lớn của xã hội, bởi ngày càng có nhiều chương trình thiện nguyện tiếp nhận quyên góp từ cộng đồng với số tiền rất lớn, nhưng trong vận hành hoạt động và tổ chức lại bộc lộ không ít bất cập.

Chia sẻ về vấn đề này, doanh nhân Đỗ Tiến Vượng cho rằng, việc đòi hỏi sự minh bạch trong hoạt động từ thiện là chính đáng và cần thiết, nhằm bảo đảm sự phát triển đúng hướng, đồng thời cũng là điều kiện tiên quyết để các hoạt động tương thân tương ái thật sự phát huy hiệu quả trên thực tế.

“Từ thiện chỉ là biểu hiện nhưng một biểu hiện đó có thể xã hội quy ra cách làm, cách nghĩ của một doanh nghiệp. Nếu không minh bạch trong từ thiện, không sao kê cụ thể thì cũng không rõ ràng trong mọi việc, gây ra phản tác dụng”, ông Vượng nói.

Minh bạch thông tin giúp doanh nghiệp gia tăng sự tin tưởng của khách hàng - Ảnh minh họa

Minh bạch thông tin giúp doanh nghiệp gia tăng sự tin tưởng của khách hàng - Ảnh minh họa

Trên thực tế, vẫn còn tình trạng một số người cố tình lợi dụng hoạt động quyên góp từ thiện để “phông bạt” nhằm trục lợi, đánh bóng tên tuổi hoặc phục vụ cho mục đích, động cơ thiếu trong sáng. Tuy nhiên theo ông Vượng xã hội hiện nay rất phẳng, làm ăn không chân chính rất dễ bị phát hiện.

“Nếu doanh nghiệp làm ăn không chân chính, không minh bạch thì chắc chắn không thể tồn tại được lâu dài và quan trọng hơn là trở thành một tấm gương xấu cho nhân viên, chắc chắn doanh nghiệp không thể tốt lên được”, vị doanh nhân này nói.

Do đó, Giám đốc CFC Vietnam cho rằng trong doanh nghiệp, việc minh bạch lại càng được quan tâm và cần được rõ ràng.

“Vấn đề từ thiện không phải là nhiều hay ít mà là có chính xác, có rõ ràng hay không. Bản thân khách hàng cũng sẽ thấy được rằng, giữa xã hội đang rất nhiều người lợi dụng hoạt động từ thiện để phông bạt mà công ty này vẫn chính trực thì chắc chắn sản phẩm của công ty đó làm ra là tin cậy. Khi lấy được niềm tin của khách hàng, kết quả tài chính sẽ tự động đến”, ông Đỗ Tiến Vượng nhấn mạnh.

Thúy Ngà

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/doanh-nhan-do-tien-vuong-doanh-nghiep-lam-thien-nguyen-se-truyen-cam-hung-cho-nhan-vien-d202186.html