Doanh nhân Hà Tĩnh - những kỳ vọng mới

Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, nhiều doanh nhân (Hà Tĩnh) đã bày tỏ kỳ vọng, gửi gắm mong muốn tiếp tục được kiến tạo môi trường thuận lợi để hoạt động SXKD hiệu quả hơn.

Ông Phan Xuân Hồng - Chủ tịch Hội DN thị xã Kỳ Anh: Đầu tư hạ tầng, tạo tiền đề cho doanh nghiệp hoạt động và thu hút dự án

 Ông Phan Xuân Hồng - Chủ tịch Hội DN thị xã Kỳ Anh, Giám đốc Công ty CP Xây lắp công nghiệp và Thương mại Xuân Hồng.

Ông Phan Xuân Hồng - Chủ tịch Hội DN thị xã Kỳ Anh, Giám đốc Công ty CP Xây lắp công nghiệp và Thương mại Xuân Hồng.

Thị xã Kỳ Anh hiện có hơn 1.000 DN, hoạt động đa lĩnh vực. Trên địa bàn có nhiều công trình, dự án trọng điểm đầu tư, đây là điểm thuận lợi cho DN hoạt động SXKD. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, logistics cũng đã tạo điều kiện cho DN phát triển.

Trong thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp để tạo điều kiện cho DN hoạt động, tuy nhiên, còn có một số vướng mắc chưa được giải quyết. Đơn cử như: một số mỏ đá có giấy phép khai thác khoáng sản hết thời hạn nhưng chưa được gia hạn. Các mỏ đều nằm trong quy hoạch khai thác khoáng sản của UBND tỉnh và đã nộp đủ hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép khai thác. Luật Khoáng sản Việt Nam cho phép được gia hạn giấy phép khai thác, do đó, các DN mong muốn tỉnh có giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc.

Ngoài ra, Khu kinh tế Vũng Áng có lợi thế cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, có nhiều tiềm năng phát triển về cảng biển, tuy nhiên, hiện nay, hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, xứng tầm, chưa khai thác hết lợi thế.

DN trên địa bàn thị xã Kỳ Anh chủ yếu quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên cần có những chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần tiếp tục hỗ trợ DN chính sách về cho thuê mặt bằng, giá đất; làm tốt công tác GPMB, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, bình đẳng; đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề cho DN hoạt động và thu hút các dự án vào địa bàn.

Ông Nguyễn Tiến Trình - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hà Tĩnh: Tăng cường đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn

 Ông Nguyễn Tiến Trình - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Tiến Trình - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hà Tĩnh.

Việc thay đổi liên tục các quy định về thuế khiến DN, các hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong việc cập nhật, theo dõi và thực hiện. Do đó, Cục Thuế tỉnh cần tiếp tục tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu về Luật Thuế và hướng dẫn DN thực hiện nghĩa vụ thuế một cách chính xác để nâng cao hiểu biết cho DN, góp phần giảm thiểu vi phạm, nộp thuế sai sót và tạo điều kiện cho DN hoạt động hiệu quả hơn.

Trong bối cảnh hiện tại, DN rất cần môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, an toàn. Do vậy, các cấp, ngành cần tiếp tục xử lý những bất cập về thủ tục hành chính, chồng chéo, vướng mắc về quy định; đẩy mạnh cơ chế “một cửa” trong đầu tư kinh doanh, tạo môi trường để DN cống hiến và phát triển.

DN cũng kiến nghị, đề xuất các cơ quan, đơn vị phối hợp để bố trí hợp lý các cuộc thanh tra, kiểm tra, đặc biệt trong giai đoạn SXKD khó khăn hiện nay, tạo thuận lợi cho DN hoạt động; tăng cường hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại. Các sở, ban, ngành tiếp tục triển khai hội nghị đối thoại, các cuộc gặp gỡ với DN để cùng tháo gỡ khó khăn.

Bà Trần Thị Linh Giang - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch và Thương mại Đại Bàng: Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch Hà Tĩnh

 Bà Trần Thị Linh Giang - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch và Thương mại Đại Bàng.

Bà Trần Thị Linh Giang - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch và Thương mại Đại Bàng.

Công ty CP Du lịch và Thương mại Đại Bàng hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ như lưu trú, ẩm thực, tổ chức sự kiện. Công ty hiện có 4 cơ sở khách sạn với hơn 250 phòng lưu trú, trong đó khách sạn Eagle đạt tiêu chuẩn 4 sao với 150 phòng, trung bình mỗi năm đón khoảng 10.000 lượt khách lưu trú.

Để thu hút lượng khách đến sử dụng các dịch vụ, DN đã nỗ lực, thường xuyên xúc tiến, tạo mối quan hệ với khách hàng; đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng các dịch vụ, đưa ra các mức giá hấp dẫn cho các đoàn tour/tuyến.

Thời gian qua, với sự quan tâm của các cấp, ngành, lĩnh vực du lịch trong tỉnh đã có sự phát triển nhất định, tuy nhiên còn nhiều yếu tố khiến DN hoạt động trong lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn, nhất là hạ tầng du lịch chưa đồng bộ; các điểm du lịch còn rời rạc và chủ yếu hoạt động theo mùa hoặc mang tính thời điểm (du lịch biển, dịp lễ…); chất lượng nhân sự đầu vào cho ngành dịch vụ du lịch còn hạn chế, hầu hết lao động không được đào tạo bài bản.

Thời gian tới, mong muốn tỉnh và các ngành tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá để du lịch Hà Tĩnh trở thành điểm đến chứ không phải điểm dừng; có các chính sách hỗ trợ DN trong việc thu hút nguồn nhân lực có chuyên môn cho ngành dịch vụ du lịch; tạo điều kiện thông thoáng hơn để DN hoạt động; tạo thuận lợi cho DN tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển quy mô kinh doanh…

Bà Võ Thị Hồng Minh - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Công ty CP Giống cây trồng và Thương mại Hà Tĩnh: Cần chính sách đặc thù cho các DN sản xuất nông nghiệp

 Bà Võ Thị Hồng Minh - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Công ty CP Giống cây trồng và Thương mại Hà Tĩnh.

Bà Võ Thị Hồng Minh - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Công ty CP Giống cây trồng và Thương mại Hà Tĩnh.

Mặc dù luôn được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế, song đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Trên địa bàn tỉnh, số lượng DN sản xuất nông nghiệp, DN khoa học công nghệ rất ít, trong khi vai trò của DN rất quan trọng trong việc đồng hành, thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp, góp phần định hình tư duy của người nông dân.

Để tạo tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, cần phải phát triển DN sản xuất. Do đó, tỉnh cần có chính sách đặc thù để thu hút DN tham gia lĩnh vực này, đồng thời khuyến khích DN đầu tư cải tiến, nâng cấp công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm; từ đó giảm giá thành cho bà con nông dân. Đặc biệt, các chính sách về nông nghiệp, về giống cần linh hoạt, kịp thời để đảm bảo tính thời vụ.

Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn các cấp, ngành, các DN đẩy mạnh kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh; lan tỏa sản phẩm OCOP trong cộng đồng DN, đưa sản phẩm OCOP ra ngoài tỉnh nhiều hơn, hình thành chuỗi cung ứng, tiêu thụ bền vững.

Ông Lê Đức Thắng - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh: Kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi

 Ông Lê Đức Thắng - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh.

Ông Lê Đức Thắng - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh.

Từ sau đại dịch COVID-19, tình hình sản xuất của DN Hà Tĩnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức như: xung đột chính trị trên thế giới ngày càng phức tạp, thời tiết diễn biến cực đoan, giá cả biến động liên tục, chi phí đầu vào tăng… Với sự đồng hành, quan tâm của các cấp, ngành bằng nhiều quyết sách đồng bộ tạo điều kiện cho DN phát triển, với ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực, nhiều DN đã chủ động thích ứng, đổi mới mô hình sản xuất, phục hồi SXKD, góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH của tỉnh.

Nhiều kiến nghị, đề xuất của DN tại buổi đối thoại dịp 13/10/2023 được UBND tỉnh, sở, ngành tháo gỡ, giải quyết kịp thời như: đơn giá tiền lương trong xây dựng cơ bản, đơn giá nhiều loại vật tư đầu vào đã được điều chỉnh linh hoạt cận giá thị trường; vướng mắc trong các lĩnh vực tài nguyên môi trường, đầu tư, GPMB…

Cộng đồng DN kỳ vọng lãnh đạo tỉnh tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn; chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho DN; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí cho DN; đồng thời, xem xét ban hành các cơ chế chính sách để hỗ trợ, khuyến khích DN phát triển bền vững, qua đó, đóng góp nhiều hơn cho thu ngân sách, an sinh xã hội, tạo việc làm cho người lao động…

Ngọc Loan (ghi)

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/doanh-nhan-ha-tinh-nhung-ky-vong-moi-post275350.html